THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:40

Không để địa phương một năm phải tiếp 4 - 5 đoàn giám sát

Tiếp tục phiên họp thứ sáu, sáng 11/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Nghị quyết của UBTVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội.
Tại phiên thảo luận, nội dung được nhiều thành viên trong UBTVQH quan tâm là vấn đề điều hòa hoạt động các đoàn giám sát chuyên đề (điều 40, 41 và 42). Một số ý kiến thành viên UBTVQH tán thành cần quy định rõ các nguyên tắc điều hòa hoạt động của các Đoàn giám sát để tránh chồng chéo, bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám sát. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc về việc quy định giới hạn số lượng chuyên đề giám sát hàng năm vì cần tạo sự chủ động cho các cơ quan trong hoạt động giám sát. Có ý kiến đề nghị cần hướng dẫn cụ thể một số nội dung về điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 36 Luật hoạt động giám sát nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Thường trực Ủy ban pháp luật thấy rằng, để UBTVQH thực hiện thẩm quyền chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật hoạt động giám sát, dự thảo Quy chế đã quy định cụ thể việc điều hòa hoạt động giám sát khi xây dựng kế hoạch giám sát (Điều 40), số lượng chuyên đề và địa phương giám sát hằng năm, các nguyên tắc điều hòa hoạt động giám sát của các cơ quan (Điều 41) và điều hòa hoạt động giám sát trong trường hợp điều chỉnh thời gian, địa điểm làm việc tại địa phương (Điều 42)… 
Trong đó, quy định về số lượng các chuyên đề giám sát đối với từng cơ quan đã được cân nhắc trên cơ sở thực tế hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhằm bảo đảm sự phù hợp giữa nhu cầu giám sát với khả năng thực hiện, tránh quá tải cho các cơ quan và sự trùng lặp nhiều hoạt động tại địa phương, phù hợp với chủ trương của UBTVQH về tăng cường giám sát tại các cơ quan trung ương, hạn chế giám sát tại địa phương. Do đó, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị UBTVQH cho giữ quy định về số lượng chuyên đề giám sát như trong dự thảo Quy chế.
Một số ý kiến thành viên UBTVQH tán thành cần quy định trong Quy chế về một số nội dung cụ thể phục vụ hoạt động của Đoàn giám sát, đồng thời đề nghị cần bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí trong các hoạt động giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nêu rõ “khi có đoàn công tác đến địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí”. Do đó, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho tiếp thu ý kiến trên và bổ sung trong dự thảo Quy chế nguyên tắc “việc tổ chức các hoạt động của Đoàn giám sát bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh phô trương, hình thức” (Điều 24), đồng thời cụ thể hóa nguyên tắc này trong các điều khoản có liên quan của dự thảo Quy chế (ví dụ: các điều 37, 38 và 39...).
Cho rằng tâm lý của đa số các địa phương đều không thích kiểm tra, giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, đoàn giám sát đến địa phương thì không nên yêu cầu địa phương đón tiếp một cách rườm ra. Bên cạnh đó, mỗi đoàn đi có kinh phí của mình, kinh phí ăn ở thì đoàn tự trả không nên làm phiền địa phương. 
Góp ý về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: “Giám sát nên ở tầm vĩ mô, tập trung giám sát việc ban hành và thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật trong thực tiễn cuộc sống. Làm sao qua giám sát tạo sức lan tỏa, góp phần tác động đến việc ban hành, thi hành chính sách”. 
Đồng tình với các quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, giám sát phải chất lượng chứ không phải cứ kéo đoàn đi quá đông thành viên nhưng không mang lại hiệu quả. Thực tiễn có những bài báo phản ánh một vấn đề bức xức, nổi cộm còn có tác động mạnh mẽ hơn cả một cuộc giám sát. Giám sát cũng không nên quá nhiều, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp. “Chúng ta phải đặt mình vào vị trí lãnh đạo địa phương, địa phương thì nhiều việc mà phải đón 4,5 đoàn giám sát thì họ làm việc thế nào được. Tuy nhiên, các địa phương phải tôn trọng hoạt động giám sát của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Với 100% số phiếu tán thành, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết của UBTVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội. Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH, rà soát kỹ nội dung, hoàn chỉnh văn bản để trình Chủ tịch ký, ban hành quy định.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh