Khởi sắc tại buôn căn cứ Cách mạng
- Dược liệu
- 17:28 - 19/09/2018
Những căn nhà dài ngày nay tại buôn Cháy năm xưa
Buôn Ea M'dróh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk được người dân quen gọi với cái tên buôn Cháy. Bởi trong kháng chiến chống Mỹ, đồng bào nơi đây một lòng đi theo tiếng gọi của Đảng, đóng góp sức người, lương thực, của cải vật chất phục vụ cho cách mạng, nuôi dưỡng, che dấu nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo của Đảng, nên giặc điên cuồng đốt cháy trụi cả buôn, tên buôn cháy cũng xuất phát từ đó. Bà con phải di tản sang ở rải rác với các buôn xung quanh nhưng vẫn bị địch thường xuyên truy lùng gắt gao. Vững một lòng tin theo Đảng, cách mạng, từ năm 1963 bà con trong buôn tập trung về khu căn cứ Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục hoạt động cách mạng và năm 1967, một lần nữa lại bị địch dồn về sống tập trung ở Buôn Đôn. Đất nước thống nhất, nhiều gia đình trở về buôn cũ sinh sống, xây dựng cuộc sống mới trên đống tro tàn, đồng bào nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Song cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự đoàn kết phát huy truyền thống cách mạng, ban đầu, cả buôn chỉ có hơn 30 nhà mái tranh, vách nứa xiêu vẹo, cuộc sống đói nghèo, lam lũ. Năm 1994, được sự giúp đỡ của Tiểu đoàn 303, thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, đóng quân ở xã Ea Kiết cùng huyện về dựng nhà tặng bà con.
Ông Ama Tâm – Trưởng buôn cho biết: “Bộ đội đã dựng được 66 căn nhà dài truyền thống, tặng bà con. Ngoài làm nhà bộ đội còn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào 33 giếng sinh hoạt cho các gia đình, dạy chữ cho bà con... nhờ đó cuộc sống ngày càng khởi sắc”.
Chị H’Tuân Byă phơi cà phê thành quả áp dụng KHKT-công nghệ vào sản xuất
Đồng bào buôn Ea M'dróh đã từng bước khắc phục vượt qua khó khăn, những hố bom bãi mìn năm nào đã được san lấp trở thành ruộng lúa, luống khoai, đặc biệt những năm gần đây với hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn chỉnh, nhiều diện tích đất trước kia chỉ trồng được 1 vụ lúa nay đã chuyển sang làm 2 vụ cho hiệu quả cao, chung sức xây dựng buôn làng ngày một phát triển. Buôn Ea M'dróh xã Ea M'dróh hiện có 257 hộ gia đình với 1.354 nhân khẩu, trong đó trên 70% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Từ những chương trình khuyến nông do huyện, xã tổ chức đã giúp đồng bào nắm bắt và áp dụng các tiến bộ KHKT-CN vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi các diện tích hoa màu sang các loại cây nông nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như cà phê, điều, hồ tiêu.
Sau 43 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đến nay diện mạo buôn Ea M'dróh xã Ea M'dróh đã có những thay đổi khá rõ nét. Nhiều hộ gia đình đã có của ăn, của để, đầu tư mua sắm được các phương tiện sinh hoạt và sản xuất hiện đại. Toàn buôn phấn đấu đoàn kết hỗ trợ giúp nhau trong phát triển kinh tế, để không còn hộ nghèo. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, đồng bào buôn Ea M'dróh còn chú trọng quan tâm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Đặc biệt, người dân nơi đây luôn gìn giữ, tôn tạo các ngôi nhà sàn truyền thống như kỷ vật của Tiểu đoàn 303 hỗ trợ xây dựng năm xưa dù bị cũ mòn, mục nát theo thời gian. Trong 66 ngôi nhà được Tiểu đoàn 303 hỗ trợ xây dựng, hiện đồng bào trong buôn còn giữ gìn được 61 ngôi nhà (05 ngôi nhà do bị xuống cấp trầm trọng nên buộc phải tháo dỡ).
Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, 100% số hộ đồng bào trong buôn có điện phục vụ đắc lực cho sinh hoạt và sản xuất, con em trong độ tuổi đều được đến đến lớp, đến trường, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào trong buôn ngày được khởi sắc. Phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết cùng nhau bàn bạc và tổ chức ra mắt đăng ký xây dựng buôn văn hóa, phấn đấu đến cuối năm 2018 đạt chuẩn buôn văn hóa.
Học sinh đến trường được đi trên con đường thảm nhựa phẳng lì
Trong những ngôi nhà dài truyền thống giờ đây không những có điện chiếu sáng, xem ti vi, nghe đài mà còn sử sụng thành thạo thiết bị công nghệ hiện đại nắm bắt thông tin. Tuyến đường liên xã đến trung tâm huyện được nhựa hóa thuận tiện cho việc đi lại, giao thương kinh tế.
Buôn trưởng Ama Tâm không giấu được niềm vui: “So với mấy chục năm về trước, buôn Ea M’droh đổi thay nhiều lắm, buôn đã có trường mầm non, có nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang rộng rãi, có công trình nước sạch ngay cạnh nhà văn hóa. Cả buôn bây giờ ai cũng được dùng nước sạch, lũ trẻ đến trường cũng sướng hơn, được đi trên những con đường thảm nhựa phẳng lì. Người dân trong buôn giờ đã có của ăn của để, biết tập trung đầu tư cho con em đi học nhiều hơn”. Ama Tâm nhẩm tính: Buôn hiện có con em đang theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học trên cả nước, trong tương lai các em sẽ là những cán bộ chủ chốt của địa phương.
Gia đình A Mí H'Duyên là một trong những gia đình có cuộc sống khá giả, tâm sự với chúng tôi: Trước đây cuộc sống của gia đình bà rất khó khăn, hàng ngày phải đi làm thuê cho các hộ gia đình khác để trang trải cuộc sống. Song với sự cần cù chịu khó, không để cái đói cái nghèo đeo bám, giờ đây gia đình A Mí H'Duyên đã có hơn 01 ha đất trồng cà phê và hồ tiêu. Trong những năm qua, nhờ biết áp dụng các tiến bộ KHKT-CN vào sản xuất nên vườn cây đã cho năng suất cao, sau khi trừ chi phí đầu tư hàng năm gia đình bà thu được trên 100 triệu đồng. Tuy cuộc sống đã dần khá giả, nhưng gia đình bà vẫn giữ ngôi nhà sàn truyền thống do Tiểu đoàn 303 hỗ trợ xây dựng.
Dừng chân trước ngôi nhà dài truyền thống của Cựu chiến binh - thương binh Y Hat Rya (SN 1938), ông chia sẻ: Những năm kháng chiến chống Mỹ, buôn Ea M’droh là căn cứ nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng, nhiều lần địch về buôn lùng sục tìm bắt cán bộ, chiến sĩ của ta. Chúng ra sức dụ dỗ không được thì đánh đập, không có cách gì để khuất phục, vào năm 1961 chúng phóng hỏa đốt cháy cả buôn hòng xua đuổi không cho bà con ở. Toàn bộ nhà cửa trong buôn bị thiêu rụi, từ đó quen gọi là buôn Cháy, bà con phải di tản rải rác ở nhiều nơi như xã Cư Kbang (huyện Ea Súp), huyện Buôn Đôn… nhưng vẫn một lòng theo cách mạng”.
Trong ánh chiều tà, bà con trên nương rẫy về quây quần bên ngôi nhà dài truyền thống trò chuyện nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc. Chị H’ Tuân Byă tâm sự: “Em là thế hệ thứ 3 sinh sống trong căn nhà bộ đội làm tặng. Từ nhỏ em đã được nghe ông bà, cha mẹ kể về lịnh sử hào hùng của buôn. Theo phong tục của dân tộc Ê Đê, ngôi nhà dài là ngôi nhà thiêng liêng cho đại gia đình, trong gia đình có con gái lấy chồng sẽ nới nhà dài thêm một gian. Bây giờ xã hội hiện đại nhiều nơi không còn giữ được nếp nhà dài truyền thống, họ làm nhà bê tông hoá hoặc tách ra ở riêng không còn ở nhiều thế hệ như nơi đây. Ông Y Kim Êban (SN 1968) bố H’Tuân tiếp lời: “Nơi đây đã có lịch sử hào hùng, mình phải bảo vệ nét văn hoá của dân tộc mình để cho con cháu sau này hiểu và quý trọng”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết – Phó chủ tịch UBND xã Ea M’droh cho biết: “Hiện nay 66 căn nhà dài bộ đội làm tặng bà con vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều gia đình khá giả có nhà xây, nhưng họ vẫn giữ căn nhà dài. UBND xã cũng đã có đề án xây dựng khu du lịch thác nước Dray Dlông gắn với buôn căn cứ Ea M’droh. Nếu đề án được cấp trên phê duyệt thì buôn sẽ là địa chỉ “đỏ” để giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống yêu nước của nhân dân trong buôn”.