Khuyến nghị của chuyên gia quốc tế sau đợt đánh giá 4 trường cao đẳng theo tiêu chuẩn Vương quốc Anh
- Giáo dục nghề nghiệp
- 05:40 - 01/03/2019
2 chuyên gia quốc tế chia sẻ về đợt đánh giá tại Hội nghị ở Đà Lạt ngày 9/11/2018
Để hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu trên, trong khuôn khổ Dự án EU VET Toolbox năm 2017-2018 của Liên minh châu Âu (thông qua hợp tác giữa các tổ chức Enabel - Vương quốc Bỉ, Hội đồng Anh - Vương quốc Anh, GIZ - CHLB Đức, LuxDev - Lucxembourg, AFD - Pháp) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Cục Kiểm định chất lượng GDNN), 02 chuyên gia của Vương quốc Anh đã được dự án huy động sang Việt Nam khảo sát thực tế 4 trường cao đẳng từ ngày 22/10 đến ngày 7/11/2018 nhằm đánh giá hoạt động dạy và học của 4 trường theo khung đánh giá và phương pháp đánh giá của Vương quốc Anh. 04 trường tham gia đợt đánh giá gồm trường Cao đẳng nghề Cần Thơ, trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, trường Cao đẳng Kĩ thuật Công nghệ Nha Trang và trường Cao đẳng nghề Đà Lạt.
Đầu tháng 2/2019, chuyên gia quốc tế đã gửi báo cáo chính thức về kết quả đánh giá trong đó nhận diện nhiều điểm mạnh cốt lõi của các trường đồng thời đưa ra các khuyến nghị để các trường củng cố và nâng cao chất lượng. Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh 03 nội dung không chỉ có giá trị với 4 trường tham gia đợt đánh giá mà còn có ý nghĩa với tất cả các cơ sở GDNN của Việt Nam nói chung.
Thứ nhất, các trường cần hoàn thiện quá trình tự đánh giá và lên kế hoạch cải thiện chất lượng. Đoàn nhận định các quy trình tự đánh giá của các trường chưa hoàn thiện, còn nặng tính tuân thủ. Trưởng phòng hay bộ phận đảm bảo chất lượng của mỗi trường phải đóng vai trò dẫn dắt quá trình lồng ghép các quy trình tự đánh giá vào hoạt động của trường thông qua việc xây dựng và giới thiệu chu kì chất lượng, trong đó chú trọng rà soát và giám sát định kỳ theo từng chương trình đào tạo. Các kế hoạch nâng cao chất lượng cần có định hướng cụ thể, thường xuyên được Trưởng phòng/bộ phận về đảm bảo chất lượng rà soát cùng đội ngũ giáo viên phụ trách xây dựng và giảng dạy chương trình để đảm bảo kết quả của sinh viên, thể hiện qua tỉ lệ sinh viên theo học, tỷ lệ sinh viên hoàn thành khóa học và sự tiến bộ của người học (người học đã đạt được những gì so với trình độ ban đầu khi mới bắt đầu học của người học, kể cả các kĩ năng mềm).
Thứ hai, các trường cần hoàn thiện hệ thống theo dõi và giám sát dữ liệu hiệu quả để có thể thường xuyên kiểm soát đồng thời hỗ trợ kịp thời sinh viên theo học. Hiện nay, tỉ lệ sinh viên theo học ở các trường đều ở mức “Cần cải thiện”. Nếu các trường đầu tư xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin hiệu quả có thể cung cấp các dữ liệu đáng tin thì cán bộ quản lý của trường sẽ có thể đưa ra các quyết định sâu sát và hỗ trợ sinh viên tốt hơn. Chuyên gia cho rằng mỗi trường cần rà soát chiến lược tuyển sinh đang sử dụng để đảm bảo tính hiệu quả và cân nhắc ý tưởng tổ chức ngày hội tuyển sinh quy mô trường để các đối tượng sinh viên tiềm năng có cơ hội tiếp xúc trực tiếp các giáo viên và sinh viên nhà trường để hiểu rõ hơn về chương trình các em sẽ theo học. Bên cạnh đó, các trường nên nhận diện các sinh viên thuộc nhóm “nguy cơ” bỏ học từ sớm nhờ hệ thống Đèn Giao thông – R.A.G (Red- Amber- Green) để kịp thời hỗ trợ sinh viên và cải thiện tỷ lệ sinh viên theo học. Giáo viên chủ nhiệm cần đảm nhiệm vai trò này và phối hợp cùng lãnh đạo các Khoa.
Thứ ba, các trường cần tiếp tục hỗ trợ đội ngũ giáo viên nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, trong đó tập trung hơn vào hoạt động tự đánh giá/chiêm nghiệm để áp dụng các phương pháp dạy và học hiệu quả hơn. Qua trực tiếp dự giờ tổng số 24 tiết học tại 4 trường tham gia thí điểm, chuyên gia nhận định trong một số tiết học, các phương pháp dạy được sử dụng còn hạn hẹp, nhịp độ khá chậm và không khí học tập còn thụ động. Các trường cần nỗ lực cải thiện hạn chế này thông qua việc bảo đảm kế hoạch bài giảng được xây dựng toàn diện, cụ thể là đảm bảo đầy đủ nội dung yêu cầu, kế hoạch cần chi tiết đến từng phút trong tiết học, áp dụng đa dạng các phương pháp (không chỉ bó hẹp trong phương pháp làm việc nhóm), thực hiện phương pháp phân hóa (differentiation), phân tầng hay giàn giáo (scaffolding) trong giảng dạy, tạo điều kiện để sinh viên tham gia vào bài học và cần cần tích hợp phương pháp dạy truyền thống với công nghệ thông tin, các ứng dụng trên thiết bị di động. Chuyên gia khuyến nghị các trường hoàn thiện quy trình dự giờ để các giáo viên có thể chiêm nghiệm và thảo luận sâu sắc hơn các chiến lược học và dạy và đảm bảo sự phân hóa, phần tầng hợp lý hơn. Chuyên gia cũng khuyến nghị các trường nên nhân rộng các điển hình tốt (giáo viên dạy giỏi), tổ chức hội thảo thường niên về từng chương trình đào tạo…
Các chuyên quốc tế chụp ảnh cùng cán bộ, giáo viên trường Cao đẳng nghề Cần thơ
Các khuyến nghị của chuyên gia nêu trên hoàn toàn phù hợp với các hướng dẫn về xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong nhà trường tại Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như định hướng phát triển công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng giai đoạn tới do Thứ trưởng Lê Quân chỉ đạo, cụ thể là các trường cần củng cố vững chắc hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường trước khi đăng ký đánh giá ngoài. Theo kế hoạch năm 2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Cục Kiểm định chất lượng GDNN) sẽ tập trung hỗ trợ các trường về quy trình, công cụ đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường trong đó sẽ nghiên cứu triển khai thí điểm cơ chế bảo đảm chất lượng một số chương trình đào tạo nghề trọng điểm.