CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:16

Không còn cơ chế xin cho trong cấp phép phổ biến ca khúc

 

Ca sĩ Võ Hạ Trâm thường xuyên trình diễn những ca khúc truyền thống, cách mạng. ẢNH: ĐỘC LẬP

 

Ngày 23/5, Bộ VH-TT-DL có Văn bản số 2198/BVHTTDL-VP gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) về việc thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục ca khúc đã phổ biến rộng rãi trên trang thông tin điện tử cucnghethuatbieudien.gov.vn gây hiểu nhầm trong dư luận là cấp phép phổ biến cho các ca khúc truyền thống, cách mạng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ VH-TT-DL yêu cầu Cục NTBD khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:
Một là Cục NTBD phối hợp với Vụ Pháp chế triển khai rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực biểu diễn, báo cáo lãnh đạo Bộ để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển.
Hai là các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.
Ba là nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác tổ chức, nâng cao năng lực của cán bộ thực thi pháp luật, thường xuyên báo cáo lãnh đạo Bộ về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Quản lý phải nhằm mục đích để nghệ sĩ và âm nhạc phát triển
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Việc rà soát theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam được Bộ VH-TT-DL khởi động ngay ngày 23/5. Hiện Bộ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan như Cục NTBD, Vụ Pháp chế tham mưu lãnh đạo Bộ thực hiện quy trình thủ tục...”.
Về câu hỏi sẽ làm theo cách lập danh sách bài hát không được phổ biến hay cấp phép phổ biến ca khúc, ông Bình cho biết: “Hướng xử lý của chúng tôi là sẽ làm thế nào để thuận lợi nhất cho người dân có nhu cầu sử dụng. Chúng tôi cũng quán triệt tinh thần cải cách hành chính. Không còn cơ chế xin cho nữa mà mình đưa các chế tài vào”.
Về vấn đề này, nhạc sĩ Quốc Trung đưa ý kiến: “Hiện chuyện quản lý ca khúc rất lộn xộn. Chẳng hạn, bài hát đã được cấp phép rồi thì khỏi phải duyệt nữa. Còn bài hát mới thì chỉ nên cấp phép 1 lần. Điều quan trọng nhất là việc quản lý phải nhằm mục đích để nghệ sĩ và âm nhạc phát triển. Với các bài hát có vấn đề, hoàn toàn có thể đưa ra danh sách cấm. Danh sách có thể cập nhật thường xuyên”.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung: “Bạn làm chương trình, nhưng nếu chương trình có vấn đề vi phạm pháp luật, bạn phải chịu trách nhiệm. Giờ vẫn tiếp tục cử người đến duyệt từng bài, từng chương trình để cấp phép thì tốn kém tiền bạc, công sức của mọi người. Ngay cả khi duyệt rồi vẫn có người làm trái với chương trình đã duyệt mà. Nên hậu kiểm mới là quan trọng”.
Lên danh sách các bài bị cấm, kể cả cũ lẫn mới
Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, nhận định: “Cục NTBD giữ quan niệm cũ, tư duy cũ, cách thức cũ rồi. Tư duy đó, cách làm đó là quá lạc hậu, không thể thích hợp với điều kiện mới. Tốt nhất là phải thay đổi cơ chế từ tiền kiểm thành hậu kiểm. Cứ đi cấp từng trường hợp một, vừa dễ tiêu cực vừa dễ tham nhũng vừa chậm trễ, hạn chế quyền công dân. Bây giờ phải đặt ra cơ chế như mọi lĩnh vực khác, phải hậu kiểm tốt. Cái đó đòi hỏi thay đổi. Thủ tướng nói rồi, cái gì cần sửa thì phải sửa chứ, kể cả nghị định cũng vậy. Người ta muốn duy trì cơ chế xin cho này để tiếp tục duy trì nạn quan liêu, cửa quyền gây khó cho nghệ sĩ. Thậm chí rất nhiều trường hợp phản ánh có tiêu cực, có tham nhũng. Phải thay đổi và nếu thay đổi thì thậm chí phải thay đổi cả hệ thống con người của Cục chứ không thể để hệ thống nhân sự cùng nhận thức như thế, duy trì tư duy như thế kỷ trước như thế. Tốt nhất là lên danh sách các bài bị cấm kể cả cũ lẫn mới. Hiến pháp nói rồi. Luật cũng đang hướng tới con đường đó. Cái gì công dân không bị cấm thì được làm. Danh sách cấm đó hoàn toàn có thể bổ sung nên không sợ bỏ sót”.
“Theo tôi, danh mục ca khúc cấm phổ biến nếu muốn làm thì được hết, vấn đề là người có chức trách quyết tâm làm hay không, và có đủ trình độ chuyên môn lẫn trình độ về công nghệ để quản lý hay không mà thôi. Nên đưa ra danh mục cấm, hoặc ban hành có tiêu chí cụ thể nội dung thế nào sẽ bị cấm. Đã là quy định của nhà nước, thì chẳng ai dám không tuân theo cả”, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nêu ý kiến.
Trong khi đó, nhạc sĩ Lê Quang cho rằng: “Việc lập danh sách những ca khúc chưa được phổ biến dễ hơn là cập nhật những ca khúc được phép phổ biến, vì lượng bài hát phổ biến quá nhiều, còn bài chưa được cấp phép thì chỉ đóng khung trong một giai đoạn nào đó thôi. Nếu có danh mục những bài cấm lưu hành, hoặc có những quy định rõ ràng bài có nội dung thế nào thì cấm lưu hành, người sử dụng sẽ dễ dàng trong việc chọn ca khúc để biểu diễn hay thực hiện sản phẩm âm nhạc”.
Ông Lý Hoàng Tuấn (Giám đốc HT.Production, đơn vị tổ chức show ca nhạc) nói: “Rất nhiều lần chúng tôi bối rối vì bài hát ca sĩ thích, người làm chương trình rất thích, nhưng chưa rõ đã được phép hát chưa và quan trọng nhất là có bị cấm không. Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp ca sĩ bỏ tiền thu âm bài hát rồi phải hủy vì bài hát chưa cấp phép. Công khai danh mục bài không được phép hát rồi cứ thế mà làm theo”.
Theo đạo diễn Trần Vi Mỹ: “Các cơ quan chức năng nên công bố rộng rãi danh mục bài hát bị cấm hay chưa được phép phổ biến, bằng cách lập một website để mọi người nhìn vào đó mà theo”.

 

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD: “Tôi xin nhận trách nhiệm”
“Với cương vị là Cục trưởng Cục NTBD, tôi thay mặt lãnh đạo Cục và cá nhân tôi xin nhận trách nhiệm rút kinh nghiệm trước lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và xin lỗi độc giả vì phương pháp làm việc của chúng tôi đã gây nên sự hiểu lầm bức xúc cho bạn đọc. Trước mắt, chúng tôi đã trao đổi với Trung tâm công nghệ thông tin trực thuộc Bộ để tháo gỡ 300 bài hát được phổ biến rộng rãi vừa cập nhật.
Về phương pháp, có 2 phương pháp: Thứ nhất, cập nhật những bài hát đã phổ biến rộng rãi. Thứ hai, cập nhật những bài hát cấm như ý kiến của nhiều người. Trong chỉ đạo của Phó thủ tướng có một ý rất rõ mà chúng tôi sẽ quyết liệt thực hiện. Đó là đối với những ca khúc đã được phổ biến trong đời sống xã hội mà không vi phạm thuần phong mỹ tục, không vi phạm đạo đức xã hội, không đi ngược lợi ích thì sẽ không cấp phép nữa. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc việc này và sẽ có hướng dẫn với các sở VH-TT-DL.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng và Bộ trưởng, Cục sẽ không thực hiện cấp phép cho các ca khúc đã phổ biến rộng rãi, có nội dung tốt, không trái thuần phong mỹ tục, không đi ngược lợi ích đất nước. Cục cũng sẽ có văn bản hướng dẫn đối với các sở nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thẩm định tác phẩm khi cho phép tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật”.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh