THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:53

Kiến nghị tăng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi

Thực hiện kế hoạch giám sát của Quốc hội năm 2015, vừa qua, Đoàn khảo sát "Việc thực hiện Luật BVCSGDTE " của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do Phó chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc tại TP Hồ Chí Minh; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cùng tham gia đoàn khảo sát.  Đây là hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc sửa đổi toàn diện Luật BVCSGDTE vào cuối năm 2015.

          Đoàn đã có cuộc làm việc với Sở LĐ-TB&XH và các sở, ban ngành, đoàn thể và tổ chức của thành phố; UBND quận 4, UBND huyện Nhà Bè. Tại các cuộc làm việc đoàn đã nghe các báo cáo về tình hình thực hiện Luật BVCSGDTE 10 năm qua và có các cuộc trao đổi, thảo luận với các ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể về những vấn đề khó khăn, thuận lợi và kết quả của việc đảm bảo cho trẻ em thực hiện các quyền của mình ở địa phương.

    Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi liên quan làm rõ hơn công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Cụ thể những khó khăn, bất cập chủ yếu hiện nay trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là vấn đề trẻ em tham gia làm kinh tế, trẻ em nghiện game, trẻ em bị ảnh hưởng bới các tệ nạn xã hội, xâm hại tình dục, bạo lực với trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em. 

    Đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung luật BVCSGDTE năm 2004 TP Hồ Chí Minh kiến nghị:  Đổi tên Luật BVCSGDTE thành Luật trẻ em; tăng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi; qui định chặt chẽ, cụ thể việc xử lý các hành vi ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em; bổ sung một số điều về chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; làm rõ khái niệm về lao động trẻ em, quyền tham gia của trẻ em và thay đổi kết cấu một số chương...

         Tiếp thu các ý kiến góp ý về việc sửa đổi Luật BVCSGDTE, bà Ngô Thị Minh đánh giá cao sự cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể, tổ chức đã có nhiều sáng kiến, chế độ, chính sách đảm bảo cho trẻ em thực hiện các quyền của mình, tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em gắn bó và thực hiện tốt nhiệm vụ. .

Bà Ngô Thị Minh cũng đề nghị thời gian tới TP Hồ Chí Minh cần có nhiều mô hình phối hợp giữa gia đình và xã hội; TP nên có một ban chỉ đạo để tạo bước thành lập một cơ chế liên ngành chăm sóc trẻ em; có đầu tư, phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên chuyên trách dân số. Những ý kiến tại buổi làm việc, đoàn sẽ ghi nhận và đóng góp tại Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi sắp tới.

          Nhân dịp này, Đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà cho gia đình có trẻ em bị ảnh hưởng chất độc hóa học và trẻ em mồ côi đang được nuôi dưỡng tại chùa Pháp Võ, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

    Trong 10 năm qua thành phố đã có nhiều chế độ, chính sách tạo điều kiện cho trẻ em thực hiện các quyền của trẻ như: Hỗ trợ giáo dục mầm non; đầu tư, xây dựng, phát triển các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em; quản lý người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn thành phố; quyết định số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách phường xã, thị trấn; chế độ thù lao cho cho cộng tác viên dân số- Kế hoạch hóa gia đình để thực hiện thêm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại tổ dân phố; điều chỉnh mức phụ cấp hàng tháng theo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ không chuyên trách ở phường xã- thị trấn.

Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn trong chuyến công tác.

 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội  Ngô Thị Minh và Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan thăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang được nuôi dưỡng tại chùa Pháp Võ, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh