THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:44

Khuyến khích thanh niên chủ động khởi nghiệp, tự tìm việc làm

 

Đánh giá về tình hình thanh niên hiện nay, TS.Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết, tỷ lệ thanh niên ngừng đi học ở tuổi 13-15 còn cao, nhất là vùng khó khăn, đồng bào dân tộc; chất lượng nguồn lao động còn thấp, có sự khác biệt về trình độ học vấn giữa các vùng miền. Tỷ lệ thanh niên nạo phá thai trong thanh niên nữ chưa có chồng còn ở mức cao. Về giáo dục, có sự khác biệt trong tiếp cận cô hội giáo dục giữa các vùng, các nhóm dân tộc. Mất cơ đối cơ cấu dạy nghề, và chất lượng lực lượng lao động còn thấp. “Trong bối cảnh hiện nay, việc cần thiết là xây dựng Luật thanh niên sửa đổi. Phải coi thanh niên là đối tượng đặc thù để xây dựng luật, hay các chính sách. Việc nhiều bạn trẻ không biết luật cũng cần xem xét để đưa vào luật sửa đổi”, TS.Vũ Đăng Minh nhấn mạnh.

Thanh niên cần được tạo điều kiện để phát huy hết sức mạnh và vai trò. 

 

TS Minh cho hay, Luật Thanh niên sửa đổi sẽ tạo ra các “xa lộ” về mặt chính sách cho thanh niên, tức là phải có những chính sách cho từng nhóm đối tượng thanh niên. Trong cùng một “xa lộ” như vậy, có nhiều tầng khác nhau, làn đường khác nhau để mọi thanh niên đều có thể đi trên từng phần đường của mình, không ai cản đường ai và tất cả đều được phát triển, kể cả thanh niên có tài năng, thanh niên di cư, cũng như là thanh niên yếu thế.

Vụ trưởng Vụ công tác Học sinh sinh viên, Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Chí Trường cho rằng, việc học tập của thanh niên hiện nay còn thụ động do hướng nghiệp và phân luồng đào tạo chưa hợp lý, chưa có nhiều chính sách để định hướng cho thanh niên, sinh viên. Vì thế, cần có chính sách khuyến khích thanh niên chủ động khởi nghiệp, tự tìm việc làm cho mình chứ không chờ đợi sự giúp đỡ của gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đỏi hỏi phải đổi mới về hình thức, mô hình để giúp thanh niên có sự chủ động hội nhập hơn.

Góp ý về Luật Thanh niên (sửa đổi) Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương nhấn mạnh đến vấn đề phụ nữ trong độ tuổi thanh niên kết hôn với người nước ngoài đang có xu thế tăng cao. Vì thế đã làm sâu sắc thêm vấn đề mất cân bằng giới tính, tình trạng bạo lực và bất bình đẳng giới. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kỳ vọng trong Luật Thanh niên sửa đổi, nhóm đối tượng này được quan tâm nhiều hơn, nhất là trong thời kỳ hội nhập.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, Luật Thanh niên sửa đổi cần có chính sách đột phá để nhấn mạnh vai trò của thanh niên Việt Nam trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ hiện nay, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để đổi mới trong việc hình thành khuôn pháp lý và công tác quản lý thanh niên hiện đang còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải đổi mới để phù hợp tình hình thực tiễn, đặc biệt tại các Bộ, ngành Trung ương. Trong bối cảnh hiện nay, rất cần có một chính sách để hỗ trợ hướng nghiệp cho thanh niên từ sớm, nhằm tạo cơ hội việc làm, do hiện nay thanh niên còn lúng túng khi lựa chọn nghề nghiệp, việc làm cho bản thân trong tương lai.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ VH-TT&DL Lê Thanh Liêm, cần làm rõ quyền và nghĩa vụ thanh niên theo hướng cụ thể hóa trong Luật Thanh niên. Luật Thanh niên sửa đổi nên bổ sung quy định thanh niên là những đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi thụ hưởng văn hóa theo quy định. Thanh niên có nghĩa vụ trong đấu tranh các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ để thanh niên thụ hưởng, tiếp cận các giá trị văn hóa thực sự.

Các chuyên gia cho rằng, Luật Thanh niên sửa đổi cần khắc phục những hạn chế của Luật Thanh niên 2005. Bởi theo đánh giá của TS.Trần Văn Miều, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục, Môi trường và Phát triển, Luật thanh niên 2005 chỉ mới tạo được hành lang pháp lý trong quy định quyền và trách nhiệm của thanh niên, trách nhiệm của các chủ thể xã hội trong chăm lo phát triển thanh niên, nhưng chưa đề cập sâu tới nội dung an sinh xã hội. “Bên cạnh cần chính sách phát triển thanh niên, khuyến khích thanh niên tự khởi nghiệp, học nghề; khuyến khích các đối tượng thanh niên như: Thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên di cư, thanh niên tôn giáo, thanh niên tài năng… về làm việc tại những địa bàn đặc biệt khó khăn. Các chủ thể trong xã hội như: Nhà trường, gia đình, doanh nghiệp, dịch vụ công, lực lượng vũ trang, tôn giáo,…có quyền lợi và trách nhiệm tham gia phát triển thanh niên và đảm bảo an sinh xã hội cho thanh niên”, TS. Miều nhấn mạnh.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh