THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:13

Kinh tế tư nhân: Bao giờ mới được nhìn nhận xứng tầm ?

 

 Vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế

Sau 15 năm thực hiện chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân và 30 năm đổi mới, vai trò của kinh tế tư nhân trong đời sống kinh tế - xã hội ngày càng được nhìn nhận. Nhìn lại chặng đường 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, chúng ta thấy rõ những đóng góp tích cực của kinh tế tư nhân đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: tạo công ăn việc làm cho người lao động; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước; tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, đến cuối năm 2016 cả nước có trên 500.000 doanh nghiệp tư nhân, chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Đặc biệt, riêng khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và giải quyết khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm. Điều đó chứng tỏ kinh tế tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế ở nước ta hiện nay. Những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò thông qua cơ cấu đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo công ăn việc làm cho người lao động, tốc độ tăng trưởng,… Điều này càng thấy rõ ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc,… Các tỉnh này phát triển được như ngày nay là hoàn toàn dựa chủ yếu vào kinh tế tư nhân. Chỉ riêng tại tỉnh Bình Dương, hiện nay đã có 48 KCN và cụm công nghiệp với hơn 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, đa số là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng thu ngân sách của tỉnh Bình Dương năm 2016 đạt 40.000 tỷ đồng, phần lớn là do khu vực kinh tế tư nhân đóng góp. Nếu không có sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế thì cho đến nay Bình Dương chỉ là một tỉnh thuần nông. Trong khi đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng đội ngũ doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững với số lượng ít nhất 500.000 doanh nghiệp, trong đó những doanh nghiệp quy mô lớn và khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 65% GDP và đóng góp 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

 

Kinh tế tư nhân và sự phân biệt đối xử

Hiện nay, có bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân được hưởng các chính sách ưu đãi, nguồn vốn đầu tư do Nhà nước mang lại ? Chính vì có sự phân biệt đối xử như vậy cho nên lợi ích nhóm, lợi ích từ việc hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi gần như chỉ đến được với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Thời gian qua, những ưu đãi mà các doanh nghiệp nhà nước được hưởng như tiếp cận thông tin đầu tư, vốn, tài nguyên, đất đai, thủ tục hành chánh,… trong việc phục vụ sản xuất kinh doanh là rất lớn. Nguồn lực đầu tư cho tới thời điểm hiện tại vẫn do Nhà nước phân phối bằng cơ chế xin - cho, không phân bố dựa trên hiệu quả sử dụng nguồn lực. Do đó, các doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận được nguồn lực đủ mạnh để phát triển. Phân bố nguồn lực theo cơ chế này là theo chủ quan chứ không theo nguyên tắc thị trường. Do đó, doanh nghiệp tư nhân có muốn phát triển cũng không được vì khó có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, tài nguyên, đất đai, lao động, thông tin, …Điều này đã làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, đồng thời làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Một nghịch lý nữa là, doanh nghiệp tư nhân càng lớn, kinh doanh càng hiệu quả thì lại bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đây là một trong vô số những nguyên nhân lý giải vì sao kinh tế tư nhân vẫn còn chưa được nhìn nhận xứng tầm.

Một vài kiến nghị đối với doanh nghiệp và chính phủ

Về phía doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp phải tự kiện toàn bộ máy nhân sự đủ trình độ, chuyên môn để bắt kịp với những thay đổi của thị hiếu, thị trường và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ trong thời đại mới sao cho kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu.

Về mặt chính sách, Chính phủ cần tạo điều kiện tốt hơn nữa sao cho các doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận được nguồn lực về đất đai, vốn, cơ hội kinh doanh, những thông tin xúc tiến thương mại,… một cách bình đẳng như những tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đã có những chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ này thực sự chưa đủ mạnh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vẫn chưa thể tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu ở phân khúc cao, ngoại trừ những công đoạn thâm dụng lao động tay nghề thấp và giá rẻ như dệt may, giày da, thủy sản,…Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân cũng phải cần có nơi “gõ cửa” khi mà có những thông tư, nghị định ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ như Nghị định 19 quy định, muốn được cấp phép kinh doanh gas, doanh nghiệp phải có 10 tổng đại lý hay 7 đại lý. Quy định này phạm Luật Doanh nghiệp với việc tạo ra các điều kiện kinh doanh mới.

 


Th.s. LÊ HOÀNG TRỌNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh