CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:29

Thủ đô Hà Nội: Ô nhiễm môi trường đứng thứ nhì thế giới

 

Trong bảng xếp hạng chỉ số ô nhiễm không khí, ở mức ô nhiễm 245, người dân được khuyên nên hạn chế, thậm chí tránh ra ngoài đường để không gặp vấn đề về sức khỏe.

Với số liệu được đo đạc trong sáng 5/10, Hà Nội đang được cho là thành phố ô nhiễm thứ nhì thế giới. Chỉ số ô nhiễm của Hà Nội chỉ thấp hơn thành phố Ardhali Bazar của Ấn Độ (471) và cao hơn rất nhiều so với những thành phố còn lại có số liệu được thống kê.

Trước đó, trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Tổng cục Môi trường đặt tại khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội cũng đã  thường xuyên cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, chỉ số AQI đo được vào ngày 14/4 dao động ở mức 54-140, mức kém theo thang đánh giá, khuyến cáo những người nhạy cảm hạn chế ra ngoài.

Còn vào đầu tháng 3, chỉ số AQI ở Hà Nội có lúc lên đến 388, mức ô nhiễm rất nặng, cao nhất trên thang đánh giá, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà (kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ tại tòa nhà số 7 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội). Riêng nồng độ bụi mịn PM 2,5 cao gấp 3 mức khuyến cáo theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Nói về chỉ số AQI ở thời điểm đó, TS Tùng cho biết: "Chỉ số này cao hơn 1,5 lần so với mức độ cho phép. Thời gian này, mức độ ô nhiễm giảm nhưng không phải do giảm các nguồn gây ô nhiễm mà do thời tiết".


 Không khí ở Hà Nội được các chuyên gia đánh giá là ô nhiễm nặng. Ảnh: Internet.

Nhìn vào các bài học trên thế giới, ông Tùng cho rằng, nếu không sớm có biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, việc không khí Hà Nội trở nên ô nhiễm nghiêm trọng như Bắc Kinh sẽ tất yếu xảy ra trong một ngày không xa.

Chia sẻ với báo chí, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cũng thừa nhận: Không khí Hà Nội đang thực sự ô nhiễm.

Các kết quả đo đạc cho thấy, không khí Hà Nội hiện chứa nhiều chất độc hại đối với sức khỏe con người như SO2, NO2, CO, benzene… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng ở thành phố này là không kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng ôtô, xe máy, xăng dầu dẫn đến thải ra nhiều chất độc; không kiểm soát chặt chẽ nguồn đốt rác thải, rơm rạ; quản trị đô thị không tốt dẫn đến bụi bặm từ các công trình.

Vì thế mà 3 năm nay, ông đã phải chuyển đến sống tại thành phố Nha Trang vào mùa đông và mùa hè, chỉ trở lại Hà Nội vào dịp tết và mùa xuân, mùa thu.

"Mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội hiện nay đã vào loại nặng rồi. Nếu không sớm có biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, việc không khí Hà Nội trở nên ô nhiễm nghiêm trọng như Bắc Kinh sẽ tất yếu xảy ra trong một ngày không xa", ông Đăng khuyến cáo.

Ngoài ra, đáng lo ngại hơn là mới đây, thiết bị đo đạc, quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí, một vấn đề mà các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đều đang lo ngại.

Trao đổi với PV, Bác sĩ Nguyễn Đức Thắng, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền: thủy ngân trong không khí rất độc hại và nếu thường xuyên hít phải thủy ngân, người dân Việt sẽ “lãnh đủ”.

Bác sỹ Thắng phân tích: Nếu hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính. Bởi thủy ngân vốn là chất rất dễ ngấm vào da thịt con người, ngoài ra, thủy ngân trong không khí là thủy ngân nhiệt - bay lên trong không khí rất dễ ứ đọng trong khí quản, từ đó gây ứ đọng trong phổi, tạo ra hiện tượng tắc nghẽn tế bào phổi hay còn gọi là tắc nghẽn phế nang đỏ (tiểu phế nang).

Không chỉ ảnh hưởng tới đường hô hấp, tiêu hóa, mức độ nguy hiểm của không khí chứa thủy ngân còn ở chỗ: Nó gây ngộ độc cho hệ thần kinh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Trẻ em hít phải thủy ngân có thể gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp, có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân nhiều.


Các phương tiện tham gia giao thông dày đặc ở Hà Nội là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm. Ảnh: Internet.

GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết trên báo Infonet: "Ô nhiễm môi trường Hà Nội đang càng lúc càng tăng, và người ta cũng chưa thể biết trong không khí có những chất gì. 

… Ở bất cứ đâu, môi trường luôn là yếu tố quyết định sức khoẻ. Hiện giờ môi trường của chúng ta có nhiều chất, trong đó ảnh hưởng rõ ràng tới sức khoẻ, sẽ có tác hại, về lâu về dài sẽ gây ra ung thư". 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh