THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:48

Hậu giám sát không nghiêm: Quốc hội sẽ có biện pháp

 

Giám sát của Quốc hội phải gọn nhẹ, hiệu quả

Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016). Đây là một bước tiến quan trọng, góp phần thiết thực khắc phục những hạn chế trong quá trình thực thi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (ban hành năm 2003), nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, và đại biểu Quốc hội, bảo đảm trình tự, thủ tục các hoạt động giám sát được thực hiện thống nhất thì một số nội dung trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần được quy định chi tiết hơn. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, Dự thảo Nghị quyết sẽ được ban hành kèm theo dự thảo Quy chế “Tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội”.

 

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tờ trình

 

Liên quan đến công tác tổ chức phục vụ Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, giám sát khác hoàn toàn với thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nên quy định phải thống nhất làm sao nâng cao hiệu quả và gọn nhẹ. Do vậy, thực hiện giám sát phải trên tinh thần gọn nhẹ, có chiều sâu, tiết kiệm và hiệu quả.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, một năm ít nhất có 2 cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, 2 cuộc giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban có ít nhất 2 cuộc nữa thì tổng số cuộc giám sát tương đối lớn. Do đó, về số lượng một số hoạt động giám sát cần phải quy định điều hoà cách làm để tránh gây khó khăn, bức xúc cho địa phương.

“Một năm nhiều đoàn giám sát xuống, đoàn này chưa đi đoàn khác đã dập dìu, rồi lại tiếp bao nhiêu đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nên phải hết sức thông cảm với họ” – Phó Chủ tịch nêu ý kiến và đề nghị nghiên cứu, điều phối để tối đa một năm mỗi địa phương tiếp 2 đến 3 đoàn giám sát là phù hợp.

Trả lời chất vấn bằng văn bản phải thực hiện ngay sau phiên chất vấn

Lưu ý một hoạt động giám sát tối cao là lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu cần thể hiện rõ trong quy chế vì qua thực tế cho thấy có nhiều vấn đề cần quy định cụ thể. Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên có chủ trương rà soát lại quy chế trước đây đã quy định về lấy phiếu tín nhiệm.Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất ý kiến rằng trong quá tình làm việc của các đoàn giám sát tránh gây phiền hà cho các địa phương, tránh chồng chéo, trùng lắp.

Về vấn đề “hậu giám sát”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, hậu giám sát nếu ai thực hiện không nghiêm thì dứt khoát Quốc hội phải có biện pháp cương quyết. 

 

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề cập đến vấn đề hậu giám sát

 

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, thời gian trả lời chất vấn bằng văn bản cần quy định rõ từ 3-5 ngày sau phiên chất vấn chứ không để kéo dài. Ngoài ra, đối với quy định người được chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn thay mình cũng cần mềm dẻo. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong những trường hợp đặc biệt người được chất vấn có nhiệm vụ quan trọng khác không thể không thực hiện trả lời chất vấn ngay, có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định.

Còn về hoạt động giám sát của HĐND, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh cần sớm nghiên cứu ban hành Nghị quyết riêng ban hành quy chế để địa phương thực hiện.

 Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp tiếp thu đầy đủ, rà soát kỹ nội dung, hoàn chỉnh văn bản trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào phiên họp tiếp theo.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh