CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:19

Không để gia đình Người có công thuộc diện hộ nghèo

 

Sống xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ

Theo Tổng Bí thư, trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do, sự thống nhất toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Vì độc lập tự do, và tiền đồ tươi sáng của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời.

“Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, ông bà cha mẹ, người vợ, người chồng, người con, người cháu, anh chị em... mãi mãi không bao giờ được gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Tiếng thơm của các đồng chí đó sẽ muôn đời lưu truyền với sử sách. Họ chiến đấu hy sinh để Tổ quốc độc lập, tự do thống nhất và dân tộc ta mãi mãi trường tồn. Tinh thần bất diệt, tấm gương sáng ngời của họ sẽ sống mãi với non sông Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn, luôn tự hào và kế tục thành công sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với sự hy sinh cống hiến của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, đồng bào, chiến sĩ cả nước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, tặng quà gia đình NCC Thủ đô. 

 

Tổng Bí thư nhắc lại, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Khi đất nước mới được độc lập, Người đã ra sắc lệnh nhận con em những anh hùng liệt sĩ làm con nuôi. Trong giai đoạn cuộc kháng chiến đang gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh - Liệt sĩ để bày tỏ tình cảm thắm thiết, sâu sắc đối với những người có công với cách mạng. Theo đó, tại Đại Từ, Thái Nguyên, ngày 27/7/1947 đã được chọn để ghi dấu hoạt động tri ân, chăm lo với những người có công với cách mạng và gia đình họ.

Tiếp tục nâng cao mức sống của NCC

70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đến nay có hơn 9 triệu lượt người có công được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi... Đồng thời cũng đã đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ, xây dựng, tu bổ hàng nghìn các nghĩa trang liệt sĩ...

Tổng Bí thư nhấn mạnh, quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, là đạo lý truyền thống của dân tộc. Trong thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện chính sách với người có công. “Đây là yếu tố để đảm bảo công bằng xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng và chế độ, củng cố niềm tin của người dân với Nhà nước. Cần đưa việc này thành hành động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội.”, Tổng Bí thư đề nghị.

Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người có công. Đặc biệt quan tâm gia đình người có công có hoàn cảnh gia đình khó khăn không để gia đình nào rơi vào diện hộ nghèo. Ưu tiên nguồn lực giải quyết nhu cầu cấp thiết  đối với người có công. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác người có công với cách mạng trên cở kết hợp nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Phấn đấu đến 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung nơi cư trú.Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công, đặc biệt chú trọng giải quyết các vướng mắc, tồn tại phát sinh liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của đất nước.

 Quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân cần tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa".

Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”...

Tổng Bí thư kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí cả nước làm tốt hơn nữa chính sách chăm lo cho người có công, coi đây vừa là đạo lý, vừa là bổn phận trách nhiệm, thể hiện bản chất tốt đẹp của mỗi người Việt Nam.



NGUYỄN SÍU, MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh