CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:18

Không ai muốn sinh con lành nuôi con què…

 

Tai nạn thương tích trẻ em có thể phòng tránh được

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Không ai muốn sinh con lành nuôi con què. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó có những vụ tai nạn thường tích xảy ra, đau lòng hơn khi có những gia đình mất 2 – 3 đứa con 1 lúc. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa cũng xảy ra những trường hợp đau lòng, trẻ rơi từ chung cư cao tầng. Nỗi đau không gì có thể sánh được đối với những gia đình mất con vì tai nạn thương tích. Đồng thời, tai nạn thương tích trẻ em cũng là gánh nặng của xã hội. Tai nạn thương tích là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Mỗi ngày hàng trăm em bị tai nạn thương tích, trong đó, có khoảng 20 em tử vong”.

Cũng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, Việt Nam có nhiều nỗ lực phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Sau những năm triển khai với sự phối hợp với các tổ chức quốc tế đã đạt 1 số kết quả: Nhận thức cộng đồng được nâng lên; Quy trình tiêu chuẩn liên quan phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường, gia đình được ban hành; Các bộ, ngành, đoàn thể ban hành chương, kế hoạch thực hiện phòng chống tai nạn thương tích trẻ em và chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch đã ban hành. Đến nay, cả nước đã có 3 triệu ngôi nhà an toàn, 5.000 trường, 1.000 xã phường, thị trấn an toàn. Trẻ em cấp áo phao, nhắc nhở đội mũ bảo hiểm  khi tham gia giao thông. Tuy nhiên đạt được tiêu chuẩn an toàn nhưng có thật sự an toàn không phụ thuộc rất nhiều và ý thức của mỗi gia đình, nhà trường và cộng đồng. Tỷ suất tử vong vì tai nạn thương tích trẻ em có giảm nhưng hiện vẫn ở mức cao do thiếu kiến thức cũng như do sự bất cẩn của người lớn. Trang thiết bị an toàn chưa phổ biến, môi trường sống thiếu an toàn, sự quan tâm của địa phương, cũng như nguồn kinh phí cho phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em còn thiếu, được xem là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn thương tích trẻ em vẫn còn cao.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan trao đổi với các đại biểu tại hội thảo

 

Thứ trưởng Đào Hồng Lan khuyến cáo: “Hầu hết các vụ tai nạn thương tích trẻ em đều có thể phòng tránh được nếu chúng ta quan tâm nhiều hơn. Người dân ở vùng sông nước nếu có một chiếc cũi để con vào trong đó thì tránh được tình trạng cháu bé bò ra bờ ao, bờ sông có thể thể bị rơi xuống nước. Hay các chung cư cao tầng nếu có quy chuẩn kỹ thuật an toàn, người lớn ý thức không cho trẻ nhỏ ở nhà một mình sẽ tránh được tình trạng trẻ bị rơi từ tầng cao xuống đất...”.

Cần 670 tỷ đồng phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em

Theo số liệu từ Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), trong 5 năm trở lại đây, tỷ suất tử vong do tai nạn thương tích đã có xu hướng giảm, tuy nhiên mức giảm không nhiều và vẫn còn đang ở mức rất cao. Trong đó, nguyên nhân tử vong trẻ em do đuối nước chiếm 12,24%. Nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em việt Nam bị tử vong và tàn tật do tai nạn thương tích gây ra trong giai đoạn 5 năm tới, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020. Dự kiến, tháng 12 tới, sẽ trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình. Mục đích của Chương trình nhằm từng bước hạn chế tình hình mắc và tử vong do tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt với các tai nạn có nguy cơ tử vong cao như đuối nước và tai nạn giao thông, tập trung vào những địa điểm thường xảy ra tai nạn, thương tích đối với trẻ em như tại gia đình, trường học và nơi công cộng nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

Các tai nạn thương tích trẻ em đều có thể phòng tránh

 

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết, dự thảo Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 đề xuất xây dựng thực hiện 7 dự án. Dự án về truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hanh vi của cộng đồng xã hội, nâng cao năng lực; Xây dựng ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em; Xây dựng trường học an toàn phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em; Xây dựng mạng lưới cấp cứu chấn thương trước viện và cộng đồng an toàn; Dự án phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em; Phòng chống đuối nước cho trẻ em; Dự án xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về tình hình tai nạn thương tích trẻ em.

Nhu cầu kinh phí của Chương trình trong 5 năm (2016-2020) là 670 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 160 tỷ đồng; ngân sách địa phương 420 tỷ đồng và huy động nguồn lực quốc tế, lồng ghép các chương trình dự án là 90 tỷ đồng.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh