THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:58

"Kiều nữ" giăng bẫy đưa tài xế taxi vào tròng

 

Ông Chung, ngụ ở Gò Vấp, TP.HCM, có thâm nên lái taxi 15 năm, từng làm qua 3 hãng taxi và từng nghe không ít tình huống nguy hiểm của đồng nghiệp cũng như chính bản thân trải qua.

Kể lại tai họa xảy ra với đồng nghiệp, ông Chung không giấu nổi lo lắng: “Chuyện xảy ra cũng vài năm rồi nhưng chúng tôi chưa quên được. Hôm đó khoảng 12h đêm, anh bạn tôi đậu xe gần bưu điện quận 5, đang gác chân nằm thiu thiu ngủ thì một cô gái trẻ ăn mặc lịch sự đi tới gõ kính, thỏ thẻ hỏi: "Có chở khách không?".

 

Tài xế taxi luôn phải đối diện với nhiều nguy hiểm. Ảnh: Thanh Huyền


Nhìn vẻ ngoài dịu dàng của cô gái, lại có một mình nên anh tài xế tặc lưỡi cứ chở thôi, cô gái thì làm gì mình được.

Cô gái chỉ tài xế chạy vào hẻm vắng, tối om, bảo nhà ở đó. Khi nàng xuống xe thì 3 thanh niên tấp ngay tới, kề dao vào cổ tài xế cướp sạch tiền bạc, điện thoại, máy cà thẻ. Anh tài xế này cố chống cự còn bị đánh đập dã man.

Tuy nhiên, ông Chung cho rằng, anh bạn mình mất của nhưng may mắn còn giữ được mạng. Còn trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp tài xế bị cướp và giết.

Mới tháng 9 vừa qua, anh Hoàng Thế Vinh, một tài xế taxi đã bị sát hại khi chở khách từ Đắk Lắk về Lâm Đồng. Câu chuyện này cũng xôn xao trong giới taxi một thời gian. Dù lo lắng, nhưng để kiếm kế sinh nhai nên ai cũng bảo nhau cố gắng cảnh giác.

Thoát nạn nhờ tấp vào chốt dân phòng

6h sáng tại bãi xe taxi trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), hơn 50 chiếc xe đang chờ các bác tài tới nhận. Trong giờ giao ca, các bác tài ngồi tụ tập cà phê, kể cho nhau nghe những nguy hiểm, rủi ro trong nghề để cùng rút kinh nghiệm.

Tình huống của anh Ban, một thành viên trong hãng khiến mọi người thót tim nhất.

Cách đây 1 tháng, vào lúc 11h đêm, anh Ban chở 4 thanh niên từ đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) về huyện Hóc Môn.

 

Các tài xế tự rút kinh nghiệm, chỉ bảo nhau cách nhận biết tình huống nguy hiểm để né tránh. Ảnh: Thanh Huyền


“Nghe khách đi Hóc Môn tôi mừng hú, chắc mẩm tua này cũng được vài trăm ngàn. Thế nhưng càng đi, đường càng vắng, tôi hỏi các anh xuống chỗ nào, chẳng thấy họ trả lời, chỉ bảo cứ đi đi”, anh Ban nhớ lại.

Cảm giác bất an vì chỉ dẫn lòng vòng của 4 vị khách, may trước mặt có chốt dân phòng, anh Ban nhanh trí tấp xe vào, nói dối xuống hỏi đường.

"Xuống khỏi xe, tôi vẫn tim đập thình thịch, ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào trong chốt, nhờ các anh dân phòng giải cứu bởi các vị khách kia rất đáng ngờ" - chưa hết hoảng sợ, anh Ban kể.

Nghe thế, 2 dân phòng đi ra, yêu cầu 4 vị khách trả tiền taxi rồi tìm phương tiện khác, vì anh tài xế không biết đường sá khu vực này. 4 thanh niên trả lời không có tiền nên được đề nghị xuống xe để kiểm tra.

“Dân phòng phát hiện trong người chúng mang theo dao Thái Lan. Nhìn thấy con dao sáng loáng, chân tôi mềm nhũn, lòng tự nhủ may có ông bà phù hộ. Chúng đang cố dẫn tôi tới đúng địa điểm rồi mới ra tay”, anh Ban kể giọng còn run run.

Còn tài xế tên Nam thì kể, tháng 7 vừa rồi, anh đang chở khách từ quận 1 về quận Thủ Đức, bất ngờ một thanh niên có dấu hiệu ngáo đá chạy ra giữa đường chặn xe.

Theo yêu cầu của khách, xe mở kính cho thoáng, nhờ thế kẻ ngáo đá đã cầm dao kề vào cổ tài xế, bắt mở cửa cho hắn lên.

“Hắn ngồi ngay cạnh ghế tài, mấy vị khách đằng sau sợ phát khiếp, la hét ầm ĩ. Khi chạy tới gần ngã tư chợ Thủ Đức, tôi dừng xe, tông cửa chạy ra ngoài, mấy người khách cũng nhanh trí thoát ra theo. May không có ai bị nguy hiểm tính mạng, giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ”, anh Nam tái mặt nhớ lại.

Trong các tình huống nguy hiểm, ngoài kinh nghiệm bản thân, đồng nghiệp, các tài xế taxi cũng được tập huấn để biết cách né tránh.

Họ được huấn luyện trong các buổi nâng cao nghiệp vụ, cảnh báo không được chủ quan khi chở khách vào buổi đêm, nhất là khách đàn ông, đi theo nhóm, bắt xe ngoài đường, đi chuyến xa. Khi cảm thấy có dấu hiệu bất ổn, các tài xế được mách nước tấp vào cây xăng hoặc những chỗ có đồng nghiệp đang đậu xe.

 

Tài xế taxi là một nghề tưởng dễ kiếm nhưng lại luôn bị nguy hiểm rình rập. Một tài xế khi muốn đầu quân vào hãng taxi nào đó ngoài việc có bằng lái xe, phải đóng tiền thế chân (khoảng 10 triệu đồng). Khi hồ sơ đã được duyệt, họ còn phải trải qua sát hạch về tay lái và kỹ năng giao tiếp, đạt mới được nhận. Người nào có duyên với nghề, thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng/tháng.

Áp lực doanh số hàng ngày khiến nghề taxi luôn phải cạnh tranh khốc liệt. Một tài xế hãng M. cho biết trung bình 1 ngày phải chạy được 1,5 triệu thì mới đủ tiền "bỏ túi" khoảng 2-300.000 đồng. Chạy nhiều thì mới đủ sống, có tiền tích lũy. Áp lực nghề cũng khiến một số tài xế phóng nhanh vượt ẩu, giành khách gây tai nạn.

Theo Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh