Không để tội ác mua bán người vẫn tiếp diễn
- Pháp luật
- 16:32 - 28/11/2023
Đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trên nhiều phương diện
Mua bán người luôn là vấn đề nóng, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Tại Việt Nam, với sự phát triển của internet và mạng xã hội hiện nay, tội phạm mua bán người thông qua mạng xã hội, các tài khoản ảo, qua SIM điện thoại không chính chủ để kết bạn, làm quen, yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao... sau đó tìm cách đưa nạn nhân qua biên giới.
Các đối tượng còn thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục, cưỡng ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp...
"Những hành vi này xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, gây nên những bất ổn trong xã hội, gieo rắc nỗi đau tận cùng cho biết bao gia đình. Chính vì thế, bảo vệ quyền cho nạn nhân là một trong những trọng tâm trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm mua bán người với sự chung tay góp sức của hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nói.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi khẳng định: “Thời gian qua, Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán rất quyết liệt, thu được những kết quả đáng khích lệ trên nhiều phương diện như: công tác truyền thông nâng cao nhận thức, nhất là đối với nhóm có nguy cơ cao; triệt phá nhiều vụ mua bán người; giải cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nhiều nạn nhân của tội phạm mua bán người”.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg chọn ngày 30/7 hàng năm là ngày “Toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm huy động các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và toàn thể Nhân dân tham gia phòng, chống mua bán người.
Vừa qua, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo việc tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7.
Theo đó, Ban chỉ đạo 138/CP đề nghị các Bộ, ngành, thành viên Ban chỉ đạo 138/CP và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng; xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Đồng thời, luôn cảnh giác để bản thân và thành viên gia đình, cộng đồng không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, không có thái độ kỳ thị, xa lánh đối với nạn nhân bị mua bán cũng như gần gũi, động viên, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ để sớm hòa nhập cộng đồng.
Bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người; và khẳng định vai trò quan trọng của Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ, ngành liên quan, địa phương trong tăng cường quy chế phối hợp công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Bà Park Mihyung khẳng định IOM sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ LĐ-TB&XH, các đối tác để đạt được các mục tiêu trong công tác phòng, chống mua bán người, trong đó có bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân; tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình, dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập, để vừa tối đa hóa các nguồn lực hiện có.
Đồng thời có thể đáp ứng toàn diện, cụ thể các nhu cầu của những người di cư trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương.
Thúc đẩy hơn nữa triển khai tốt phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó trưởng phòng Chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (Cục PCTNXH), việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình Phòng, chống mua bán người hợp phần hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực, như: Hệ thống văn bản chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức được tập trung triển khai;
Cunf với đó, chú trọng tập huấn nâng cao năng lực; công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân được triển khai hiệu quả và thúc đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, nhiều vụ mua bán người được triệt phá; nhiều nạn nhân của tội phạm mua bán người được giải cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng…
Để tăng cường hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, trong năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Hiện nay có 40 tỉnh, thành phố ban hành Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Theo thống kê từ Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2023, số người được tiếp nhận, xác minh là 741 người, xác định 447 người là nạn nhân bị mua bán, trong đó 100 người bị mua bán trong nước, và 347 người bị bán ra nước ngoài. Trong số đó, 260 nạn nhân là nữ và 187 nạn nhân là nam.
Dựa trên nhu cầu của nạn nhân, các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ được 417 người, trong đó 213 người được bảo vệ an toàn, 343 người được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, 273 người được hỗ trợ chi phí đi lại, 184 người được hỗ trợ y tế, 101 người được hỗ trợ pháp lý, 233 người được hỗ trợ tâm lý, 69 người được trợ cấp khó khăn ban đầu, 18 người được hỗ trợ vay vốn, và 18 người được hỗ trợ việc làm.
Theo đó, đánh giá kết quả triển khai và phối hợp công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong giai đoạn 2021-2023 của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; xác định những lĩnh vực cần thúc đẩy hơn nữa trong giai đoạn sau của Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, gồm những giải pháp cụ thể: Hoàn thiện Bộ Công cụ sàng lọc dấu hiệu người bị mua bán và thực hiện thí điểm, tiến đến thực hiện mở rộng ở các tỉnh/thành phố; xây dựng quy trình hỗ trợ người nghi là nạn nhân bị mua bán.
Tăng cường truyền thông về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên các báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các đơn vị thuộc Bộ. Hoàn thiện các tài liệu tập huấn và tiến hành tập huấn TOT, tập huấn mở rộng cho các tỉnh/thành phố về nội dung tài liệu; về tiếp nhận và hỗ trợ dựa trên quyền và sự hiểu biết về sang chấn tâm lý; quản lý ca.
Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong chỉ đạo thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Làm tốt công tác tiếp nhận thông tin, tư vấn và chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân qua đường dây nóng 111.
Tăng cường thanh tra định kỳ, đột xuất nhằm phòng ngừa việc lợi dụng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để mua bán người. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tại địa phương, tiếp tục tập trung tuyên truyền phòng ngừa mua bán người, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong tiếp nhận, chuyển tuyến và hỗ trợ nạn nhân; tăng cường nguồn lực của địa phương cho các hoạt động phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.