Khúc bi ai cho tâm và tầm
- Văn hóa - Giải trí
- 16:37 - 01/12/2015
Khi chỉ một, hai năm nữa ông Sự cập tuổi 60, Chính phủ cũng đã ban hành chính sách đối với những trường hợp không còn tuổi cơ cấu vào cấp ủy, hay chính quyền khóa tới. Không những thế, nhiều nhân vật thấy cơ hội tốt để tô son, đánh bóng tên tuổi liền xông vào “ăn theo” buông những lời có cánh, tỏ vẻ sự uyên thâm, cho đó là chuyện xưa nay hiếm, việc ít người làm được!
Nhưng cái choáng, cái té ngửa trên cũng như những câu nói bốc đồng tẻ nhạt, như bong bóng xà phòng, bị thời cuộc dập vùi quá nhanh. Đến giờ, không chỉ hàng loạt vị có chức vụ cỡ như ông Sự, mà có ông Bí thư Tỉnh ủy, và gần đây nhất là ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội tự nguyện có đơn, đồng thời đã được chấp nhận cho nghỉ trước nhiệm kỳ.
Ông Nguyễn Sự xin về hưu.
Từ việc một số ngụy quân tử, không hiểu hoặc cố tình giả vờ không hiểu, bằng các mỹ từ lắt léo, uốn éo, bóp méo thành chuyện lạ, nay trở nên phổ biến, “chuyện thường ngày” của huyện, của tỉnh. Nó như mỉa mai cái sự lố của những người tự cho mình thông kim, bác cổ, luôn miệng thao thao về duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, về chủ nghĩa xã hội khoa học. Nhưng té ra, họ giống như người thợ săn lão luyện, trong câu chuyện của nhà văn người Nga, cả đời đi hết rừng này, núi nọ để lùng săn cáo, mà chẳng tìm thấy, đến lúc mắt mờ, gối mỏi, rửa tay, treo súng, thì thấy một con cáo tơ bình thản kiếm ăn ngay tại lùm cây trước nhà.
Tương tự thế, ở xứ ta thời nay vẫn còn đó lắm kẻ chưa thành “vĩ nhân tỉnh lẻ”, đã ôm mộng, đưa cái tầm nhìn “ếch ngồi đáy giếng” thành vĩ nhân quốc gia, tầm thế giới. Điều trái khoáy, bất bình thường là nhiều “dị nhân” trên vẫn sống, thậm chí sống rất khỏe. Phải chăng là do, còn đó sự nhộn nhạo của thông tin, nhiều khái niệm bị đánh tráo, thói a dua, ăn theo, cơ hội ngóc dậy làm càn, phá bĩnh. Thế mới có chuyện bi hài, gã thầy bói từng bị cơ quan bảo vệ pháp luật xử phạt, chỉ cần bỏ ra một số tiền, liền được vinh danh trong chương trình truyền hình trực tiếp trên tivi, hay kẻ lừa đảo, trước khi ra vành móng ngựa, còn kịp trở thành “người đương thời”, ngồi chễm chệ trên đài truyền hình quốc gia huyênh hoang, đưa đẩy những chuyện đời, chuyện thương trường.
Dạy đời, phê người thật dễ, răn mình, tự phê mới khó. Vậy nên mới có những chuyện bé bị xé ra to, làm cho những người bình thường không biết đâu mà lần.