THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:05

Kinh tế Việt Nam 2016 và kỳ vọng vào một chính phủ kiến tạo, liêm chính

Những động thái kinh tế hai chiều…

Về tổng thể, trong suốt từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được động lực tăng trưởng khá tích cực và có nhiều cải thiện ở một số chỉ tiêu, nổi bật là kết quả phát triển khu vực doanh nghiệp, FDI, du lịch và dịch vụ; tín dụng và xuất siêu. Lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát, dù có tăng nhẹ (bình quân 7 tháng so cùng kỳ năm 2015 chỉ số CPI tăng 1,82% và lạm phát cơ tăng 1,81%). Khu vực doanh nghiệp có nhiều khởi sắc cả về số  doanh nghiệp thành lập mới (64122 doanh nghiệp),  tăng 23,3% về số doanh nghiệp và tăng 54,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; Tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào đạt 1391,9 nghìn tỷ đồng.

 Đặc biệt, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng là 16.706, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm trước (gấp hơn 10 lần mức tăng 5,8%  của 7 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014). Tuy vậy, khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, với số doanh nghiệp giải thể là 6422, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2015 giảm 2,7% so với năm 2014). Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 36.206, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực FDI trong 7 tháng năm nay cũng có nhiều bứt phá ngoạn mục so với cùng kỳ năm trước. Cả nước thu hút được 1408 dự án mới (tăng 31,8%), với số vốn đăng ký đạt 8695,2 triệu USD (tăng 25,5%); Đồng thời,  660 lượt dự án tăng vốn 4245,2 triệu USD. Tổng vốn FDI đăng ký mới và bổ sung vốn đạt 12940,4 triệu USD, tăng 46,9%. Vốn FDI thực hiện ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,5%. Khách quốc tế cũng tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng đang đối diện với sự gia tăng áp lực về nợ công; nợ xấu; tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan và tình trạng ô nhiễm môi trường; sức ép cạnh tranh và bảo đảm an sinh xã hội; trong khi có sự suy giảm động lực tăng trưởng do mức tăng thấp về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cũng như suy giảm trong một số ngành công nghiệp, nông nghiệp và đầu tư công. 

Dây chuyền sản xuất ô tô tại công ty TCIE Đà Nẵng.

Nông nghiệp có sự chậm trễ về thời vụ, suy giảm cả về năng suất và sản lượng lúa mùa và hè thu. Gieo trồng rau màu nhìn chung đạt thấp. Diện tích rừng trồng tập trung tăng 1,7%, chậm 6 lần so với tốc độ tăng sản lượng gỗ khai thác 11,8%; Diện tích rừng bị thiệt hại tăng  gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Việc đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản gặp khó khăn. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 96,83 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,5%, do giá giảm). Mức tăng xuất khẩu được ghi nhận ở rau quả tăng 32,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 18,2%; cà phê; sản phẩm CNTT và điện tử; giày dép; hàng dệt may... trong khi xuất khẩu dầu thô giảm 44,5% kim ngạch và lượng xuất khẩu giảm 21,8%...Tính chung 7 tháng xuất siêu 1,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,5 tỷ USD.

Tăng trưởng chậm lại và sinh kế khó khăn khiến tỷ lệ nghèo đói và yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội gia tăng áp lực.

Theo Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6%, nhưng viễn cảnh kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực...

Động lực và kỳ vọng mới vào nhà nước kiến tạo, liêm chính

Động lực tăng trưởng nửa cuối năm sẽ không phải trông cậy vào mở rộng đầu tư công, khó hạ lãi suất và mở rộng tín dụng ưu đãi, mà phải là cộng hưởng từ sự tăng tốc giải ngân các dự án đầu tư công nằm trong kế hoạch đã duyệt; từ kết quả hoạt động của số doanh nghiệp thành lập mới, mở rộng sản xuất và quay lại hoạt động trên cơ sở quyết liệt triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tự do kinh doanh; với tinh thần thực sự cầu thị và chủ động tháo gỡ khó khăn và tạo giảm thiểu các gánh nặng tài chính, tín dụng và thể chế cho doanh nghiệp, kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách.

Tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt; ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích nghi và khắc phục những bất cập từ biến đổi khí hậu.

Đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu lao động và hỗ trợ đóng mới tàu, thuyền lớn vươn khơi; khôi phục ngư trường và hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ hải sản ở các địa phương bị ô nhiễm môi trường nước, biển; gia tăng hoạt động xúc tiến thương mại chuyên nghiệp và hiệu quả, áp dụng công nghệ bảo quản mới và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta...

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công và chi tiêu công; linh hoạt và chủ động trong chính sách tỷ giá; nới điều kiện cho vay và từng bước kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng, gắn với việc xử lý nợ xấu. Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp gắn với lập nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là trong thế hệ trẻ. Đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp toàn diện có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh, thích ứng tình trạng biến đổi khí hậu. Tăng cường quan trắc, kiểm soát chặt các nguồn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra, xử lý việc chuyển giá, trốn thuế trong hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Đẩy mạnh  xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu...

Đặc biệt, Chính phủ đang quyết tâm xây dựng nhà nước kiến tạo, liêm chính, đồng hành và tạo thuận lợi cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo và phát triển. Khác với “nhà nước điều hành”, “nhà nước đầu tư” thường can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế và bị động chạy theo xử lý các vụ việc, nhà nước kiến tạo là nhà nước pháp quyền, hài hòa giữa giao quyền, ủy quyền, phân quyền và giám sát quyền lực minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả; đẩy mạnh chống tham nhũng và ngăn chặn các nguy cơ lạm dụng chính sách trục lợi cá nhân và lợi ích nhóm, biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp; coi trọng sự đồng bộ và chú ý tính hai mặt của các chính sách; hoạt động hướng vào thị trường, thúc đẩy sự thay đổi thông qua thị trường và theo định hướng kết quả đầu ra.

Nhà nước kiến tạo luôn bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu; trọng dụng và hỗ trợ người tài được tự do sáng tạo; coi trọng chống tham nhũng và tiết kiệm thực chất; không làm thay dân và không cạnh tranh với doanh nghiệp ngoài nhà nước, mà tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân có thể mưu cầu hạnh phúc, cả cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển và liên kết chặt chẽ. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng cán bộ, công chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.

Khu vực kinh tế nhà nước trong nhà nước kiến tạo ngày càng giảm dần quy mô, tăng dần hiệu quả, thu hẹp độc quyền và tăng vai trò "bà đỡ" cho các quá trình phát triển lành mạnh; đảm bảo cho việc phân phối một cách tương đối công bằng những thành quả của phát triển kinh tế - xã hội...Một nhà nước kiến tạo như vậy sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho doanh nghiệp và xã hội, tạo động lực thể chế và nhiều kỳ vọng mới, lớn lao cho phát triển kinh tế bền vững thời gian tới...

TS. Nguyễn Minh Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh