Kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 14:17 - 06/12/2016
Năm 2016 là năm thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch 05 năm (2016-2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành, ban hành văn bản triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú…văn bản phát động phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt” đối với khối các sở giáo dục và đào tạo; hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng khối các cơ quan Bộ, các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng…
Bà Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát Khối Thi đua phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Chỉ thị của Bộ trưởng về phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến giai đoạn 2016 – 2020 trong toàn ngành.
Với tinh thần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, toàn ngành đã nỗ lực thi đua làm theo lời Bác “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”; các phong trào đã phát triển theo chiều sâu và trở thành hoạt động thiết thực, thường xuyên trong ngành. Phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt” là phong trào thi đua lớn, trọng tâm trong ngành giáo dục đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu, đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, chuyển đổi cách dạy chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang dạy học để phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Mỗi năm, hàng ngàn học sinh, sinh viên được Bộ trưởng tuyên dương tặng Bằng khen. Nhiều em được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập. Đã xuất hiện nhiều học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bà Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trưởng Khối thi đua các Bộ, ngành Khoa học – Văn hóa – Xã hội năm 2016 phát biểu.
Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” Bộ đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Công đoàn giáo dục Việt Nam, Hội cựu giáo chức Việt Nam phát động vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; các cuộc thi “Viết về nhà giáo trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước”, “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật”, “ Cô giáo của tôi”, “Kỷ niệm về nghề dạy học”…
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về chính sách đối với giáo dục dân tộc và đào tạo nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn, chế độ chính sách cho nhà giáo, học sinh, sinh viên nghèo, cận nghèo, chính sách học bổng, chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, người Kinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo kết quả công tác thi đua, khen thưởng năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 với Đoàn kiểm tra, giám sát công tác thi đua khen thưởng.
Phong trào thi đua “Cả nước xây dựng nông thôn mới” đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Số trường đạt chuẩn quốc gia đến cuối năm 2015 là 16.272 trường (trong đó mầm non: 4.482 trường; Tiểu học: 7.699 trường; Trung học cơ sở: 3.560 trường, Trung học phổ thông: 488 trường; Phổ thông cơ sở: 25 trường; Trường cấp 2,3: 22 trường). Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh đến trường cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm.
Kết quả công tác khen thưởng năm 2015 và 06 tháng đầu năm 2016 của ngành Giáo dục và Đào tạo đã có 21 tập thể, 47 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng, 19 tập thể, 119 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2.064 tập thể và 7.034 cá nhân được Bộ trưởng tặng Bằng khen; 31.812 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, 8 đơn vị được tặng cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ; 87 đơn vị được tặng cờ Đơn vị thi đua xuất sắc của Bộ…
Ông Nguyễn Văn Vui – Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo kết quả các phong trào thi đua yêu nước của Ngành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập mạng lưới nhân sự chuyên trách và bán chuyên trách về công tác thi đua, khen thưởng từ cơ sở đến cơ quan Bộ. Đội ngũ này thực hiện công tác tham mưu, tư vấn cho Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về thi đua, khen thưởng, thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu thi đua và khen thưởng; kiểm tra, giám sát các hoạt động thi đua, khen thưởng, đảm bảo khách quan, chính xác, kịp thời, tạo động lực cho đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên báo cáo kết quả công tác thi đua, khen thưởng của tập thể cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên nhà trường.
Tại buổi kiểm tra, giám sát đồng chí Trần Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát đã biểu dương Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực cố gắng tổ chức, triển khai cụ thể hóa các văn bản thi đua khen thưởng, đồng bộ, bài bản khi có Luật thi đua, khen thưởng, Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” và ban hành Thông tư quy định rõ ràng, cụ thể theo tinh thần Chỉ thị số 34 – CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị.
Tổ chức các phong trào thi đua đồng bộ, toàn diện đa sắc màu có sự đổi mới về nội dung, hình thức bám sát nhiệm vụ chính trị, kế hoạch trọng tâm của ngành lấy mục tiêu “dạy tốt – học tốt” làm nòng cốt.
Đoàn kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng của Khối làm việc với tập thể Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên.
Quan tâm công tác xây dựng điển hình tiên tiến đối với đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động tiếp tục lan tỏa, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc vừa qua tỉnh thành nào cũng có điển hình tiên tiến về giáo dục và đào tạo, nhiều học sinh sinh viên được giải thưởng quốc gia và quốc tế.
Công tác khen thưởng triển khai kịp thời, hướng tập trung vào những tập thể nhỏ và cá nhân trực tiếp giảng dạy, học tập.
Vụ Thi đua – Khen thưởng đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Bộ vận dụng nhiều hình thức thi đua khác nhau tạo không khí thi đua sôi nổi, thu hút cán bộ công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên tham gia.
Đoàn kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng của Khối thi đua các Bộ, ngành Khoa học – Văn hóa – Xã hội thăm quan giảng đường, phòng truyền thống và ký túc xá Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên.
Thời gian tới ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nhân rộng điển hình tiên tiến, đẩy mạnh tuyên truyền biểu dương, tổ chức giao lưu trao đổi giữa các gương điển hình trong ngành. Phong trào thi đua phải tiếp tục được đổi mới thiết thực, có tiêu chí rõ ràng, cụ thể nhất là các tiêu chí về giáo dục và đào tạo trong phong trào “Xây dựng nông thôn mới”.
Một số hoạt động ngoại khóa của sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên.
Tăng cường khen thưởng theo chuyên đề đối với các tập thể cá nhân trong phạm vi thẩm quyền của Bộ, chú ý khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không giữ chức vụ quản lý, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm.