THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:52

Không nên quy định rõ tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp thứ 35 Ủy ban TVQH khóa XIII

Về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 7 và Điều 8), báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đưa ra hai phương án: Phương án 1: giữ như quy định hiện hành về số lượng đại biểu thích đáng là đại biểu nữ, đại biểu là người dân tộc thiểu số (như đã thể hiện trong dự thảo Luật); Phương án 2: quy định rõ tỷ lệ tối thiểu ĐBQH, đại biểu HĐND là nữ, là người dân tộc thiểu số (ví dụ như ĐBQH là nữ đạt ít nhất là 30% tổng số đại biểu Quốc hội).

Cho rằng việc quy định rõ tỷ lệ ĐBQH, đại biểu HĐNQ là nữ, là người dân tộ thiểu số là khó khả thi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Quốc hội) Phùng Quốc Hiển, đặt vấn đề: “Nếu khi bầu không đạt được tỷ lệ theo quy định của Luật thì kết quả bầu cử có được công nhận?”.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, cho rằng việc quy định cụ thể tỷ lệ ĐBQH, đại biểu HĐND là nữ, là người dân tộc thiểu số là cần thiết. “Nếu sợ khi bầu không đạt được tỷ lệ theo quy định thì Luật cần bổ sung quy định tỷ lệ ứng cử. Đây là việc mà chúng ta có thể chủ động được”, bà Mai hiến kế.

Về Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng đưa ra hai phương án. Phương án 1: cơ bản giữ các quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia như trong dự thảo Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ được thành lập khi công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi Quốc hội xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội. Phương án 2: quy định thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia được bầu, phê chuẩn theo nhiệm kỳ để có thể chủ động thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bầu cử khi có yêu cầu.

Nghiêng theo phương án 1, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, không nên duy trì Hội đồng bầu cử quốc gia trong 5 năm. “Việc duy trì trên sẽ tạo thêm bộ máy cồng kềnh, lãng phí. Nếu trong trường hợp cần bầu bổ sung thì lúc đó Quốc hội sẽ quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia”, ông Hiển nói.

Quyết theo hướng phương án 1, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, dứt khoát: “Nước ta là nước có một Đảng lãnh đạo duy nhất, mà đã là một Đảng lãnh đạo thì không thể có Hội đồng bầu cử Quốc gia độc lập. Tất cả phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, Luật cần quy định rõ ràng, cụ thể từng quy trình trong quá trình bầu cử. “Từ công tác chuẩn bị hiệp thương, Luật cần quy định rõ ràng, giai đoạn nào thì cơ quan nào chịu trách nhiệm. Đối với các tỷ lệ như tỷ lệ ĐBQH, đại biểu HĐND là nữ, là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách cũng cần phải quy định rõ ràng trong quá trình hiệp thương, tránh khi bầu không đạt tỷ lệ theo quy định”, Chủ tịch QH nói.

Ngọc Ước

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh