THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:21

Không còn là chuyện con trẻ

Đó là chuyện một người phụ nữ xúi giục đứa "con nuôi" 9 tuổi đi ăn cắp túi tiền của bà bán nước để mua ma túy đá và chuyện một người đàn ông – phụ huynh của trẻ mầm non tại TP. Lào Cai khi thấy con mình bị bạn giành đồ chơi, đã xông vào túm tóc đứa trẻ 2 tuổi tát tới tấp ngay trong lớp học.

Không còn là chuyện con trẻ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Với câu chuyện thứ nhất, rõ ràng là người lớn đã "truyền nhiễm" thói hư tật xấu cho con trẻ. Hẳn người phụ nữ xúi giục đứa trẻ ăn cắp tiền hiểu rằng, nếu bà ta có hành vi trộm cắp thì sẽ bị pháp luật xử lý, còn đứa trẻ thì không sao vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm. Nhưng chắc chắn hành động xúi giục trẻ em trộm cắp gây hại sẽ cho hành vi đứa trẻ trong tương lai và cho cộng đồng xã hội.

Thời gian gần đây, nhiều vụ trộm nhí đã xảy ra, gia tăng về mức độ táo tợn và để lại hậu quả khôn lường. Trong đó phải kế đến trường hợp nam sinh lớp 8 ở tỉnh Quảng Nam lẻn vào nhà dân trộm 80 triệu đồng để mua điện thoại và chơi game; hay mới đây nhất là nam sinh lớp 9 ở Thanh Hóa bịt mặt, đeo găng tay lẻn vào cậy tủ kính của một tiệm vàng rồi bị người dân truy đuổi, thu hồi số tang vật gần 400 triệu đồng.

Số tiền, tài sản bị trộm cắp đang tỷ lệ nghịch với số tuổi đời của những "tội phạm nhí". Đó thực sự là một mối nguy cho xã hội!

Với câu chuyện thứ hai, nhiều người sau khi đọc tin đã thở dài và buông một câu "Không còn gì để nói!". Vì không ai có thể hình dung cảnh một người lớn lại "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với đứa trẻ mới lên 2, chỉ vì một lý do hết sức… "trẻ con".

Chẳng hóa ra, người phụ huynh ấy cũng chỉ "bằng vai phải lứa" với những đứa trẻ lên 2? Thật đáng xấu hổ!

Đọc câu chuyện ấy, nhiều người không khỏi giật mình khi thấy rằng đang tồn tại một "lỗ hổng" lớn trong nhận thức về quyền của trẻ em và trách nhiệm của người lớn đối với trẻ em. Người lớn có sức lực khỏe hơn trẻ em – đương nhiên, và dường như một số người tự cho mình cái quyền sử dụng sức lực ấy để "trấn áp" những đứa trẻ, có thể đó là chính con của họ hoặc chỉ là những đứa trẻ con hàng xóm, bạn học của con hay trẻ em ngoài xã hội…

"Gia đình tôi chưa chấp nhận lời xin lỗi của anh H., sẽ cương quyết nhờ công an và pháp luật vào cuộc giải quyết. Tôi sẽ xem xét thái độ của anh H. như thế nào. Gia đình tôi cũng không muốn làm lớn vụ việc nhưng hành vi đánh trẻ em thô bạo của anh này không chấp nhận được", cha của "nạn nhân" bức xúc.

Ở những nước phát triển, pháp luật quy định những người từng có hành vi như vậy bị cấm lại gần trẻ em trong một thời hạn nhất định. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, mạnh tay hơn với những hành vi bạo hành trẻ em vì những hành vi bạo lực sẽ để lại di chứng không hề nhỏ trong tâm trí những đứa trẻ còn non nớt.

Mong rằng, chúng ta sẽ không còn phải đọc, nghe về những câu chuyện buồn như vậy...

HÀ HUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh