CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:09

“Không có chuyện “bịa” chỉ tiêu lao động qua đào tạo”

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi:

Gần đây trên một số phương tiện truyền thông có đăng ý kiến cho rằng có việc “bịa” chỉ tiêu lao động qua đào tạo để cho đẹp báo cáo. Theo ông có hay không việc “bịa” chỉ tiêu lao động đã qua đào tạo?

Mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia chuẩn bị cho thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và đánh giá nửa nhiệm kỳ. Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong 12 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua cho năm 2018 có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt. 1 trong 4 chỉ tiêu đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế, kế hoạch giao là từ 58 - 60%, ước thực hiện 58,6%. Trong đó, tỷ lệ qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo số ước thực hiện đúng bằng số được giao là 23 - 23,5%.

Tôi cho rằng, chỉ tiêu lao động qua đào tạo có vị trí, vai trò lịch sử của nó. Cho đến giờ phút này nó đang còn có giá trị nhất định bởi đó chính là căn cứ để chúng ta không chỉ đánh giá chất lượng lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, mà còn có một bộ phận lao động được đào tạo ngắn hạn, được hướng dẫn kỹ thuật, cách thức làm ăn để đáp ứng yêu cầu sản xuất khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tuy nhiên, hiện quốc tế không dùng chỉ tiêu lao động qua đào tạo mà họ áp dụng chỉ tiêu lao động kỹ thuật qua đào tạo từ 3 tháng trở lên, được cấp chứng chỉ nghề nghiệp. Đó là nguồn lao động có chất lượng cao hơn, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên việc áp dụng một chỉ tiêu lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên được cấp chứng chỉ và phải qua trường lớp là yêu cầu cấp thiết.

Có ý kiến chuyên gia cho rằng, chỉ tiêu lao động đã qua đào tạo là "bịa", làm đẹp báo cáo là không phải. Tôi khẳng định lao động qua đào tạo của chúng ta trong những năm vừa qua và đến năm 2017 đạt 57%, đã góp phần quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao.

* Như vậy chỉ tiêu lao động qua đào tạo giữa chúng ta và quốc tế có sự khác nhau. Vậy nên hiểu thế nào cho đúng, thưa ông?

- Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang dùng một chỉ tiêu lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên được cấp chứng chỉ, bằng cấp, còn chỉ tiêu lao động qua đào tạo của nước ta hiện đã hết sứ mệnh lịch sử. Lao động qua đào tạo là một trong những chỉ tiêu pháp lệnh, được ghi trong Nghị quyết của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội. Thực tế, chỉ tiêu lao động qua đào tạo đã được sử dụng nhiều năm, Việt Nam là đất nước nông nghiệp và hiện đang chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp - xây dựng và dịch vụ nên chỉ tiêu lao động qua đào tạo là thước đo chuyển dịch cơ cấu lao động. Hiện chúng ta đang hướng đến mục tiêu đó.

* Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng 4.0. Theo ông chúng ta cần có những tính toán và thay đổi như thế nào để phù hợp với xu thế phát triển của chúng ta và thế giới?

- Chúng ta bước vào thời kỳ cách mạng 4.0, đòi hỏi tốc độ phát triển nguồn nhân lực cao hơn nữa để đáp ứng được những yêu cầu đặt ra. Hiện, quốc tế đang dùng 1 chỉ tiêu lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên và được cấp chứng chỉ. Vì vậy, chúng tôi đang đề nghị với Bộ LĐ-TB&XH và Bộ KH&ĐT nghiên cứu cân nhắc trình Chính phủ báo cáo Quốc hội để lựa chọn 1 phương án chỉ tiêu sao cho đảm bảo tính khoa học và tương thích với quốc tế làm chỉ tiêu pháp lệnh quốc gia. Còn với chỉ tiêu lao động qua đào tạo dưới 3 tháng sẽ để Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu để đưa vào chỉ tiêu của ngành LĐ-TB&XH như trước đây chúng ta đã từng tách chỉ tiêu tạo việc làm mới cho lao động thành tỷ lệ thất nghiệp lao động khu vực thành thị do Quốc hội giao và chỉ tiêu ngành là số việc làm mới được tạo ra trong năm.

Xin cảm ơn ông.

THIỀU VĂN LÝ (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh