THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:37

Ô nhiễm không khí: Hiểm họa chưa được kiểm soát

 

Có lúc Hà Nội ô nhiễm ngang Bắc Kinh

Có lời trấn an dư luận, song TS Hoàng Dương Tùng cũng thừa nhận rằng, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội rất đáng báo động. Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí AQI (Air Quality Index) ở Hà Nội gần đây nhất (từ ngày 8/4 đến 14/4/2016) ở mức 54 - 140 . Với chỉ số này, mức ô nhiễm không khí của Hà Nội được cho là ảnh hưởng không tốt đối với nhóm người nhạy cảm, bao gồm trẻ em, người già và người mắc bệnh hô hấp. Vì vậy, nhóm này được khuyến cáo nên hạn chế ra ngoài.Trước đó khoảng 6 tuần - vào đầu tháng 3, kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ tại tòa nhà số 7 Láng Hạ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho thấy, chỉ số AQI ở Hà Nội có lúc đã lên đến 388. Đây mà mức ô nhiễm rất nặng, cao nhất trên thang đánh giá, là mức nguy hiểm và được khuyến cáo tất cả mọi người nên ở trong nhà. Riêng nồng độ bụi mịn PM2,5 cao gấp 3 mức khuyến cáo theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Khẩu trang là vật bất ly thân của người dân khi ra đường.

Với kết quả nghiên cứu được Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố thì  mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã ngang bằng Bắc Kinh (Trung Quốc). Mặc dù  sau đó, cơ quan chức năng và nhiều nhà khoa học Việt Nam đã trấn an dư luận rằng, kết quả quan trắc đó chỉ mang tính thời điểm, chưa phản ánh đúng tình trạng chung của không khí ở Hà Nội, thì thông tin này cũng khiến không ít người lo ngại. Báo cáo hiện tượng môi trường quốc gia về không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có xu hướng tăng đáng kể nồng độ khí ôzôn, loại khí gây ra nhiều bệnh về hô hấp. Trong đó, Hà Nội đang đứng trong danh sách những thủ đô ô nhiễm không khí nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á. Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường Việt Nam), tại các nút giao thông và công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm tăng lên gấp 5- 6 lần tiêu chuẩn cho phép.

"Thủ phạm" gây ô nhiễm lớn nhất được "điểm mặt chỉ tên" là hoạt động giao thông (chiếm tới hơn 70% tỷ lệ gây ô nhiễm). Tiếp đó, hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng và dân sinh cũng chiếm một tỷ lệ tương đối về khí thải gây ô nhiễm không khí đô thị. Đà Nẵng được coi là tiêu biểu của thành phố sạch ở Việt Nam, nhưng 3 năm qua, số ngày có chất lượng không khí kém, không khí xấu ở thành phố này cũng tăng đáng kể.

Đánh giá của Bộ Y tế cho thấy, trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp được đánh giá là cao nhất, một trong những nguyên nhân là do ô nhiễm không khí. Trong đó, theo thống kê, tỷ lệ người dân mắc các bệnh hô hấp tại các làng nghề, khu vực gần các khu sản xuất công nghiệp, nút giao thông... cao hơn rất nhiều các khu vực khác.

Công tác kiểm soát còn buông lỏng

Môi trường không khí ô nhiễm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến bất cập trong công tác quản lý đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể là vẫn thiếu các quy định đặc thù cho môi trường không khí; tính hiệu quả, hiệu lực thi hành các chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết. Đặc biệt, chưa thực hiện được việc kiểm soát khí thải tại nguồn, cùng với ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải còn yếu kém...

TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, chúng ta còn nhiều hạn chế trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các viện nghiên cứu. Suốt thời gian qua, mỗi ngành, mỗi đơn vị mới chỉ có những nghiên cứu về ô nhiễm như một "lát cắt ngang" ở một thời điểm và trong phạm vi hẹp; chưa có sự phối hợp liên ngành, chưa kết hợp nghiên cứu có hệ thống và áp dụng giải pháp tổng thể với tầm nhìn xa, nhằm cải thiện chất lượng không khí nên hiệu quả chưa cao.

Muốn ngăn chặn hiệu quả được ô nhiễm không khí đô thị, cần đến sự kiểm soát nguồn ô nhiễm từ gốc như kiểm soát ô nhiễm khí thải từ phương tiện giao thông và khí thải từ các công trình xây dựng. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn chồng chéo và bất cập trong mối quan hệ tương tác giữa các bộ, ngành, địa phương. Đơn cử, với tư cách là đơn vị liên đới trách nhiệm, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), từ năm 2008, đã đề xuất và được Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe máy, tại Quyết định số 909/QĐ-TTg, có hiệu lực thực hiện từ 1/1/2011. Theo đúng lộ trình, giai đoạn 2013-2015 sẽ kiểm định khí thải từ 80 đến 90% xe máy tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thế nhưng, Đề án vẫn chỉ nằm trên giấy, cơ quan chuyên trách xin lùi thời gian thực hiện đến năm 2017.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, giải pháp cho vấn đề này không chỉ nằm ở phạm vi của Tổng cục Môi trường, mà cần đến sự vào cuộc của cả bộ máy, các cấp chính quyền, cho đến mỗi doanh nghiệp và từng người dân… Bởi xét đến cùng, chúng ta đều là nạn nhân nhưng cũng là thủ phạm gây nên tình trạng ô nhiễm. Vì thế, bức xúc, lo lắng ngày hôm nay cần được chuyển hóa thành hành động. Nếu không, bài học trả giá về ô nhiễm sẽ đến nhanh hơn cả mức dự tính của những nhà quản lý.  

Biện pháp tự bảo vệ trước tình trạng ô nhiễm không khí:

Đeo khẩu trang bảo vệ khi ra ngoài.

Tránh tập thể dục ngoài trời khi mức độ ô nhiễm không khí cao, bao gồm các hoạt động như đạp xe, đi bộ và chạy bộ.

Trẻ em, người bị bệnh hen hoặc các bệnh hô hấp mạn tính dễ bị tác động của ô nhiễm không khí hơn. Cần đi khám bác sĩ ngay khi thấy những triệu chứng khó thở, ho, ngứa họng, ngứa mắt.

Ô nhiễm không khí thường ở mức cao nhất khi trời nóng, vì thế hãy dời các hoạt động ngoài trời sang lúc sáng sớm hoặc chiều muộn.

Nếu phải đỗ xe ô tô trên đường, hãy đặt chế độ lấy khí trong ở điều hòa không khí trên xe để giảm lượng khí thải lọt vào xe.

Các thực phẩm giàu chất chống ô xi hóa như trái cây và rau có thể giúp bảo vệ cơ thể trước những tác hại của các gốc tự do được hình thành từ không khí ô nhiễm. Việc trồng thêm nhiều cây trên đường đi và quanh nhà cũng sẽ giúp hấp thụ khói bụi và làm sạch không khí.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh