Kon Tum: 'Bó tay' với dịch bọ cánh cứng phá cà phê
- Dược liệu
- 18:19 - 14/08/2018
Tình trạng cây bị bọ cánh cứng phá hoại
Tình trạng bọ cánh cứng phá hoại cây cà phê nhỏ từ những năm trước lại đang tái diễn ở xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà.
Diện tích cà phê bị bọ cánh cứng phá hoại ở xã Đắk Mar đã tới trên 60ha, chủ yếu là cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Diện tích này được Công ty TNHH Một thành viên 704, thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam giao cho người dân làng Kon Klốc trồng tái canh. Người dân lo ngại là hiện nay chưa có cách phòng trừ hiệu quả và diện tích thiệt hại thì đã lên tới hàng chục ha.
Hình dạng bọ cánh cứng có thân màu vàng nâu, kích thước bằng hạt đậu đen, gây hại vào ban đêm khoảng từ 18h30 đến 21h. Mật độ tập trung của bọ cánh cứng trên một cây cà phê có chỗ lên tới cả trăm con. Loại bọ này thường ăn lá non khiến cây cà phê bị cụt ngọn, lá thủng lỗ chỗ, làm cháy đen lá ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây.
Ông Trần Văn Tài, Công ty TNHH MTV Cà phê 704 cho biết, đơn vị đã sử dụng nhiều biện pháp diệt bọ, song hiệu quả không cao. Trong hơn 60ha cà phê bị bọ cánh cứng phá hoại, chỉ còn khoảng 10ha có khả năng phục hồi, đa số diện tích còn lại cây cà phê bị chết. “Chúng tôi đã dùng bẫy bằng đèn, rồi bỏ cả thuốc bả để xua đuổi nhưng không hiệu quả. Thậm chí chúng tôi vừa phun xong lá còn ướt mà bọ cánh cứng vẫn bò lên. Phun xong một hai ngày chúng tôi kiểm tra bới ở gốc chỉ còn một số ít nhưng 10 ngày sau nó lại xuất hiện rất nhiều. Chúng tôi bây giờ cứ 10 ngày phun thuốc một lần nhưng mà chúng vẫn ăn, vẫn tàn phá nặng nề, thậm chí thành đại dịch ở khu vực này”, ông Văn Tài thông tin.