THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:01

Khuyến khích chủ DN bồi thường cho NLĐ cao hơn luật định

 

Bà Lê Ngọc Mai.


* Xin bà cho biết các trường hợp NLĐ đang đóng BHXH bị TNLĐ, BNN sẽ được hưởng các chế độ như thế nào?

- Đối với chế độ TNLĐ, NLĐ đang đóng BHXH bị TNLĐ trong các trường hợp dưới đây dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng trợ cấp TNLĐ do quỹ BHXH chi trả gồm: bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Với chế độ BNN, NLĐ được hưởng trợ cấp BNN do quỹ BHXH chi trả khi bị bệnh thuộc danh mục BNN do làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

Về quyền lợi được hưởng, NLĐ bị TNLĐ, BNN sau thời gian điều trị ổn định thương tật, bệnh tật được giám định mức suy giảm khả năng lao động để làm căn cứ xác định mức trợ cấp được hưởng, cụ thể như sau: Trợ cấp một lần, áp dụng cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% hoặc bị chết do TNLĐ, BNN. Trường hợp NLĐ chết do TNLĐ, BNN kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu thì ngoài hưởng chế độ tử tuất theo quy định, thân nhân còn được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung. Trợ cấp hàng tháng, áp dụng cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên. Đối với trường hợp NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng nêu trên, hàng tháng NLĐ còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương tối thiểu chung.

* Ngoài các chế độ chi trả cơ bản như trên, NLĐ sau khi bị TNLĐ, BNN còn được hưởng các chế độ nào khác không, thưa bà?

- NLĐ hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng nếu tiếp tục làm việc và tham gia đóng BHXH, ngoài hưởng trợ cấp TNLĐ hàng tháng theo quy định, khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì được hưởng đồng thời cả lương hưu; nếu không còn làm việc thì được cấp thẻ BHYT do quỹ BHXH đảm bảo.

NLĐ sau khi điều trị ổn định thương tật, bệnh tật do TNLĐ hoặc BNN mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày tùy theo mức suy giảm khả năng lao động; mức hưởng cho mỗi ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại gia đình và bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.

NLĐ bị TNLĐ, BNN mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt theo niên đại và phù hợp với tình trạng thương tật, bệnh tật như: Chân, tay giả; mắt giả; răng giả; xe lăn, xe lắc; máy trợ thính...

 

* Thực tế đã từng phát sinh nhiều tranh chấp khi NLĐ bị TNLĐ, BNN, nhất là về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động. Hiện nay, việc bồi thường TNLĐ, BNN được thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Việc thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với NLĐ bị TNLĐ, BNN được hướng dẫn tại Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH có hiệu lực từ ngày 20/3/2015.

NLĐ sẽ được bồi thường khi xảy ra một trong các trường hợp sau: NLĐ bị TNLĐ làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết, trừ trường hợp TNLĐ mà nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của chính NLĐ bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra TNLĐ (kể cả trường hợp NLĐ bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi doanh nghiệp cho dù do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn). NLĐ bị BNN theo kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa hoặc của cơ quan pháp y có thẩm quyền, thì được bồi thường trong các trường hợp sau: Bị chết do BNN khi đang làm việc hoặc trước khi chuyển làm công việc khác, trước khi thôi việc, trước khi mất việc, trước khi nghỉ hưu; bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do BNN theo kết quả thực hiện khám giám định BNN định kỳ.

Người sử dụng lao động bồi thường từng lần đối với NLĐ bị TNLĐ, BNN, bị lần nào thì thực hiện bồi thường lần đó. Mức bồi thường được tính như sau: Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do TNLĐ, BNN ít nhất bằng 30 tháng tiền lương; đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%: ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương; đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương.

Việc trợ cấp TNLĐ được thực hiện trong trường hợp NLĐ bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết thì được trợ cấp khi xảy ra một trong những trường hợp sau: Nguyên nhân xảy ra TNLĐ hoàn toàn do lỗi của chính NLĐ bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra TNLĐ; tai nạn xảy ra đối với NLĐ khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, tại địa điểm và thời gian hợp lý (kể cả trường hợp do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn).

Các mức bồi thường, trợ cấp theo quy định là mức tối thiểu. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động bồi thường, trợ cấp cho NLĐ ở mức cao hơn luật định. Ngoài việc được hưởng bồi thường, trợ cấp TNLĐ, BNN, NLĐ vẫn được hưởng chế độ BHXH về TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật về BHXH (nếu có tham gia BHXH bắt buộc).

* Xin cảm ơn bà!

Trần Đức (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh