THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:34

Kiến trúc chùa Khmer Nam bộ độc đáo, ấn tượng

 

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang,... thì hầu hết những phum, sóc lớn đều có sự hiện diện của những ngôi chùa Khmer. Chùa Khmer thường được xây dựng trên những khu đất rộng lớn, thoáng mát bởi rợp bóng những hàng cây cổ thụ như sao, dầu và thốt nốt. Mỗi ngôi chùa dù lớn hay nhỏ, đều là một cụm công trình kiến trúc bao gồm tường rào, cổng chính, cổng phụ, chính điện, sala, các dãy nhà tăng, nhà thiêu xác và tháp chứa tro cốt…Tất cả đều được xây dựng với nghệ thuật kiến trúc hết sức đa dạng, độc đáo, kỳ công và được trang trí bởi những đường nét, hoa văn, họa tiết chạm khắc, đắp nổi rất công phu, tinh tế, sinh động. Chính sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đã tạo nên những ngôi chùa Khmer vừa toát lên vẻ uy nghi, trang nghiêm, lộng lẫy, vừa trầm mặc tĩnh lặng trong một không gian rợp xanh bóng cây cổ thụ.

 

Cồng chùa Vàm Ray, ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, (Trà Vinh) mang phong cách kiến trúc Angkor là ngôi chùa Khmer lớn nhất Việt Nam

Nói chung những ngôi chùa Khmer được quy hoạch xây dựng trên một tổng thể rất hài hòa, được bố trí theo phương pháp ngũ điểm. Kiến trúc chùa Khmer tạo ấn tượng ngay từ những hàng rào và những cánh cổng chính, phụ với những bức phù điêu rất kỳ công tráng lệ. Những bức phù điêu ấy có khi là mô phỏng về cuộc đời quá khứ tu hành của đức Phật, cũng có khi chỉ là mô tả những câu chuyện trong dân gian, hay trong cuộc sống thường ngày của cộng đồng Khmer, với bao thăng trần biến cố của lịch sử. Những hàng rào kiên cố tuy có vẻ như ngăn cách giữa đời và đạo, giữ thế giới tu hành và thế giới phàm tục bên ngoài, nhưng bởi được trang trí bằng những bức phù điêu sinh động ấy, nên vẫn toát lên sự gần gũi, quyến rũ như cứu rỗi dẫn dắt đưa tất cả chúng sinh ra khỏi kiếp khổ nạn, hướng tới cõi an lạc. Cổng chùa là tâm điểm thu hút sự quan tâm của mọi người đối với một ngôi chùa. Cổng chùa thường được xây 3 ngọn tháp và đều được trang trí công phu, tượng trưng cho tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), tháp giữa lớn hơn tượng trưng cho đức Phật. Tuy nhiên, cũng có những ngôi chùa với quy mô kiến trúc, xây dựng lớn hơn thì cổng chùa được xây 5 ngọn tháp với hình búp sen cách điệu.

 

 Chính điện chùa Giồng Lớn (chùa Cò), ấp Cây Đa, xã Đại An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) uy nghi nổi bật với kiến trúc chùa Khmer Nam bộ truyền thống.

Theo các vị trụ trì của chùa Khmer, đây chình là thông điệp được truyền tải từ thế giới Phật giáo, theo thuyết của Ngài được thể hiện trong phần “Sự hình thành và hủy diệt trái đất” (Kappaka tha). Năm ngọn tháp tượng trưng cho 5 vị Phật đắc đạo trong tu hành mà đỉnh cao chính là đạt tới cõi Niết Bàn. Đối với kiến trúc chùa Khmer, cổng chùa và tường rào được điêu khắc công phu không chỉ là trang trí cho đẹp, mà đó còn là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Bà la môn giáo và văn hóa Phật giáo. Bước qua cổng chính của ngôi chùa ta bắt gặp tòa chính điện là linh hồn của cụm kiến trúc chùa Khmer.

Bên trong chính điện chùa Khmer Nam bộ luôn được trang trí với những họa tiết, hoa văn tinh tế, rực rỡ, lộng lẫy là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật điêu khắc và hội họa truyền thống Khmer.,   

 Chính điện thường được xây dựng nằm ở trục giữa đường thẳng vuông góc với nhau và lệnh hẳn về hướng đông trên phần nền cao tượng trưng cho núi Meru (Tu di) nơi an ngự của các vị thần trong huyền thoại. Xung quanh các bên chính điện hướng đông, bắc, nam là cụm kiến trúc tháp thờ tro cốt cũng được trang trí rất đẹp. Chính điện là nơi thờ phụng đức Phật, phần kiến trúc quan trọng nhất của ngôi chùa Khmer Nam bộ, nơi được thể hiện kỳ công nhất, lộng lẫy, tráng lệ nhất. Điểm nhấn kiến trúc độc đáo, ấn tượng của một ngôi chính điện là ở hệ thống cấp mái, gồm 3 cấp, mỗi cấp được chia thành 3 nếp được trang trí bằng những phù điêu rắn, rồng uốn lượn và một ngọn tháp vuốt nhọn. Tất cả những kiến ấy đã tạo dáng cho một ngôi chùa Khmer vừa bề thế, vừa như vươn lên thật thanh thoát. Bước vào trong chính điện chúng ta như lạc vào một thế giới tâm linh hoàn toàn khác với thế giới trần tục. Trong chính điện, các bức tường đều được trang trí bằng nghệ thuật hội họa, điêu khắc mô tả về cuộc đời đức Phật từ khi sinh thành tới lúc tu hành đắc đạo. Đó thực sự là những tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn tôn giáo và tâm linh được thực hiện thật kỳ công bởi những đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Khmer. Chính vì thế bước vào ngôi chính điện của chùa Khmer, con người ta luôn có cảm giác như đang được trút bỏ tất cả những ưu tư phiền muộn, những bon chen ganh đua tị hiềm, oán thù, để được sống những giây phút tịnh tâm thanh thoát trong tâm hồn, với tinh thần từ bi hỉ xả../.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh