“Kiếp tằm”... của ông vua vọng cổ
- Văn hóa - Giải trí
- 16:56 - 21/04/2015
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh gia vọng tộc ở xứ Trà Cú (Trà Vinh), từ nhỏ danh cầm đàn tranh Viễn Châu (tên thật là Huỳnh Trí Bá) không chỉ được học quốc văn ở nhà trường, mà còn được các bậc túc nho trong vùng làm gia sư dạy về Hán văn.
Tuy nhiên ông lại đam mê đờn ca tài tử và tân nhạc hơn là những giờ học quốc văn và Hán văn theo lối tầm chương trích cú mô phạm gò bó. Chính vì thế ông dành nhiều thời gian và cả tiền bạc để sưu tầm mua về các đĩa hát thời đó để nghe và học theo tiếng nhạc, lời ca của những bản đờn ca tài tử, vọng cổ, cải lương, tân nhạc.
Vì đam mê đàn hát, nên thường xuyên ông tham dự vào các cuộc đờn ca tài tử ở trong vùng, để vừa được thưởng thức, vừa học các ngón đàn của các nghệ nhân ở xứ Trà Vinh quê nhà. Có năng khiếu trời phú, lại công phu học hỏi từ nhỏ, nên tới năm 17 tuổi ông đã chơi thuần thục nhiều loại nhạc cụ của đờn ca tài tử như đàn tranh, đàn kìm, đàn violon, ghi ta phím lõm (trong đó ông đặc biệt chơi điêu luyện xuất thần với cây đàn tranh), được nhiều người ái mộ.
NSND Viễn Châu.
Năm 1942, khi tròn 18 tuổi ông được mời tham gia Ban Cổ nhạc Đài Phát thanh Pháp Á và là nhạc công trẻ nhất của ban nhạc. Để thỏa chí tang bồng của một tay đàn tài tử lãng du, cuối năm 1943, ông bắt đầu theo gánh hát Tố Như đi lưu diễn khắp các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, sau đó theo gánh hát ca kịch Năm Châu ra tận Hà Nội lưu diễn.
Chính những năm tháng phiêu du cùng các gánh hát lưu diễn khắp trong Nam, ngoài Bắc, ông đã có những cơ hội vàng được gặp gỡ quen biết, học hỏi những ngón đàn và kinh nghiệm sáng tác với các bậc nghệ sĩ tài danh như soạn giả cải lương Năm Châu, Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở…
Năm 21 tuổi (1945), chứng kiến cảnh thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Nam bộ, ông viết vở cải lương Hồn chiến sĩ, ca ngợi cổ vũ khí thế chống Pháp của đồng bào Nam bộ, do Uỷ ban kháng chiến hành chính Trà Cú tổ chức biểu diễn, gây được ấn tượng với đông đảo công chúng.
Đây là vở cải lương đầu tay được trình diễn và đánh dấu sự chính thức dấn thân vào con đường hoạt động nghệ thuật đờn ca tài tử nói chung, sân khấu cải lương nói riêng của ông. Năm 1950, vở cải lương “Nát một cánh hoa rừng”, phóng tác theo câu chuyện đường rừng của nhà văn Khái Hưng ra đời, với nghệ danh Viễn Châu, do Đoàn Năm Châu trình diễn đã gây được tiếng vang trên sân khấu cải lương.
Tên tuổi Viễn Châu từ đó được các soạn giả, công chúng ái mộ và được đánh giá là một hiện tượng mới lạ trên sân khấu cải lương Nam bộ thời ấy. Đồng thời ngón đàn tranh huyền diệu xuất chúng của ông với những bản độc tấu hàng chục bản Tổ đờn ca tài tử liên tục được nhiều hãng đĩa thu thanh, phát hành với số lượng lớn, đã đưa tên tuổi ông lên hàng bậc thầy về đàn tranh có một không hai.
Thời đó giới mộ điệu đánh giá ở Nam bộ có ba ngón đàn bậc thầy lừng danh đáng mặt tài tử danh cầm trong làng đờn ca tài tử là Năm Cơ (đàn sến), Văn Vỹ (ghi ta phím lõm) và Bảy Bá (Viễn Châu) đàn tranh. Những năm tháng đó, ông vừa là ngón đàn chủ lực của ban nhạc Đoàn Việt kịch Năm Châu, vừa là soạn giả nổi tiếng với khoảng 50 vở cải lương, trong đó nhiều vở nổi tiếng tạo được dấu ấn khó phai trong lòng công chúng.
Đó là những vở như: Tình mẫu tử; Đời cô Nga; Hoa mộc lan; Sau bức màn nhung; Chuyện tình Hàn Mặc Tử; Ai điên, ai tỉnh… được đánh giá là những vở kinh điển của sân khấu cải lương.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông tự ví như “kiếp tằm là phải nhả tơ” không thể khác. Chính vì thế ông luôn có ý thức tìm tòi sáng tạo và làm mới sân khấu cải lương trong từ vở diễn, làm mới nghệ thuật đờn ca tài tử trong từng ngón đàn, lời ca.
Một trong những sáng tạo của ông đã làm thay đổi cả quan niệm truyền thống về vọng cổ, đó chính là sự lồng ghép một cách nhuần nhuyễn giữa tân nhạc và vọng cổ mà ông đặt tên cho thể loại mới này là “tân cổ giao duyên”.
Với đóng góp này ông được cho là người đã khai sinh ra thể loại tân cổ giao duyên và để lại cho kho tàng thể loại này khoảng 2.000 bản và được tôn vinh là “ông vua vọng cổ”.
Trong số đó, có nhiều bản đã góp phần làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ thế hệ vàng như: Út Trà Ôn (Tình anh bán chiếu); Út Bạch Lan (Hoa lan trắng); Ngọc Giàu (Áo tình đắp mộ người yêu); Lệ Thủy (Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà); Thanh Nga (Tiếng chuông ngân)…
Sinh năm 1924, năm nay ông đã tròn 90 tuổi, nhưng dường như trong ông vẫn còn đau đáu nỗi niềm khát khao sáng tạo cho nghệ thuật đờn ca tài tử, cho sân khấu cải lương. Vì ông đã mang cái nghiệp vào thân như kiếp tằm thì phải nhả tơ mà ông từng tâm niệm.