Kinh doanh Bitdeal, những bài học đa cấp trá hình đủ cảnh tỉnh nhà đầu tư
- Pháp luật
- 21:09 - 03/12/2017
Tất cả những lời mời gọi chỉ nói về siêu lãi suất mà không ai nói về rủi ro khi sàn sập, công ty thua lỗ, phá sản
Ai đứng sau hoạt động huy động vốn qua tiền ảo Bitdeal?
Theo ông Nguyễn Thái Hòa, việc ICO - gọi vốn thông qua đồng tiền ảo diễn ra rầm rộ trên thị trường thế giới, đây là hoạt động huy động vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup). “Đa phần nhà đầu tư Việt Nam không hiểu vấn đề này. Ở đây việc đầu tư đồng Bitdeal thật ra là đầu tư cho dự án, tức là cho app Bitdeal”.
Điều này có nghĩa số tiền của nhà đầu tư khi đầu tư tiền ảo Bitdeal lời lãi hay thua lỗ phụ thuộc vào sự phát triển của app Bitdeal. Ông Nguyễn Thái Hòa cũng cho rằng đồng Bitdeal ưu việt hơn hẳn những đồng tiền ảo khác, khi mà những đồng tiền ảo khác hầu hết không có dự án nào support (hỗ trợ). “Hiện trên thị trường có rất nhiều đồng tiền ảo kêu gọi huy động vốn, nhưng thông thường mới ở trên vấn đề ý tưởng, mà từ ý tưởng đến thực tế là một trời một vực. Còn Bitdeal là đang chạy dự án, tức là người ta được trải nghiệm app đó rồi”.
Trên thực tế, ứng dụng app Bitdeal được quảng bá là tiện ích kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong ngày ra mắt, ông Nguyễn Thái Hòa cam kết đến 20/9 sẽ có ứng dụng (app), tuy nhiên đến ngày 15/10, app mới được hiển thị. Đáng nói, cho đến thời điểm hiện tại, loại app này hầu như chưa có doanh nghiệp nào kết nối, ngoại trừ vài doanh nghiệp là những thành viên trong hệ thống công ty.
Dù khẳng định do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với tiền ảo nên công ty không liên quan đến hoạt động huy động vốn thông qua đồng Bitdeal tại Việt Nam nhưng thực tế diễn ra thời gian qua lại cho thấy, những thành viên sáng lập Bitdeal đã “mở cửa” cho các hoạt động huy động đầu tư đồng Bitdeal.
Như trước đó chúng tôi đã phản ánh, các hoạt động ICO, lending diễn ra rầm rộ tại trụ sở và văn phòng công ty. Thậm chí trong các buổi giới thiệu app, các nhà sáng lập app đều trực tiếp hoặc gián tiếp mời gọi mọi người tham gia các buổi hội thảo kêu gọi đầu tư. Một điều nữa, dù việc dừng hoạt động huy động vốn thông qua tiền ảo Bitdeal tại Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện thông qua việc chặn các ID từ Việt Nam nhưng từ tháng 8/2017 đến nay, Công ty Bitdeal không thực hiện mà vẫn để hoạt động này diễn ra.
Ông Nguyễn Thái Hòa cho biết “đang trao đổi với phía Bitdeal tại Anh để dừng các hoạt động ICO tại thị trường Việt Nam”. Nhưng một điều bất ngờ mà chúng tôi tìm hiểu được là thực chất trên giấy phép tại Anh và Việt Nam thì cả hai Công ty Bitdeal này đều thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thái Hòa.
Như vậy, việc dừng hay tiếp tục cho đầu tư đồng Bitdeal tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Thái Hòa hoàn toàn có thể thực hiện sớm nếu nó thực sự ảnh hưởng đến hoạt động của app Bitdeal như lời ông nói. Giải thích về điều này, ông Nguyễn Thái Hòa nói ông phải “bàn bạc với một số cổ đông bên Anh” chứ mình ông không thể quyết định được.
Nhưng trên thực tế, trong 2 tháng 10 và 11/2017, Bitdeal lại có chương trình tặng thưởng quà cho những nhà đầu tư đạt doanh số cao như du lịch Campuchia, Mỹ, tặng iPhone 8, xe máy, ô tô Mercedes… Sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của Công ty Bitdeal đã phần nào lý giải về việc ai thực sự đứng đằng sau hoạt động huy động vốn, kêu gọi đầu tư tiền ảo Bitdeal.
Cẩn thận tán gia bại sản vì tiền ảo
Nhìn nhận về hoạt động huy động vốn thông qua tiền ảo Bitdeal nói riêng và các loại tiền ảo nói chung thời gian qua, Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín cho rằng những nhà đầu tư đang mạo hiểm bỏ tiền thật vào tiền ảo theo hình thức đa cấp trá hình là vô cùng rủi ro.
“Thứ nhất là câu chuyện pháp lý. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép hoạt động huy động vốn thông qua tiền ảo, có chăng chỉ là tư vấn đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư phải xem tính pháp lý của doanh nghiệp như thế nào.
Thứ hai là mức lợi nhuận. Các gói đầu tư vào tiền ảo Bitdeal theo như quảng cáo lợi nhuận có thể lên đến 3,45%/ngày, tức là hàng trăm phần trăm mỗi tháng, chưa kể hoa hồng. Trong khi đó, mức thu nhập bình quân của các ngành nghề kinh doanh hiện nay tại Việt Nam chỉ vào khoảng 15-20%/năm. Còn nếu gửi tiết kiệm ngân hàng lãi suất tối đa 8%/năm. Nên nhà đầu tư phải đặt câu hỏi họ làm gì ra mức lợi nhuận đó?
Thứ ba là tiền ảo hiện nay chưa được pháp luật Việt Nam công nhận là tiền tệ, thành ra nếu kết hợp tiền ảo đó với loại hình thu gom các khuyến mãi giảm giá thì cái đó cũng không phù hợp. Cuối cùng, nếu thực sự là hoạt động huy động vốn cho startup thì hình thức huy động vốn của doanh nghiệp này cũng không làm đúng chức năng của doanh nghiệp bình thường. Nếu doanh nghiêp bình thường huy động vốn thì phải thông qua các kênh như phát hành cổ phiếu, trái phiếu; hoặc thông qua hình thức góp vốn của các thành viên góp vốn chứ không phải huy động đại trà như vậy”, luật sư Bùi Quang Tín phân tích.
Cũng theo luật sư Bùi Quang Tín, thực tế các hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình thông qua các đồng tiền ảo tại Việt Nam đã rất phổ biến nhưng những bài học dường như vẫn chưa đủ cảnh tỉnh các nhà đầu tư. Cách đây chưa lâu, chúng tôi đã phản ánh về những đối tượng mời gọi người dân ở Bắc Giang đầu tư vào tiền ảo AOC khiến hàng trăm người dân gom góp tiền, thậm chí vay tiền, cầm cố “sổ đỏ” để đầu tư vào loại tiền ảo này.
Ngày 27/11, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt 3 đối tượng trong đường dây này là Thân Thị Toan (50 tuổi, trú tại xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang); Nguyễn Tuấn Giảng (63 tuổi, trú tại tổ 8, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Nguyễn Thị Thi (54 tuổi, trú ở Tòa nhà Ruby2, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội).
Bước đầu đấu tranh, các đối tượng thừa nhận có câu kết với nhiều đối tượng khác tạo ra một website liên quan đến đồng tiền ảo AOC để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia. Với việc đầu tư tiền ảo này, người dân cũng được hưởng lãi suất và hoa hồng khi giới thiệu thêm người tham gia, nhưng khi muốn rút tiền gốc thì họ mới tá hỏa khi bị các đối tượng gây khó dễ, không cho rút.
Không chỉ tại Bắc Giang mà thời gian vừa qua, trên nhiều tỉnh, thành cả nước, hàng trăm người đã trở thành bị hại của hành vi lừa đảo đầu tư tiền ảo. Nhiều người đã tán gia bại sản vì nghe lời dụ dỗ về siêu lãi suất của các đối tượng xấu. Riêng với đồng tiền ảo Bitdeal, khi khách hàng đồng ý tham gia, sẽ được cấp một tài khoản để tự chơi, họ sẽ nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản trực tiếp cho upline của chính mình (người giới thiệu chào mời mình tham gia).
Họ không hề có giấy tờ chứng minh góp vốn, không có sự đảm bảo nào về mặt pháp lý ngoài những lời hứa hẹn thu nhập triệu USD nếu gia nhập. Không một ai đả động đến vấn đề rủi ro nếu sàn sập, công ty phá sản, và cũng không ai nói đồng tiền thật khách hàng bỏ ra để mua tiền ảo được giao cho ai. Nếu có rủi ro, họ sẽ khó được pháp luật bảo vệ.