THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:39

"Không thể lấy cớ giảm biên chế phòng Giáo dục để tăng lương cho giáo viên”

 

Vai trò của các phòng Giáo dục quận, huyện

Theo thầy Bùi Nam, số lượng cán bộ mỗi phòng giáo dục hiện nay trung bình khoảng trên dưới 10 người, chưa tính lực lượng giáo viên biệt phái ở các trường về công tác tại phòng… Cả nước có 659 đơn vị hành chính cấp huyện nếu giải tán phòng giáo dục quận, huyện thì sẽ có thêm nguồn tài chính để tăng lương cho giáo viên.

 

Hiện tại, Phòng GD&ĐT các quận vẫn đang quản lý các trường từ mầm non lên tới THCS.

 

Thầy Bùi Nam phân tích, hiện, lực lượng cán bộ quản lý chỉ tính riêng từ mầm non đến THPT (bao gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cán bộ phòng, Sở GD&ĐT) trên giáo viên đứng lớp là khá lớn: Mầm non là 35.833/132.294 viên chức (chiếm 27,08%), tiểu học 35.010/363.249 (chiếm tỉ lệ 9,64%), THCS là 24.627/207.085 (chiếm 11,9%), THPT là 8.351/119.826 (chiếm gần 7%). Tính chung trên cả nước cán bộ quản lý từ mầm non đến THPT là 103.821/ 822.454 viên chức (chiếm 12,6%). Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại Sở, phòng giáo dục nhưng vẫn nhận lương tại các trường.

Trước đề xuất nói trên, nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và cán bộ quản lý cho rằng trên thực tế phòng giáo dục dù nhiều hạn chế nhưng cũng có vai trò nhất định.

Theo thầy Trung Nghĩa, một giáo viên tại Hà Nội, hiện nay hệ thống các trường từ mầm non đến bậc THCS là rất lớn. Không có bộ phận quản lý sẽ khó khăn trong việc triển khai hoạt động và kiểm soát chất lượng của các cơ sở này. Nếu giải tán phòng GD&ĐT, việc quản lý hệ thống giáo dục sẽ tập trung vào một đầu mối là sở GD&ĐT là khó khả thi. “Hệ thống quản lý hành chính đã được xây dựng và duy trì từ trước, vậy nếu cải cách nên thực hiện theo hướng làm tốt hơn những gì đang vận hành và chuyển dịch dần mô hình giảm bớt cho phù hợp, chứ không phải đùng cái là cắt ngay", thầy Nghĩa nhìn nhận và cho rằng trong giáo dục, có rất nhiều vấn đề cần triển khai đổi mới, nhưng việc liên quan đến chương trình học, cách tổ chức dạy học là điều cấp thiết.

Cô giáo Hải Hà (Nam Định) nhận xét về đề xuất trên: “Giải thể phòng giáo dục thì sở GD&ĐT sẽ không thể nào quản lý hết được. Mỗi huyện cần có một đơn vị quản lý chung, tham mưu cho UBND huyện. Hơn nữa, mỗi huyện có một đặc thù riêng, nếu không có phòng thì sở GD&ĐT rất vất vả.

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng giáo dục quận 6 TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ý kiến nói trên thể hiện quan điểm của cá nhân khi có những mong muốn về sửa đổi luật Giáo dục nên không thể nói đúng hay sai. Có thể ý kiến của nhà giáo đó sẽ phù hợp với những địa phương khác không phải là TP. Hồ Chí Minh, nơi có số lượng đông học sinh, có nhiều loại hình học tập khác nhau. Chẳng hạn, trung bình mỗi quận, huyện của thành phố có hơn 100 cơ sở giáo dục, có quận lên đến gần 500 trường mầm non, tiểu học, THCS, nhóm lớp ngoài công lập… Nếu đưa về sở GD&ĐT quản lý thì bộ máy sẽ phát triển thêm so với hiện tại, sẽ khó có thể quản lý sâu sát các trường như các cấp quản lý trực tiếp.

Đề xuất, góp ý cho giáo dục phải hợp lý và dựa trên cơ sở khoa học

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đề xuất giải tán phòng GD&ĐT quận, huyện là không có cơ sở khoa học về mặt quản lý hệ thống. "Không thể lấy cớ giảm biên chế phòng Giáo dục để tăng lương cho giáo viên. Ai cũng có quyền đề xuất và góp ý cho ngành giáo dục nhưng phải hợp lý và dựa trên cơ sở khoa học. Việc giải tán phòng Giáo dục quận, huyện để lấy tiền ngân sách tăng lương cho giáo viên cũng không thực tế. Điều cần nhất bây giờ là giải pháp, cải tiến thế nào cho hệ thống quản lý phát huy được hiệu quả", TS Lâm nhấn mạnh.

 

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Đề xuất giải tán phòng GD&ĐT quận, huyện là không có cơ sở khoa học về mặt quản lý hệ thống. 

 

Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, các phòng Giáo dục có nhiệm vụ giúp sở GD&ĐT quản lý các trường. Nếu họ gây khó dễ cho trường thì phải thay đổi nhân sự chứ không nên thay đổi tổ chức. Việc đánh giá phòng GD&ĐT có cần thiết hay không thì phải thông qua nghiên cứu, xem xét toàn diện.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Tôi khá bất ngờ khi nghe đề xuất trên. Quản lý giáo dục rất phức tạp không chỉ thực hiện chủ trương lớn mà còn có những việc rất cụ thể như là giờ dạy, giáo dục và dạy học trong trường, ngoài trường, kết hợp với xã hội, gia đình... Quản lý trong giáo dục cũng phải chia đến cấp huyện, cấp xã giống như quản lý ở cấp chính quyền. Vì thế, không thể giải thể hay cắt giảm cấp quản lý giáo dục ở huyện, xã được”.  

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng (Bộ GD&ĐT) cho hay, với những chức năng và vai trò vốn có của phòng Giáo dục như kiểm tra, giám sát về chuyên môn xem các cơ sở có thực hiện đúng thể chế theo quy định hay không, cơ cấu hoạt động của Phòng bao gồm cả về nhân sự, chuyên môn, thanh tra... nên có vẻ nặng nề. “Theo tôi, nếu có bỏ phòng Giáo dục thì cũng chỉ nên thí điểm thử ở một hoặc một vài nơi để cân nhắc được gì, không được cái gì rồi có hướng điều chỉnh chứ không nên vội vàng", nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nhận định, cần đánh giá cụ thể việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các phòng Giáo dục. “Cần xem xét phòng Giáo dục đã thực hiện đúng, tốt chức năng của mình chưa hay chỉ thêm phiền toái cho các trường. Nếu bỏ các phòng Giáo dục thì trách nhiệm quản lý thuộc về Sở GD&ĐT. Lúc này, Sở phải đủ năng lực và có sự phối hợp hiệu quả với UBND quận, huyện. Vấn đề này phải được nghiên cứu cụ thể vì sẽ liên quan tới nhiều người, nhiều vấn đề", TS Hoàng Ngọc Vinh nói.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh