THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:23

Kiểm soát rượu lậu, rượu giả: Mới chỉ là “chặt cây từ ngọn”

 

Tử vong do ngộ độc methanol chiếm tỷ lệ cao nhất
Theo báo cáo của Bộ Y tế, giai đoạn 2007-2017, đã xảy ra 58 vụ ngộ độc rượu với 382 người mắc và 90 người tử vong, trong đó tử vong do methanol chiếm nhiều nhất với tỉ lệ 49%, do rượu ngâm cây rừng là 19,4%. Gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu quy mô lớn xảy ra như: vụ ngộ độc rượu 8 người chết ở tỉnh Lai Châu, 6 người chết ở tỉnh Quảng Ninh, vụ ngộ độc rượu của 12 sinh viên tại TP. Hà Nội... Có thể thấy, mất ATTP đối với rượu, đặc biệt là rượu thủ công hầu như chưa được kiểm soát.
Chỉ riêng đối với lĩnh vực sản xuất rượu thì theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, có trên 50 làng nghề nấu rượu truyền thống, hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ. Lượng rượu dân tự nấu và tiêu thụ trên thị trường ước đạt trên 200 triệu lít/năm, gấp 3 lần rượu sản xuất công nghiệp. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng thời gian qua.
Đội quản lý thị trường số 7  kiểm tra rượu tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội)
Thực tế cho thấy, nhiều làng nghề không đáp ứng được yêu cầu về điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm; vật tư nguyên liệu sử dụng trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm hầu như không được các cơ quan chức năng kiểm soát do thiếu công cụ kiểm tra, kiểm soát như tiêu chuẩn, quy chuẩn, tính chất hoạt động của đối tượng này là thời vụ, tự phát, không đăng ký kinh doanh...
Rượu "nấu lậu" bán tràn lan trên địa bàn trong khi người dân vẫn còn thói quen sử dụng rượu sản xuất thủ công, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây chính là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc rượu nguy hại xảy ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong thời gian qua. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện 77% nam giới nước ta có uống rượu bia, trong đó 45% người sử dụng rượu bia ở mức nguy hại, tức là uống rất nhiều trong một lần. Theo ông Phong, có 2 nguyên nhân dẫn đến việc vẫn còn người ngộ độc rượu, rượu methanol: Trước hết vẫn còn một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tiếp tục lén lút kinh doanh và  thứ 2 là vẫn còn người tiêu dùng “điếc không sợ súng”, vẫn còn sử dụng loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ này.
Kiểm soát mới chỉ ở phần ngọn
Từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành của thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 13.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có bán rượu từ thành phố xuống tuyến quận, huyện, xã, phường. Qua đó, cảnh cáo và xử lý hơn 1.400 cơ sở, tiêu hủy hơn 24.100 lít rượu không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung,  việc quản lý rượu thông qua những vụ kiểm tra, tịch thu, tiêu huỷ rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, chỉ là “chặt cây từ ngọn”, cần các biện pháp quyết liệt, cụ thể hơn. Qua kiểm tra trên địa bàn, vẫn còn tình trạng các cửa hàng lén lút bán rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, đây là vấn đề rất khó cho cơ quan chức năng.

Việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng rượu gặp rất nhiều khó khăn
Còn theo ông Chu Xuân Kiên – Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, các cơ sở sản xuất rượu thủ công thường có quy mô nhỏ lẻ, không thực hiện đăng ký kinh doanh hoặc không đủ điều kiện về ATTP để xin cấp phép. Do đó, việc thống kê, quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng rượu gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc kiểm soát nguồn nguyên liệu sản xuất rượu cũng chưa đạt hiệu quả cao. Điều đáng nói, theo quy định, rượu là sản phẩm phải được công bố hợp quy nhưng hiện nay chưa có đủ các quy chuẩn kỹ thuật cho tất cả các loại rượu trên thị trường nên cũng gây khó khăn cho việc cấp phép và xử lý vi phạm.
Việc quản lý rượu, bia, nhất là rượu thủ công, rượu tự nấu, rượu tự ngâm độc vật, không có tem mác sản xuất, không có nguồn gốc rõ ràng đang là vấn đề đau đầu với các nhà quản lý. Nhiều cơ sở sản xuất vì lợi nhuận đã gian lận thương mại, sử dụng methanol làm tăng độ cồn trong rượu, gây ra nhiều vụ ngộ độc gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng người dân. 
Hiện trách nhiệm chính về quản lý chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm rượu thuộc về hai bộ Y tế và Công thương, trong đó lực lượng quản lý thị trường  có trách nhiệm cấp phép, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, nấu rượu tại các địa phương được phân công. Đồng thời, kiểm soát thị trường, phát hiện, thu giữ các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tem, nhãn mác và hóa đơn chứng từ. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm quản lý chất lượng rượu được cấp phép ra thị trường, phối hợp các lực lượng chức năng khác quản lý chất lượng rượu. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề này còn có trách nhiệm của Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố… 
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến,  mặc dù các quy định về quản lý rượu đã có nhiều nhưng chưa thật chặt chẽ, rõ ràng. “Ngay cả trong những vụ ngộ độc rượu gây tử vong nhưng ai là người chịu trách nhiệm chính vẫn chưa thật rõ. Ngành Y tế, Nông nghiệp,  Công thương hay Công an phải chịu trách nhiệm chính?  Điều này cần phân định rõ ràng hơn. Chúng ta không thể cấm uống rượu, vậy quản lý và sử dụng rượu như thế nào là vấn đề phải đặt ra”, Ông  Nguyễn Viết Tiến nói.

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh