CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:08

"Kình ngư" trên biển Hoàng Sa - Trường Sa

 

Dốc vốn mua tàu đi xây đảo

          Mời tôi ly nước trà trong căn nhà khá khang trang tận cuối hẻm sâu ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm Tp Vũng Tàu, ông Hiển không nhớ bao nhiêu lần giong thuyền vượt sóng ra khơi, nhưng lần ông mua tàu gỗ ra Trường Sa cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân vận chuyển vât liệu xây đảo Đá Lát thì không thể nào quên. “Lúc đó tôi là “lính không đeo quân hàm”. Nói đi Trường Sa ngày ấy háo hức lắm. Những ngày ngâm mình dưới biển, vác đá xây đảo Đá Lát là thời gian ý nghĩa, tự hào, đẹp đẽ nhất của đời tôi. Và cũng chính từ đó, tôi quyết tâm gắn đời mình với nghề đi biển”. Ông Hiển mắt rưng rưng nhìn ra hướng biển. Giọng ông nghèn nghẹn, kỷ niệm về những ngày tháng vác đá xây đảo ùa về trong tiềm thức.

Ông Phạm Thế Hiển với chiếc máy I-com- kỷ vậy một thời chiến chinh trên biển


          Tháng 5 năm 1985, phong trào “Tất cả vì Trường Sa thân yêu” phát động trên toàn quốc. Một buổi chiều từ cảng cá về nhà, nghe đài truyền thanh của phường thông báo “Vận động bà con ngư dân đi Trường Sa, cùng bộ đội Hải quân xây đảo, bảo vệ Tổ quốc”. Tay cầm lưới, mắt hướng lên loa truyền thanh, ông nhủ thầm: “Đi Trường Sa xây đảo - một nghĩa cử cao đẹp với Tổ quốc tại sao mình không đi”. Rồi ông băn khoăn, tiền đâu mua tàu, khi vốn liếng của mình chưa đầy chục triệu đồng, vợ không việc làm, 3 con còn nhỏ? Sau bữa cơm tối, ông tìm sách báo viết về Trường Sa đọc. Hình ảnh bộ đội Hải quân canh biển, xây đảo đã làm ông xúc động. Đêm nằm bên vợ, ông bảo: “Anh có ý định mua tàu gỗ tham gia chiến dịch đi Trường Sa xây đảo cùng bộ đội hải quân”. Bà Võ Thị Phần quay ngoắt lại: “Ông khùng hay sao mà mang tiền đổ biển. Nhiệm vụ ấy đã có quân đội lo, việc gì đến ông?”. Ông Hiển phân trần: “Mình góp công sức cùng bộ đội xây đảo là bảo vệ Tổ quốc.  Bây giờ Tổ quốc đang cần, mình không làm thì lúc nào làm được”. Sau nhiều lần thuyết phục, phân tích điều hơn lẽ thiệt, cuối cùng bà Phần cũng đồng ý cho ông Hiển mua tàu. “Con tàu gỗ lúc đó hơn 30 triệu, một số tiền quá lớn đối với tôi. Nhưng tôi đã quyết, khó khăn mấy cũng phải thực hiện”, ông Hiển chia sẻ.

   “Dốc” toàn bộ vốn liếng tích cóp 20 năm đi biển không đủ, vận động người thân, bạn bè góp thêm chẳng ăn thua gì, bà Phần đành đi vay lãi cho đủ số tiền 33 triệu đồng mua tàu. Ngày giong thuyền ra khơi, ông Hiển sung sướng cầm vô lăng thẳng hướng Trường Sa kiêu hãnh, còn bà Phần mắt đỏ hoe tiễn chồng mong ông bình yên sớm trở về. “Đối với biển Trường Sa, tôi chẳng lạ gì, nhưng cùng bộ đội xây đảo thì đây là “nhiệm vụ đặc biệt” trong đời tôi. Lúc đó tôi đi theo tiếng thúc giục của trái tim. Nói thiệt chớ, đêm nằm bên vợ mà cứ hình dung, mình cùng các chiến sĩ vác đá xây đảo”, ông Hiển chia sẻ.

Con tàu 15 mã lực hướng Trường Sa thẳng tiến. Sau 2 ngày đêm chồm lên, ngụp xuống trong sóng và ngược gió, ông Hiển và 6 thuyền viên đến đảo Đá Lát. Tàu của ông được giao nhiệm vụ chở đá, cát, xi măng từ tàu Mỹ Á vào đảo Đá Lát cho cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân xây dựng. Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, giữa sóng biển gầm gào suốt ngày đêm, ông và 6 thuyền viên cùng  các chiến sĩ trên tàu Mỹ Á chuyển hàng nghìn tấn vật liệu từ tàu vào đảo. “Lúc đó chúng tôi làm quần quật từ sáng sớm đến chiều tối. Chúng tôi chạy đua với thời gian. Nếu thủy triều lên, tôi lái cho ghe chạy sát mép đảo, thủy triều xuống thì dừng lại cách đảo chừng 100 mét rồi chuyển vật liệu vào đảo bằng tay. Sau một ngày làm cật lực, nhìn nhau chỉ thấy con mắt và hàm răng. Ai cũng đen nhẻm, chai sạm vì nắng gió”,  ông hiển xúc động giấu giọt nước mắt sau ly trà chát nóng.

Bảy “người lính không quân hàm” cùng cán bộ, chiến sĩ công binh sau một tuần chạy đua, lăn lộn cùng sóng gió, đảo chìm Đá Lát mọc giữa đại dương. Nhìn “loa thành” mang hình Tổ quốc sừng sững giữa biển trời, cán bộ chiến sĩ Đoàn 83 công binh Hải quân ôm nhau khóc vì sung sướng. Trong niềm hạnh phúc vô bờ ấy, có cả giọt nước mắt mặn mòi của ông Hiển và 6 thuyền viên của ông. “Lúc đó, chúng tôi nhảy lên hò reo. Anh em đi xung quanh nhà, sờ tay vào tường cảm nhận như mình đang chạm trái tim Tổ quốc. Tôi nhủ thầm trong bụng, việc tự nguyện mua tàu đi Trường Sa thật ý nghĩa. Tôi nghĩ ngày trở về đất liền gặp vợ và 3 con đang mong chờ”, ông Hiển nhớ lại.

Niềm vui chưa kịp đi vào giấc mơ, thì đúng đêm ấy, biển bỗng nhiên nổi sóng, mưa trút dữ dội, sấm chớp ầm ầm. Đứng trên tàu Mỹ Á hướng mắt về đảo Đá Lát, hơn 30 trái tim thắt lại. “Liệu đảo có sao không? nếu công trình bị sóng gió cuốn trôi, bao công sức tan thành nước biển”. Những câu hỏi chìm trong lo lắng, hằn lên khuôn mặt của cán bộ, chiến sĩ.

Tàu Mỹ Á lùi ra xa neo đậu để tránh mắc cạn san hô. Những con sóng lừng cuộn từ lòng biển, dâng cao như ngọn núi rồi đổ ập xuống chiếc tàu gỗ nhỏ bé buộc sau lái tàu Mỹ Á giữa đêm đen. “Lúc đó, bỗng dưng thấy tàu Mỹ Á “phật” một cái. Tôi chạy ra sau lái thì thấy ghe của mình đã bị sóng đánh đứt dây lôi ra xa. Tôi hô to: “Tàu tôi chìm rồi, tàu chìm rồi”. Mọi người chạy về sau lái trong tiếng thét gào của gió mưa. Nhìn con tàu thân yêu bị sóng nhấn chìm mà tôi đứt từng khúc ruột. Tôi bật khóc vì thương tàu quá. Các anh trong ban chỉ huy tàu vỗ vai động viên. Nói thiệt, lúc đó lòng tôi tan nát. Nhưng cũng chính từ vụ chìm tàu này mà tôi đã hiểu, nếu đánh bắt xa bờ nhất thiết phải sắm tàu lớn mới chịu đựng được sóng gió”, ông Hiển chia sẻ.

Vợ chồng ông Phạm Thế Hiển.

“Tổng đài canh bão”, cứu tàu tại gia

  Ông Hiển vào trong buồng ôm ra chiếc máy I-Com sóng ngắn đặt trên bàn nước. Tay mở bọc ni-lon, miệng ông phân trần: “Cái máy này tui mua hơn 22 triệu đồng, năm 1997 tương đương hơn 4 cây vàng để gọi tàu tránh bão. Nhờ nó mà hàng ngàn lượt ghe, tàu thoát nạn, nhiều thuyền viên từ biển trở về đấy”.

Chuyện mua máy I-com rồi tự nguyện làm “tổng đài canh bão tại gia” được ông Hiển kể lại. Sau nhiều lần chứng kiến ghe, tàu, ngư phủ bỏ mạng giữa biển khơi, không cầm lòng trước thiệt hại về tài sản của nhiều đồng nghiệp, ông Hiển quyết định mua máy thông tin (loại I-Com sóng ngắn) về đặt tại nhà mình và tự nguyện làm “tổng đài”, với mục đích thông báo tình hình thời tiết, kêu gọi tàu khẩn cấp vòng, vượt tránh bão an toàn. “Khi gặp bão tố, ngoài nghe thông tin từ máy I-com thì không có loại máy nào thu được sóng, đối với các tàu cá đánh bắt xa bờ chỉ nghe tin bão qua máy I-com là rõ nhất. Đài duyên hải Vũng Tàu cũng phát bản tin, nhưng không phải lúc nào cũng nghe được. Nghĩ vậy tui đã mua chiếc máy này. Cứ 5 phút tui thông báo, kêu gọi một lần. Nhờ nó mà hàng hàng ghe tàu thoát chìm, về bờ an toàn”, ông Hiển cho biết.

Tin ông Hiển lập “tổng đài canh bão tại gia” cứu hộ các nghe tàu gặp nạn trên biển được truyền lên tận Trung ương. Năm 2007, Cục Dân quân Bộ Quốc phòng đã   quyết định bổ nhiệm ông giữ chức “Trung đội trưởng Trung đội Dân quân biển” tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, có nhiệm vụ thông báo an ninh, tình hình trên biển. Chiếc máy I-com cũ kỹ được ông dời từ “tổng đài tại gia” xuống gắn trên tàu. Thêm một lần nữa, ông lại cùng với 20 ngư dân vượt sóng ra biển Hoàng Sa, Trường Sa, vừa đánh cá, vừa trinh sát nắm tình hình. Tất cả những thông tin an ninh, thời tiết, động thái, tàu lạ, được ông Hiển ghi chép đầy đủ thông báo về Ban chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. “Trung đội tôi có 20 thuyền viên được chia làm 2 tiểu đội. Tất cả động thái của tàu nước ngoài đều được theo dõi chặt chẽ. Nhiều người hỏi gặp tàu Trung quốc sợ không? Tôi trả lời chẳng sợ gì cả. Mình đánh cá trên vùng biển, chủ quyền của mình thì sợ chi chứ”, ông Hiển quả quyết.

Nối nghiệp cha ra Hoàng Sa giữ biển

  Mang “dòng máu biển khơi” của cha, phần muốn chia sẻ cùng cha nỗi cực nhọc của nghề đi biển, gác giảng đường đại học, người con trai út Phạm Minh Chánh quyết theo nghề bám biển.

45 năm làm vợ, bà Võ Thị Phần không nhớ hết bao đêm thức trắng chờ ngóng tin chồng từ biển mỗi lần bão tố, bao lần gạt nước mắt tiễn chồng đi đánh bắt xa bờ. Dẫu cuộc chia tay nào cũng hẹn ngày trở lại, nhưng biển xa sóng gió, giông bão bất thường biết điều gì sẽ xảy ra giữa đại dương bao la. Ngày ông Hiển giong thuyền ra khơi, cũng là ngày tim bà thảng thốt, lòng bà đau đáu chờ đợi ngày tàu ông cập bến an toàn. Lần ông Hiển trở về trắng tay trong vụ xây đảo đá Lát, rồi mua máy thông tin làm tổng đài canh bão, bà Phần không giận, mà còn động viên ông bình tâm, vì bà hiểu, ông Hiển làm việc có ích cho Tổ quốc.

Năm nay ông Hiển bước sang tuổi 65, ông vẫn hăng hái ra khơi như thời trai trẻ. Ông bảo “Nói thiệt với anh, những ngày tháng còn lại của cuộc đời, nếu làm việc gì về biển, đảo, tui luôn sẵn sàng, kể cả hiến tài sản, tính mạng”.

Ngoài chức Chủ tịch Hội Nông dân phường, ông Hiển còn làm tổ trưởng “tổ đoàn kết giúp nhau trên biển” và “tổng chỉ huy” 20 truyền trưởng của 20 con tàu trên 100 mã lực với hơn 200 ngư dân do chính ông vận động luôn sẵn sàng xuất kích khi Tổ quốc cần. Dẫu mỗi lần “Biển Đông dậy sóng”, dẫu bao hiểm nguy rình rập, song ông Hiển và những con tàu do ông chỉ huy vẫn hiên ngang bám biển, giữ ngư trường như những cây phong ba trên biển Hoàng Sa. 

Trần Mạnh Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh