THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:20

Rút giấy phép, xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp xuất khẩu lao động sai phạm

 

Hội nghị Nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài diễn ra vào sáng 8/3 tại Hà Nội


Tới dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Nguyễn Lương Trào... cùng đại biểu đại diện các bộ, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo 282 doanh nghiệp XKLĐ.

Từ trái sang: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị

 

Sẵn sàng lắng nghe, đối thoại về những khó khăn của DN và NLĐ

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, giải quyết việc làm nói chung và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những nội dung của chương trình phát triển kinh tế đất nước nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, xóa đói giảm nghèo, ổn định và phát triển đất nước.

Bộ LĐ-TB&XH đã xác định việc mở rộng và nâng cao chất lượng công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành và đã đạt được những kết quả quan trọng. Nếu tính từ 2007 đến nay, bình quân chúng ta đưa được khoảng 93 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài. 5 năm, từ 2012 trở lại đây, bình quân đưa 100 ngàn lao động, đặc biệt năm 2016 đưa trên 126 ngàn lao động, vượt trên 26% kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng ta có thể thấy hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và yếu kém. Thị trường lao động quốc tế ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia cung ứng lao động. Nguồn lao động của chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, nhất là về ngoại ngữ, trình độ tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tình trạng lao động bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng bất hợp pháp ở một số địa bàn còn cao. Các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực XKLĐ nhiều, song một số đơn vị còn hạn chế về hiệu quả cũng như hoạt động, tình trạng lạm thu phí còn diễn ra, gây bức xúc trong nhân dân và người đi lao động ở nước ngoài. Công tác giám sát ở lĩnh vực XKLĐ còn nhiều điều phải chấn chỉnh, sự phối hợp giữa các ngành các cấp trong việc quản lý, đẩy mạnh các giải pháp chưa đồng bộ”.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội nghị

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo số lượng, chất lượng ngày càng tăng, hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cần được mở rộng, đa dạng hóa các hình thức, thị trường tiếp nhận, phù hợp với cơ chế thị trường.

Bày tỏ vui mừng khi kết quả XKLĐ lần đầu tiên cán mốc 126 ngàn lao động nhưng Bộ trưởng cũng băn khoăn khi chuyện kêu ca về lĩnh vực này vẫn còn nhiều “Tại hội nghị này, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, đối thoại với các doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc, khó khăn từ phía người lao động, phối hợp với các cấp chính quyền cần tháo gỡ... để đánh giá đầy đủ, sâu sắc những thành công, đưa ra giải pháp nhằm giữ được thị trường truyền thống. Chúng ta phải giữ được thị trường truyền thống, chất lượng lao động tốt, thu nhập tốt như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Đồng thời là mở thị trường mới, mở đối tượng mới. Ngoài lao động phổ thông, phía Bộ đang xây dựng đề án đưa những lao động có trình độ cao, lao động kỹ thuật đi XKLĐ, với mục đích tạo điều kiện cho các em có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tạo việc làm, tạo điều kiện cho các em sau khi hết hạn hợp đồng các em quay về phục vụ đất nước” – Bộ trưởng cho hay.

Báo cáo tình hình chung về XKLĐ, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng đưa đi tăng dần theo hàng năm, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng cao, hoạt động của doanh nghiệp dần đi vào nề nếp.

Hiện toàn quốc có 282 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sau khi cấp giấy phép, phần lớn các doanh nghiệp đã tổ chức bộ máy hoạt động theo quy định của Luật. Các doanh nghiệp dịch vụ cũng đã coi trọng công tác tuyển chọn, quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Với sự đầu tư bài bản, nhiều doanh nghiệp đã đưa được số lượng lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài, từ năm 2010 đến nay trung bình mỗi năm có khoảng 20 doanh nghiệp đưa được trên 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị


Tuy nhiên, nguồn lao động của ta còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Nhận thức và chất lượng của người lao động chưa thể nâng cao trong thời gian ngắn tập trung đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi; Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động chậm được khắc phục. Vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp được cấp phép hoạt động nhưng không trực tiếp khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng lao động, tư vấn, tuyển chọn lao động mà khoán trắng mọi hoạt động từ việc tìm kiếm thị trường, thực hiện hợp đồng cung ứng lao động cho chi nhánh hoặc trung tâm trực thuộc trong khi quản lý không chặt chẽ hoạt động của chi nhánh, trung tâm này... 

“Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành gần 400 cuộc thanh tra, kiểm tra trong 10 năm qua, 107 doanh nghiệp vi phạm bị xử lý với 306 hành vi vi phạm chủ yếu như vi phạm quy định đăng ký hợp đồng, tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng... Tổng số tiền xử phạt các doanh nghiệp vi phạm là gần 4 tỉ đồng”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

 

Xóa bỏ “giấy phép con” trong hoạt động XKLĐ

Về phía DN, trước những khó khăn đặt ra, ông Vũ Công Bình, Tổng Giám đốc Cty LOD kiến nghị, việc cơ quan quản lý tạo điều kiện tối đa cũng như xử lý nghiêm những DN vi phạm là cần thiết, nhưng NLĐ vi phạm thì gần như không bị xử lý. Bên cạnh đó, để đưa lao động có trình độ đi XKLĐ, cần có cơ chế hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, xây dựng sàn giao dịch để tuyển lao động, thực tập sinh công khai, minh bạch...

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Minh (Cty Leesco, Thanh Hóa) cho biết thêm, việc tiếp xúc lao động rất khó: “Có gì đó vướng mà giữa doanh nghiệp và người dân chưa gặp nhau được, tôi đề nghị có giải pháp để tháo gỡ. Rất nhiều huyện không cho chúng tôi vào, chúng tôi xin công văn từ cấp tỉnh cho phép nhưng nhiều huyện ở miền Tây, ở phía Bắc cũng không vào được. Đây là vấn đề rất nhức nhối mà các DN chúng tôi thường nói là “Trên rải thảm, dưới rải đinh” cũng không sai".

 

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị


Còn ông Đỗ Thanh Dung, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa khẳng định, XKLĐ là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, thiết thực, tạo động lực góp phần giải quyết việc làm, xã hiện có có 1.121 lao động đã và đang lao động tại các quốc gia, thu nhập bình quân từ 12-17 triệu/tháng, có nhiều hộ hiện đang có 5 lao động đang làm việc tại Đài Loan, đời sống kinh tế được nâng cao, góp phần trong công cuộc xây dựng nông thôn mới rất hiệu quả. “Tôi cũng đề nghị cơ quan quản lý cần niêm yết công khai mức phí cho từng thị trường, quốc gia để NLĐ biết và lựa chọn”- ông Đỗ Thanh Dung nói.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, kết quả của công tác xuất khẩu lao động thời gian quan là thành quả, bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp và nâng cao uy tín đất nước. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu vấn đề: Người dân quan tâm trong XKLĐ hiện nay là thu phí cao quá, rồi nhiều doanh nghiệp không báo cáo tài chính... thì cần phải chấn chỉnh. Trong thời gian tới cần phải giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, tiếp tục hoàn thiện quy định, thể chế và đây phải là công việc thường xuyên.

"Tôi cho rằng, vấn đề là làm thế nào để XKLĐ cạnh tranh lành mạnh, phải công khai minh bạch. Trong website của Cục Quản lý lao động ngoài nước, phần giới thiệu doanh nghiệp XKĐL vẫn chỉ đơn thuần có vài dòng điện thoại và địa chỉ. Thay vào đó, Cục nên có thêm địa chỉ website của doanh nghiệp, thông tin về lịch sử XKLĐ của doanh nghiệp, các đơn hàng của doanh nghiệp hiện có. Đặc biệt, website phải có chuyên mục tiếp thu ý kiến của người lao động. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cần phải coi đó là kênh thông tin để tiếp nhận, xử lý và có phản hồi lại với người dân"- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu

 

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định thời gian tới, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét 2 đề án về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đề án về đưa lao động có trình độ cao đi XKLĐ.

Thẳng thắn thừa nhận 7 nhóm thực trạng còn tồn tại chính trong thị trường XKLĐ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã đề xuất nhiều giải pháp chính để làm lành mạnh hơn thị trường XKLĐ: “Bộ sẽ kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà hay “giấy phép con” theo 2 hướng: Nếu thủ tục từ phía đối tác nước ngoài thì cần đàm phán lại. Nếu xuất phát từ phía ngành, Bộ sẽ tích hợp các quy định còn nằm rải rác ở nhiều văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền vào thành Thông tư, nhằm giúp doanh nghiệp và người lao động đễ theo dõi”.

 

Ông Nguyễn Văn Minh (Cty Leesco, Thanh Hóa) phát biểu tại Hội nghị

Đối với việc quản lý các DN, Bộ trưởng khẳng định cần  tập trung rà soát lại những DN có ý kiến phản ánh của nhân dân và NLĐ. “Trong năm 2017, Bộ quyết định thanh tra thường xuyên, vừa rồi cũng đã đình chỉ, thu hồi giấy phép của một số DN. Bộ công khai, minh bạch, sai đâu sửa đó, doanh nghiệp có những hoạt động vượt quá hành lang pháp lý phải được chấn chỉnh kịp thời. Những vấn đề doanh nghiệp còn tồn tại, như thu phí cao quá qui định, tuyển dụng qua môi giới môi giới, cò mồi, bán giấy phép.... kiên quyết phải xử lý. DN nào không thực hiện phải kiên quyết, không để vàng thau lẫn lộn, một mặt phát huy tối đa sức mạnh của các DN, chủ trương tạo điều kiện và mở DN, tuy nhiên trong quá trình cấp giấy phép phải công khai minh bạch đúng qui trình. Chúng ta có đề án nhằm nâng cao chất lượng, trách nhiệm của DN, trong năm vừa rồi còn nhiều lao động bị đối xử chưa tốt khi đi làm việc ở nước ngoài, chúng ta không vui về việc này, chúng ta không muốn để trường hợp này xảy ra, chúng ta tạo điều kiện cho DN phát triển nhưng cũng bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phối hợp với đối tác nước ngoài, đối tác thường xuyên, truyền thống và mở thêm địa bàn mới, lĩnh vực mới, phối hợp trong nội bộ các cơ quan, với địa phương, giữa các DN với nhau thế nào để giảm cạnh tranh không lành mạnh.

Mục tiêu của Bộ trong quý I năm 2017  là đẩy cao tinh thần minh bạch thông tin, bắt đầu từ Cục QLLĐNN phải rất công khai minh bạch qui trình làm việc, tiến tới cấp giấy phép không cần nộp hồ sơ qua Cục mà nộp hồ sơ qua mạng internet. Cách đây 3 ngày Bộ đã họp Ban chỉ đạo CNTT để hoàn thiện, Bộ kiên quyết chống tiêu cực, tất cả những thủ tục phiền nhiễu, nếu cán bộ nào, đơn vị nào, địa phương nào vòi vĩnh, nhũng nhiễu đề nghị các doanh nghiệp báo cáo Bộ trưởng trực tiếp xử lý”- Bộ trưởng khẳng định.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã tặng bằng khen cho 8 DN có thành tích tốt trong giai đoạn 2011-2016.

 

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chụp ảnh lưu niệm cùng các DN có thành tích tốt

 

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Cần xây dựng Bộ quy tắc ứng xử dành cho người lao động khi tham gia XKLĐ 

XKLĐ không chỉ là giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Đây là công tác giúp chúng ta chuẩn bị lực lượng lao động trong thời gian dài tới đây. Khi DN của nước tiếp nhận lao động đầu tư vào Việt Nam, những lao động trên là các ứng viên phù hợp nhất. Ngoài ra, XKLĐ cũng qua đó đó còn là thể hiện hình ảnh đất nước. Về cơ chế, Bộ LĐ-TB&XH cần kiểm tra lại hệ thống văn bản quy phạm liên quan tới lĩnh vực XKLĐ, điều gì cần sửa thì nên làm ngay. Những văn bản vượt cấp thì tham mưu để Chính phủ sửa đổi.

Chúng ta có 282 DN nhưng mới chỉ 160 DN là hội viên của Hiệp hội XKLĐ Việt Nam. Hiếm có Hiệp hội nào lại việc cùng với Tổ chức Lao động quốc tế ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (CoC-VN) thực hiện tới năm thứ 4. Tôi đề nghị đã là DN làm XKLĐ phải tham gia Hiệp hội, tạo ra môi trường chung. Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội cần đấu tranh với những DN còn làm chưa tốt, đặc biệt là tình trạng thu phí và “cò” XKLĐ. Hiệp hội cần công khai tên của những DN vi phạm, đồng thời nghiên cứu ngay việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử dành cho người lao động khi tham gia XKLĐ như COC-VN của DN.

 

HUYỀN MINH -MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh