CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:43

Hiểu về chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động việc làm

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp

Thưa Thứ trưởng, Tổ chức Lao động quốc tế(ILO) dùng những chỉ tiêu nào để đánh giá chất lượng nguồn lao động?

Để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực người ta phải dùng rất nhiều chỉ tiêu, không phải một chỉ tiêu đơn lẻ là có thể đo lường được nó. Đối với ILO, tôi thấy ít nhất có hai bộ chỉ tiêu đã được sử dụng.

Bộ chỉ tiêu thứ nhất là nằm trong bộ Các chỉ tiêu chính của thị trường lao động- Key Indicators of  Labour Market do ILO công bố hàng năm đối với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong bộ chỉ tiêu này, chỉ tiêu số 14- Trình độ cao nhất đạt được và tình trạng mù chữ của lực lượng lao động. (Educational attainment and illiteracy) phân loại lao động từ không được đi học, học tiểu học, trung học cho đến thạc sĩ, tiến sĩ. Việc chỉ tính trình độ đào tạo cao nhất cho phép không tính trùng khi người lao động tham gia nhiều trình độ đào tạo khác nhau, mỗi người lao động qua đào tạo chỉ tính một lần và phản ánh chính xác số lao động đã qua đào tạo ở trường lớp.

Hạn chế của chỉ tiêu này là phải chăng chỉ có trường lớp mới làm giàu kỹ năng cho người lao động và chỉ có lao động qua trường lớp mới đại diện cho chất lượng của nguồn lao động. Những người thợ cả, có kinh nghiệm làm việc 5-10 năm phải chăng kỹ năng không bằng một cậu phó nhỏ học nghề mộc 3 tháng? Những làng nghề nổi tiếng của Việt Nam với việc truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác- thí dụ như mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội) lại không bằng một khóa đào tạo nghề mây tre đan được cấp chứng chỉ tổ chức trong vòng 3-5 tháng? Ở đây có hai vấn đề. Một là nhấn mạnh việc chỉ những người có bằng cấp, chứng chỉ tức là phủ nhận truyền thống đào tạo qua truyền nghề, tập nghề, đào tạo tại nơi làm việc của nhiều dân tộc trên thế giới trong đó có Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Hai là có hơi hướng của việc sính bằng cấp.

 

Lao động lành nghề và qua đào tạo nghề có nhu cầu tuyển lớn

Chính vì vậy, ILO cũng có bộ chỉ tiêu thứ hai là Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp được hoàn thiện và công bố nhiều lần và lần công bố gần đây nhất là năm 2008. Bộ tiêu chuẩn này thường được biết đến như là ISCO-08 (International Standard Classification of Occupations).  Theo bộ tiêu chuẩn này, lao động được chia thành các nhóm có kỹ năng cao, kỹ năng trung bình và không có kỹ năng. Với cách phân loại này đã khắc phục được hạn chế của việc phân loại lao động chỉ căn cứ vào bằng cấp mà họ đạt được, đã thừa nhận việc đào tạo tại nơi làm việc có  vai trò quan trọng trong biến người lao động không lành nghề thành người lao động lành nghề, mà việc truyền nghề này diễn ra liên tục, phù hợp với việc xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của UNESCO là “Giáo dục phải được tiến hành và tiếp thu bằng nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng không phải là học theo cách nào mà là học cái gì và học được cái gì”.

Tất nhiên là hai bộ chỉ tiêu này bổ sung cho nhau và ILO cũng như các nước thành viên của ILO hiện nay vẫn đang sử dụng. Không có chỉ tiêu nào kết thúc sứ mệnh lịch sử cả .Việc học qua trường lớp là quan trọng vì ở đó các kinh nghiệm, kỹ năng đã được đúc kết thành chương trình đào tạo, thành bài giảng giúp cho việc hiểu biết lý thuyết và nâng cấp kỹ năng được nhanh hơn.

Soi vào thực tiễn của Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung chính là tính tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp dưới tên gọi tỷ lệ lao động có kỹ năng từ trung bình trở lên vì đã tính đến cả số lao động qua đào tạo tại nơi làm việc. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ chính là tính theo chỉ tiêu số 14 về trình độ giáo dục cao nhất đạt được trong bộ chỉ tiêu về thị trường lao động.

 

Thi sinh đoàn Việt Nam dự thi tay nghề Asean

Vậy thì những bàn luận về tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ như những bàn luận vừa qua về bản chất là gì, thưa Thứ trưởng?

          Trước hết phải nói rằng chỉ tiêu lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đã được đề cập trong trong các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng. Luật thống kê năm 2015 ban hành kèm theo 186 chỉ tiêu quốc gia, trong đó có chỉ tiêu “tỷ lệ lao động đã qua đào tạo” (mã số 0203). Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020) đưa ra mục tiêu: “Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%”. Nghị quyết số 48/2017/QH14 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 đã đưa ra 12 chỉ tiêu kinh tế- xã hội, trong đó chỉ tiêu số 8 là “Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58% - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23% - 23,5%”.

Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020  ban hành theo Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011, Chiến lược phát triển giáo dục thời kỳ 2011- 2020 ban hành theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012, và Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011- 2020 ban hành  theo Quyết định số 630 ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo. Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 2/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia có chỉ tiêu “tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo” do Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.

Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật Thống kê quy định người qua đào tạo gồm hai nhóm.

Nhóm thứ nhất là người đã được đào tạo ở một trường hay một cơ sở đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 03 tháng trở lên và đã tốt nghiệp, đã được cấp bằng/chứng chỉ chứng nhận đạt một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định, gồm sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp, đại học và trên đại học (thạc sỹ, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học).

Nhóm thứ hai là người chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng do tự học, do được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên họ đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với bậc 1 của công nhân kỹ thuật có bằng/chứng chỉ cùng nghề và thực tế đã từng làm công việc này với thời gian từ 3 năm trở lên (hay còn gọi là công nhân kỹ thuật không bằng/chứng chỉ).

Nhóm thứ nhất thì theo đúng cách phân loại lực lượng lao động theo chỉ tiêu số 14 trong Bộ chỉ tiêu cơ bản của thị trường lao động (KILM) theo hướng dẫn của ILO. Nhóm thứ hai thì theo đúng hướng dẫn trong Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp – ISCO-08 cũng của ILO. Vì vậy có thể khẳng định rằng các chỉ tiêu tính toán của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tôi nghe Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội báo cáo lại là Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, khi được hỏi về các tranh luận xung quanh các chỉ tiêu này đã đưa ra lời khuyên, Việt Nam với tư cách là một thành viên của ILO nên tuân thủ những hướng dẫn của ILO. Hướng dẫn của ILO là sử dụng cả hai chỉ tiêu, bổ sung cho nhau để đánh giá đúng chất lượng nguồn nhân lực và hiện nay chúng ta đang làm như vậy. Vậy thì đừng hốt hoảng khi thấy có những bình luận xung quanh việc phải kết liễu chỉ tiêu này hoặc chỉ dùng chỉ tiêu nọ. Quan điểm của cá nhân tôi, phù hợp với hướng dẫn của ILO là phải sử dụng đồng thời cả hai chỉ tiêu, tất nhiên có thể chỉnh sửa tên gọi cho phù hợp.

 

 

 Thi sinh đoàn Việt Nam dự thi tay nghề Asean

 

Thưa Thứ trưởng, về độ tin cậy của chỉ tiêu lao động qua đào tạo, có ý kiến cho rằng các con số đưa ra là "bịa hoặc lừa thiên hạ". Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Có lẽ những người đưa ra ý kiến đó không phải là người trong cuộc và chưa tìm hiểu kỹ các chỉ tiêu này được tính toán và báo cáo như thế nào. Từ năm 2014, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao nhiệm vụ thu thập, tổng hợp chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo”, và việc này Bộ giao Cục Việc làm thực hiện, không giao Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

Để tổng hợp tính toán chỉ tiêu này, Cục Việc làm dựa trên cơ sở Dữ liệu Cung lao động được cập nhật hằng năm do Cục Việc làm triển khai từ năm 2010 trở lại đây. Cơ sở dữ liệu cung lao động gồm có các thông tin cơ bản về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục – đào tạo, tình trạng hoạt động kinh tế của người lao động, do Ủy ban Nhân dân cấp xã triển khai thu thập, cập nhật dữ liệu hàng năm và hiện có thông tin của 21 triệu hộ gia đình. Từ cơ sở dữ liệu cung lao động cho biết được chi tiết trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất mà người lao động đạt được, theo đó, tỷ lệ này qua các năm như sau: năm 2014 là 49,14%; năm 2015- 52,60%; năm 2016- 53,00%; năm 2017- 56,10% và ước tính năm 2018 là 58,60%.

Như vậy, số liệu công bố về tỷ lệ lao động qua đào tạo là hoàn toàn có cơ sở, từ dữ liệu của 21 triệu hộ gia đình  chứ không ai bịa ra số liệu này cả và không lừa thiên hạ.

Thưa Thứ trưởng, hàng năm Tổng cục Thống kê đều tổ chức điều tra lao động việc làm. Bộ LĐ-TBXH có đối chứng với các số liệu do Tổng cục Thống kê điều tra không để đảm bảo độ tin cậy của số liệu ?

Xin thông tin với nhà báo là hàng quý, Tổng cục Thống kê đều tổ chức điều tra chọn mẫu về lao động việc làm. Phiếu điều tra lao động việc làm hàng năm đã thiết kế các câu hỏi liên quan để có thể tính toán được chỉ tiêu lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ, không có bằng cấp chứng chỉ và đã (áp dụng hệ thống tiêu chuẩn phân loại nghề nghiệp quốc tế của ILO. Đó là các câu hỏi số 14, 15, 24 và 61 trong phiếu điều tra năm 2017. Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã tổ chức phân tích các số liệu từ điều tra này và cho thấy theo kết quả điều tra năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo 38,09%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng/chứng chỉ là 21,73%; tỷ lệ lao động là CNKT không có bằng/chứng chỉ hay có kỹ năng/chứng chỉ nghề dưới 3 tháng là 16,36%.  Mặc dù vậy, 22,24% những người hiện đang làm những công việc có kỹ năng trung bình hoặc cao hơn từ 3 năm trở lên không được tính là lao động qua đào tạo mà lẽ ra, theo quy định tại Nghị định 97, phù hợp với phân loại của ILO, họ phải được tính là lao động được đào tạo tại nơi làm việc. Nếu trừ đi 2,7% người đang làm các công việc có kỹ năng giản đơn nhưng lại có trình độ trung cấp, cao đẳng, thậm chí sau đại học.  Vì thế tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt nam năm 2017 thực chất phải là 57,63% và số có bằng cấp, chứng chỉ là 22,3% . Con số của Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội báo cáo là 56,1% cho năm 2017. 

Nếu tính theo Tiêu chuẩn quốc tế phân loại công việc theo kỹ năng từ số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê thì khoảng 11,51% lao động Việt Nam có kỹ năng cao, khoảng 50,65% lao động có kỹ năng trung bình và hơn 36,67%% thuộc kỹ năng thấp. Nói cách khác, khoảng 63% lao động được xếp loại có kỹ năng trung bình trở lên do được đào tạo từ trường lớp hoặc được đào tạo tại nơi làm việc.

Đưa ra các con số này để thấy, số liệu cập nhật từ cơ sở dữ liệu Cung lao động do Bộ Lao động tổ chức và số liệu điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê tiến hành là không có mâu thuẫn, tương đối đồng nhất. Tôi cho rằng đừng quá tự ti về chất lượng lao động của Việt Nam khi có người nói chỉ có 23% lao động qua đào tạo vì cách nhìn như vậy là phiến diện và chưa đầy đủ.

 

Phương thức phát triển chiến lược dạy nghề tại Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động

Liên quan đến đào tạo nghề, có ý kiến cho rằng có người ở Mèo Vạc- Hà Giang được đào tạo đến 3 nghề, chẳng nghề nào gắn với nhau gây lãng phí

Trước hết tôi phải nói với bạn rằng việc một người phải làm nhiều nghề, nhiều việc cũng là bình thường không chỉ ở Việt Nam và cả trên thế giới. Chuyên gia nào nói như vậy có lẽ không phải chuyên gia về kinh tế lao động, kinh tế việc làm.

Luật pháp các nước đều có quy định về người làm việc không trọn thời gian, người làm việc với nhiều người sử dụng lao động. Phiếu khảo sát về lao động-việc làm của các nước và của Việt Nam đều có câu hỏi về việc làm chính và thời gian, thu nhập từ việc làm chính; các việc làm thứ hai, thứ ba và thu nhập từ việc làm thứ hai, thứ ba. Nói vậy để thấy đây không phải là hiện tượng hiếm gặp.

Ngay tại Việt Nam, Điều 34 Bộ Luật lao động quy định về người lao động làm việc không trọn thời gian; Khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội quy định người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng BHXH đối với hợp đồng lao động đầu tiên. Làm nhiều công việc ở khu vực nông thôn cũng để tận dụng hết thời gian là bình thường. Do vậy, biết nhiều nghề, biết làm nhiều công việc không phải là hiện tượng cá biệt; và để thực sự nâng chất lượng nhân lực, sử dụng đầy đủ thời gian lao động, việc một người lao động học nhiều nghề cũng là cần thiết. Thí dụ có người học chụp ảnh để hành nghề vào dịp lễ hội, đám cưới, ngày tết, sẽ chữa xe máy khi có khách vì ở nông thôn miền núi cũng không thể là công việc hàng ngày do dân cư thưa thớt, xe máy ít mà chỉ khi khách có nhu cầu, do vậy vẫn cần làm công việc khác như làm ruộng, buôn bán. Nói thêm là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Giang báo cáo với tôi là Sở chưa tổ chức dạy nghề nhiếp ảnh, sửa chữa máy vi tính ở huyện Mèo Vạc như dẫn chứng mà vị chuyên gia này đưa ra.

Có ý kiến nói rằng không nên giao các chỉ tiêu dạy nghề vì lãng phí và chỉ để nuôi sống các cơ sở dạy nghề. Ý kiến Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

          Tôi cho rằng đây là ý kiến cực đoan. Chất lượng nguồn nhân lực là một trong các yếu tố quyết định tiềm lực quốc gia, là một trong những nguồn vốn quan trọng nhất, đóng góp vào việc quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trách nhiệm của Nhà nước là gì nếu không chăm lo cho nâng cao chất lượng nhân lực thông qua xây dựng và tổ chức các chương trình, kế hoạch đào tạo cho người dân? Chất lượng nhân lực có thể được nâng cấp thông qua đào tạo tại trường lớp và đào tạo tại nơi làm việc. Đào tạo tại trường lớp giúp cho nâng cấp kiến thức, lý thuyết lý luận nhanh hơn, bài bản hơn rất nhiều, tiết kiệm thời gian và công sức của người học, người dạy. Thực hành tại nơi làm việc giúp cho kỹ năng hoàn thiện nhanh hơn. Đó là đào tạo lấy bằng cấp, chứng chỉ. Tất nhiên vẫn rất coi trọng đào tạo thông qua công việc, nhưng cả thế giới này vẫn phải tổ chức đào tạo, cấp bằng đó thôi.

Nói thêm là trong bối cảnh thị trường lao động biến động nhanh chóng, nhu cầu về kỹ năng thay đổi rất nhanh, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động phải thay đổi việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp thường xuyên hơn và do đó nhu cầu đào tạo nâng cao và đào tạo lại (ngắn hạn) là rất lớn. Ngay cả nhiều các khóa đào tạo ngắn hạn đã giúp người nghèo cải thiện được sinh kế, giúp người nông dân nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng, chuyển đổi việc làm, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập. Tuy vậy, trong quá trình triển khai ở một số địa phương vẫn còn nhiều bấp cập về lựa chọn đối tượng đi học, chọn nghề để mở lớp đào tạo, chất lượng đào tạo dẫn đến hiệu quả không cao, thậm chí có sự phản ứng của đối tượng. Điều đó là có song không có nghĩa là phủ nhận sạch trơn các chính sách và chương trình đào tạo nghề nói chung và cho các đối tượng chính sách, các đối tượng yếu thế nói riêng.

 

                                                                                                     lực lượng lao động Việt Nam đang từng bước đáp ứng  nhu cầu của doanh nghiệp. 

Câu hỏi cuối cùng về chỉ tiêu tạo việc làm và chỉ tiêu giải quyết việc làm. Thứ trưởng có thể nói đôi chút về các chỉ tiêu này.

Chỉ tiêu về việc làm mãi mãi là chỉ tiêu quan trọng đối với các quốc gia, chỉ có điều thiết kế chỉ tiêu như thế nào để đo đếm được và kiểm chứng được. Trên bình diện toàn cầu, Lao động quốc tế có Chương trình Nghị sự toàn cầu về việc làm (Global Employment Agenda khởi động từ năm 2000; Chương trình việc làm cho thanh niên (Youth Employment Programme) khởi động từ năm 2005; Một nghiên cứu của ILO cũng chỉ ra bao nhiêu việc làm mới được tạo ra, bao nhiêu việc làm bị mất đi ở từng lĩnh vực dưới tác động của tự động hóa, robot hóa, trí tuệ nhân tạo được áp dụng vào sản xuất đối với các nước ASEAN.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thuyết phục cử tri Mỹ về nước Mỹ trên hết, đưa việc làm về nước Mỹ và rất tự hào trong từng quý dưới nhiệm kỳ của mình đã tạo được thêm bao nhiêu việc làm. Nước Mỹ cũng có bảng đánh giá việc làm tạo ra trong 24 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, từ nhiệm kỳ 1921-1925 các đời Tổng thống Mỹ của Harding/ Coolige với 4,5 triệu việc làm được tạo ra cho đến Tổng thống Barack nhiệm kỳ 2009-2013 tạo ra 1,213 triệu việc làm, nhiệm kỳ 2013-2017 tạo ra 10,288 triệu việc làm và đang theo dõi nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Có thể xem các số liệu này tại https://en.wikipedia.org/ wiki/Jobs_created_during_U.S._presidential_terms. Ngay cả số việc làm tạo ra trong nhiệm kỳ thứ hai của Barack Obama cao gấp 9 lần số việc làm trong nhiệm kỳ thứ nhất mà cũng không gây cho dân Mỹ ngạc nhiên, Ở Việt Nam, chắc Barack Obama sẽ phải giải trình rất vất vả tại sao như vậy.

Trung Quốc cũng đưa ra các số liệu về việc làm mới được tạo ra. Thí dụ, Trung Quốc đã tạo ra được 65 triệu việc làm mới trong 5 năm từ 2012-đến 2017, xem tại http://www.xinhuanet.com/english/2017-12/28/c_136857845.htm; tạo 13,51 triệu việc làm năm 2017, xem tại https://gbtimes.com/china-exceeded-its-annual-job-creation-target-in-2017.

Nói thế để thấy rằng thành tựu tạo việc làm là thành tựu mà mọi nước đều quan tâm, không nên ngạc nhiên và nghi ngờ việc các nước công bố chỉ tiêu tạo việc làm mới.

Đối với lĩnh vực việc làm, có ba chỉ tiêu là tổng số việc làm mới được tạo ra, tổng số việc làm mất đi, tổng số việc làm tăng thêm (bằng  số mới được tạo ra trừ số bị mất đi), nhưng định nghĩa phải rõ ràng. Đây chính là thước đo thành tựu việc làm của nền kinh tế; và được tính toán khoa học, như khảo sát doanh nghiệp, suy rộng, xây dựng mô hình/ công thức để ước tính.

Thời gian qua, Việt Nam dùng khái niệm có thể gây nhầm lẫn như số người được giải quyết việc làm và cách tính chưa thực sự khoa học và cần sửa đổi cùng với định nghĩa rõ ràng, tránh hiểu nhầm và gây nghi ngờ.

Thí dụ khi kinh tế trồi sụt, số người được giải quyết việc làm tại sao lại cau thế. Rất dễ hiểu, số người được giải quyết việc làm tăng vì sa thải nhiều, mất việc lắm, phải làm việc mới với chất lượng không cao, làm việc ở khu vực phi kết cấu thay vì làm việc ở doanh nghiệp. Kinh tế càng ổn định, hợp đồng lao động càng bền vững thì số lượng người có yêu cầu giải quyết việc làm sẽ không tăng đột biến. Tuy nhiên, số người được giải quyết việc làm là chỉ tiêu quản trị thị trường, không phải là chỉ tiêu đo thành tựu của nền kinh tế.

Mặc dù hiện nay chỉ tiêu số người được giải quyết việc làm không còn là chỉ tiêu quốc gia, nhưng để đo lường thành tựu việc làm của phát triển kinh tế-xã hội vẫn cần nghiên cứu hoàn thiện phương pháp tính và công bố các chỉ tiêu việc làm mới tạo ra, việc làm mất đi, việc làm tăng thêm. Chỉ tiêu số người giải quyết việc làm có lẽ nên chỉ sử dụng trong nội bộ ngành lao động để quản trị thị trường, đo lường mức biến động của thị trường lao động.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này

Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh