Không vì luật mà vì... cấp trên
- Văn hóa - Giải trí
- 18:00 - 13/01/2015
Gần 30 năm trước, sau ngày Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp và đối thoại với các văn nghệ sĩ và có câu nói nổi tiếng: “Tự cứu mình trước khi trời cứu”, nhà văn Nguyễn Minh Châu có bài viết tự vấn ngòi bút của mình về thời đã qua.
Theo ông đó là lời ai điếu cho dòng văn học minh họa, dòng văn học viết một chiều thô thiển. Gần 30 năm, gần 40 năm trước các văn nghệ sĩ của ta đã dũng cảm tự phê để vượt qua chính mình viết nên những tác phẩm có ích cho đời sống, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Thực ra không chỉ các văn nghệ sĩ mà rất nhiều người cũng nhận ra mình sẽ là bù nhìn, con rối khi ăn theo nói leo, làm dựa, sống dựa, núp bóng cấp trên để vinh thân! Nhưng tiếc thay từ biết đến biến nó thành hiện thực là cả một quá trình, cả một giai đoạn dài và cực kỳ gian nan.
Ai to gan dám bảo những ông (bà) tổng giám đốc, trưởng phòng cảnh sát giao thông là những người ít hiểu biết? Nhưng thực tế cho thấy một số ông (bà), nếu trình độ đủ đảm đương nhiệm vụ thì họ vô trách nhiệm, thụ động, quen dựa dẫm núp bóng cấp trên, nên mới để xảy ra những chuyện chướng tai gai mắt, gây bức xúc dư luận.
Chắc nhiều người vẫn còn nhớ cách đây vài năm một công trình ở sân bay Đà Nẵng xây mãi không xong, thế mà sau chuyến vi hành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phải dùng biện pháp mạnh công trình mới được “xuôi chèo mát mái”.
Gần đây công trình giao thông từ cầu Nhật Tân nối sân bay Nội Bài (nay là đường Võ Nguyên Giáp) có cái đường ngang chậm trễ cũng phải cần đến sự vào cuộc của Bộ trưởng Thăng, đường ngang ngay lập tức hoàn thành.
Rồi chuyện cấm xe quá khổ, quá tải, luật ban ra, các ngành giao thông vận tải, công an mở nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến, lập nhiều trạm, nhiều đội thanh kiểm tra, xử lý vi phạm.
Nhưng xử lý hôm trước, hôm sau tái phạm, kiểm tra ở đàng đông lại vi phạm ở đàng tây. Dư luận cho rằng: Xử lý kiểu “bắt cóc bỏ kiềng”. Gần đây ở Hà Tĩnh đích thân Chủ tịch tỉnh phải ra mặt đường để bắt xe quá tải, quá khổ.
Sự có mặt của ông Chủ tịch, xe quá tải, quá khổ tự nhiên giảm hẳn. Phải chăng khi không có mặt ông Bộ trưởng, ông Chủ tịch các ông (bà) tổng giám đốc, trưởng phòng, đội trưởng cảnh sát giao thông không biết điều hành, xử lý công việc? Phải nhờ đến Bộ trưởng, Chủ tịch “điểm mặt chỉ tên” “cầm tay giao việc” mới biết việc phải làm, mới chịu làm việc, mới ngộ ra đâu là xe quá tải, quá khổ?.
Chứng kiến những người như thế thi hành công vụ, chợt liên tưởng đến cho trẻ con ăn lúc phải dỗ, lúc phải hù dọa... mà buồn!