THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:42

Khúc nhôi theo những địa danh

 

Gần đây nhân chuyến thăm viếng nghĩa trang Trường Sơn và đất lửa Quảng Trị, công ty xây dựng trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình có nhã ý cho đoàn nhà báo chúng tôi nghỉ tại Lăng Cô dưới chân đèo Hải Vân. Lăng Cô - một địa danh tôi biết đã lâu khi qua đèo Hải Vân - nhìn từ xa với ấn tượng có những bãi cát mịn màng xoải nghiêng, những chiếc thuyền câu xếp đều đặn mở ra theo hình nan quạt. Trong tôi cứ nghi hoặc mãi về địa danh này, "Lăng Cô - Lăng Cậu", có lẽ một dòng Tôn thất Tôn nữ nào đấy ở Huế được xây cất tại đây theo suy diễn; âu cũng là cái bệnh của người có chữ!?. Hóa ra không phải thế. Trong lúc cô nhân viên phục vụ khách sạn Lăng Cô dọn phòng, tôi và anh bạn nhà báo - nhà thơ Hải Đường có đưa ra băn khoăn này để hỏi. Cô trả lời: "Cháu sinh sau đẻ muộn không biết nhưng khi hỏi các cụ sống lâu ở đây cho biết làng này cò về nhiều nên đặt là Làng Cò, sau người Pháp sang gọi là Lang Co (chữ không có dấu theo cách phát âm của họ). Dần dần gọi là Lăng Cô để khôi phục chữ có dấu như kiểu âm Hán Việt nên dễ đi đến nhầm lẫn như vậy". Băn khoăn này với tôi đã được hóa giải.

Một góc thị trấn Lăng Cô nhìn từ đèo Hải Vân (nguồn thanhnien.com.vn)

Lại nhớ, trong một chuyến công tác vào Nha Trang. Thành phố này có hoa ô môi vàng dẫn tôi đi khắp lối ngõ miệt vườn, có Cầu Bóng, Vụng Tiên... thướt tha tà áo dài nữ sinh sớm mai đến trường, có đảo Yến với món yến sào đặc sản nổi tiếng cả nước. Vì yêu mến địa danh các vùng đất, tôi hỏi các đồng nghiệp văn hóa ở Khánh Hòa về tên của thành phố Nha Trang thì được giải thích: Thành phố này có một ngôi nhà trắng khá lớn ở trung tâm, người Pháp sang đặt là Nha Trang (chữ không dấu) và tồn tại cái địa danh này đến bây giờ.

Khi tôi học khóa hai trường viết văn Nguyễn Du (1983-1985) được cố giáo sư Trần Quốc Vượng khi giảng về cơ sở văn hóa Việt Nam có đề cập đến địa danh vùng Kinh Bắc quê tôi: Nếnh thuộc huyện Việt Yên, Bắc Giang. Theo ông giải thích: Đây là giao điểm vùng trung du + đồng bằng nên người ở đây gọi là Nánh (Nếnh) theo trực giác. Người Việt cổ gọi là Mơ-ning, khi quan thái thú người Tàu sang định lại khu vực hành chính chuyển sang Mật Ninh (chuyển hóa từ phát âm của người Việt cổ theo từ Hán Việt).

Xâu chuỗi các sự việc trên, trong phạm vi tìm hiểu các địa danh theo sự nhận biết tôi mới nghiệm ra rằng: Tiếng Việt cực kỳ phong phú, ta muốn hiểu ngữ nghĩa một cách thấu đáo không thể theo chủ quan suy diễn được mà tìm hiểu khúc nhôi ngọn ngành “phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”. Từ đó ta có thể biết thêm về đời sống văn hóa nơi này với rất nhiều cảm mến.    

NGUYỄN THANH KIM/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh