CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:23

Kiến vàng món độc lạ của người Tây Nguyên

 

Tổ kiến vàng được phát hiện từ trên cao

 

Tháng năm ở Tây Nguyên tiết trời dịu đi sau vài cơn mưa đầu mùa, cây cối đâm chồi nẩy lộc sau những tháng khô hạn. Chúng tôi tìm về Buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk để tận mắt chiêm ngưỡng những ổ kiến vàng, món mà người Ê Đê chế biến thành những món ăn độc đáo làm mê mẫn lòng người.

Theo chân em H Djuang Niê (sinh năm 1990) sống ở Buôn  Cuôr Đăng khi trời đã xế chiều, nhìn trên cao sau đám lá chúng tôi reo lên khi phát hiện ra ổ kiến vàng. Em H Djuang Niê ngăn không cho khám phá vì người bắt kiến vàng chuyên nghiệp không lấy những tổ kiến gần nhà, những chú kiến ấy sẽ ăn những phế phẩm ô nhiễm không tốt cho sức khỏe, nên người thân trong gia đình thường săn tổ kiến ở rẫy xa.

 

Muối kiến vàng và bò một nắng


Đặc biệt là vào mùa kiến vàng (từ tháng 5 đến tháng 8) khi kiến làm ổ và bắt đầu đẻ trứng thì hương vị của món ăn với kiến vàng càng đặc biệt hơn. Len lỏi giữa những vườn cà phê bạt ngàn để “săn” kiến vàng. Theo em H Djuang, để có thể chế biến những món ngon hấp dẫn từ kiến vàng thì công đoạn khó khăn nhất là bắt kiến. Vì kiến vàng thường làm tổ trên cao may lắm thì mới có tổ ngang tầm người để bắt và cắn rất đau nên người đi “săn” nếu không mang theo dụng cụ bắt kiến thì phải là người trèo cây giỏi, thậm chí chịu được cảm giác đau đau, tê tê người khi bị kiến cắn. Sau một hồi leo trèo trên cây muồng (một loại cây chắn gió cho cây cà phê), chúng tôi cũng bắt được một tổ kiến vàng như ý đó là tổ kiến đầy ắp con kiến và trứng kiến.


Chuẩn bị cho món gỏi kiến vàng đu đủ

Em H Djuang Niê cho biết, từ kiến vàng có thể chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó món dân dã nhất là món trái đu đủ giã với kiến còn gọi là món gỏi kiến đu đủ, món này dân ê đê ai ai cũng biết, nhất là những chàng trai cô gái được nghỉ ngơi sau những ngày làm việc vất vả, người hái ớt, đu đủ, người thì săn kiến vàng, rồi bắt tay vào làm món gỏi đu đủ. Đu đủ gọt bỏ vỏ, bằm nhỏ, rửa hết mủ cho vào cối giã chung với muối ớt, bột ngọt sau cùng cho kiến vào, vị chua chua của kiến quyện với cay của ớt, giòn giòn của đu đủ, ăn ngon tuyệt nhớ mãi không lẫn vào vị của món nào cả. Tương tự người ta còn làm món thịt bò tái bóp kiến vàng với lá lộc vừng.

 

Món thịt bò tái bóp kiến vàng với lá lộc vừng tại vườn quốc gia Yok Đôn


Món đặc sản của người Êđê là muối kiến vàng. Tổ kiến vàng sau khi bắt về đem ngâm vào nước sôi, vớt kiến ra để ráo rồi rang lên với muối hạt và ớt kim (loại ớt trái nhỏ chim ăn rồi rớt hạt tự mọc quanh nương rẫy). Khi muối đã khô nổ, kiến đã chín thơm thì đổ vào cối giã. Vị chua chua, nồng nồng, ngây ngấy của kiến cùng vị cay xè của ớt và vị mặn của muối biển được hòa quyện lại, tạo nên một mùi vị rất lạ và hấp dẫn. Tùy vào sở thích của mỗi người mà có thể cho thêm sả, chanh, mì chính... vào giã cùng cho đậm vị. Muối kiến có thể dùng để ăn với cơm trắng, rau luộc, làm gỏi hoặc dùng để chấm với xoài xanh, cóc non… nhưng đậm đà nhất là khi dùng để chấm với bò một nắng. Đây cũng được xem là một món ăn không thể không thưởng thức khi đến Tây Nguyên. Những miếng thịt bò đã được phơi một nắng đem nướng qua trên than hồng, có người thích ăn chưa chín hẳn mà còn hơi tái; xé một miếng thịt bò, chấm quyện vào đĩa muối kiến, những con kiến còn nguyên bọng bị cắn vỡ, tê tê, cay cay, chua chua được vị ngọt của thịt bò làm dịu đi, nọc kiến và ớt cay làm cho miếng thịt bò chín thêm ở trong miệng, mang lại cảm giác khoan khoái lạ thường cho người thưởng thức.

Nhân viên vườn Quốc gia Yok Đôn bắt kiến làm món bò tái bóp kiến vàng

Ngoài món muối kiến vàng, người Êđê còn có món canh chua kiến vàng cũng hấp dẫn không kém, đây là một món ăn được biết đến có tác dụng giải nhiệt rất tốt vào mùa hè. Cách nấu canh chua kiến vàng cũng khá đơn giản. Đầu tiên nấu một nồi canh cá, khi nước đang sôi ùng ục thì cho kiến vừa bắt được vào, chất axít trong bụng kiến sẽ hòa với nước canh tạo nên một vị chua tuyệt vời cho nồi canh cá suối… Ngoài ra, nấu kiến vàng cùng lá giang, cho tổ kiến vào nồi nước lã, đun sôi nấu chín, vò một ít lá giang vào, nêm gia vị vừa ăn, nhắc nồi xuống rồi cứ thế mà “chan húp”. Bên cạnh kiến vàng, trứng của loài kiến này cũng có thể chế biến được rất nhiều món ăn như: nộm trứng kiến, trứng kiến nấu lá giang, trứng kiến nấu măng… Vị béo ngậy của trứng kiến khiến món ăn trở nên lạ miệng mà cũng không kém phần hấp dẫn. Những món ăn với kiến vàng tuy dân giã nhưng hương vị của nó lại mang đến cảm giác đặc biệt cho người thưởng thức, khiến ai đã nếm qua một lần sẽ nhớ mãi không thể nào quên.  

Các món ăn từ kiến vàng tại lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên

Được biết, kiến vàng món ẩm thực nhiều người tò mò muốn thưởng thức nên kiến vàng lên ngôi. Giá kiến tươi từ tổ mang về là 80 nghìn đồng, còn thành phẩm đã qua sơ chế giá 150 đến 180 nghìn đồng/kg.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh