Có thể bị phạt tới 75 triệu đồng nếu chậm trả lương người lao động
- Bài thuốc hay
- 04:04 - 05/03/2015
Để nắm bắt rõ hơn, PV Báo LĐXH đã trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đăng, Trưởng phòng tiền lương (Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH) ông Đăng cho biết: “Trước đó, Bộ Luật lao động và Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động đã quy định rất cụ thể. Nghị định mới chỉ bổ sung đôi chút: Số tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện. Số tiền được trả là một khoản ít nhất bằng lượng tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương”.
Ông Nguyễn Tiến Đăng, Trưởng phòng tiền lương (Vụ LĐ-TL, Bộ LĐ-TB&XH)
Ông Đăng lý giải: Trước kia nghị định quy định, lượng tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng do một số Ngân hàng thương mại cổ phần quy định. Điều này, khi áp dụng mỗi ngân hàng áp dụng lãi suất xử phạt đơn vị vi phạm mỗi nơi một kiểu…không thống nhất gây mâu thuẫn. Vì vậy, nghị định mới bổ sung thống nhất lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định là hợp lý.
Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau: Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm.
Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
Về tiền lương làm thêm giờ, Nghị định quy định tiền lương làm thêm giờ được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm; cụ thể, ngày thường, ít nhất bằng 150%; ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động hưởng lương theo ngày.
Số liệu mới đây của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, đến 31/12/2014, vẫn còn khoảng 70 doanh nghiệp nợ lương của hơn 6.000 lao động với số tiền khoảng 59,7 tỷ đồng.
Nghị định cũng quy định tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương và khấu trừ tiền lương.
Cụ thể, tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm tại Điều 114 của Bộ luật Lao động được quy định như sau: Đối với người lao động đã làm việc từ đủ 6 tháng trở lên là tiền lương bình quân ghi trong hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm.
Đối với người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm vì các lý do khác là tiền lương bình quân ghi trong hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm. Đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 6 tháng là tiền lương bình quân ghi trong hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.
Tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương quy định ở trên chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của người sử dụng lao động của tháng trước liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.
Phòng tiền lương khuyến cáo: Trường hợp, nếu xảy ra sai phạm trong lĩnh vực trên, người lao động có thể phản ánh cho thanh tra lao động của các Sở LĐ-TB&XH, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH… là đơn vị trực tiếp tiến hành xử lý đơn vị vi phạm về lao động-tiền lương. Khi phát hiện chủ sử dụng lao động vi phạm, người lao động có thể phản ánh qua kênh báo chí để được giúp đỡ”.
Điều 13 (Nghị định 95/2013/NĐ-CP) về xử phạt về "Vi phạm quy định về tiền lương" 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện theo quy định. 2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: a) Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng theo quy định pháp luật; b) Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng; c) Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng; d) Không thông báo cho người lao động biết trước về hình thức trả lương ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện. 3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây: a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động; đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên. 4. Phạt tiền người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây: a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên. 5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này. 6. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này; b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này. |