Để khởi nghiệp thành công, chỉ đam mê thôi chưa đủ
- Giáo dục nghề nghiệp
- 03:45 - 20/03/2017
Các diễn giả trả lời thắc mắc của sinh viên. ẢNH: H.BÌNH
Đây là lý do Hội Sinh viên (SV) VN tổ chức tọa đàm “Start-up từ ý tưởng đến hiện thực” ngày 18/3, qua đó khơi dậy tiềm năng và thế mạnh của SV VN.
Từ kinh nghiệm của một người khởi nghiệp thành công, anh Phan Văn Học, Chánh văn phòng Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp T.Ư Đoàn, chia sẻ: “Các bạn nên định vị lại xem mình có những gì, thiếu những gì và có thế mạnh gì để phát huy cốt lõi của bản thân. Từ đó, các bạn xây dựng mục tiêu cho mình. Khi đã có ý tưởng, chúng ta xem ý tưởng đó có bán được ra ngoài không? Điểm mạnh và điểm yếu của ý tưởng, sự khác biệt với các ý tưởng khác, có sự cạnh tranh với ý tưởng khác hay không?”. Theo anh Học, “bắt đầu đã khó, đoạn giữa cũng khó, kết thúc còn khó hơn, các bạn phải đam mê mới có thể vượt qua những khó khăn trong khi khởi nghiệp”.
Tại diễn đàn, nhiều bạn trẻ bày tỏ khát vọng, đam mê khởi nghiệp. Song trên thực tế, có những SV vay mượn tiền của bố mẹ, bạn bè để khởi nghiệp và đã thất bại. “Đây là một cú sốc rất lớn với người trẻ, vậy chúng ta có nên tiếp tục khuyến khích SV cứ khởi nghiệp đi, không có gì để mất?”, một bạn trẻ đặt câu hỏi.
Anh Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Không gian làm việc chung UP, cho rằng: “Không có một tuổi nào khởi nghiệp mà thành công ngay. Tuy nhiên, SV là thời điểm dễ và thuận lợi nhất để khởi nghiệp và cũng mất ít nhất. Việc thất bại và mất vốn là những rủi ro không tránh khỏi. Cái mình mất có thể là vốn, nhưng bù lại chúng ta có kiến thức. Về mặt nào đó, chúng ta không thất bại, những cái mất đi là những cái đánh đổi cho con người mình tiến bộ, để một ngày nào đó chúng ta làm được những việc lớn, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Tôi khuyên các bạn đừng nên vay mượn gia đình, bạn bè mà hãy tìm đến người tin tưởng mình để thuyết phục, họ sẽ sẵn sàng đầu tư cho mình”.
Còn theo anh Nguyễn Minh Triết, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội SV VN, để khởi nghiệp thành công, có đam mê và ý tưởng thôi chưa đủ, cần có sự thức thời trong kinh doanh, khả năng thuyết phục nhà đầu tư và huy động vốn. “Con đường đi đến ước mơ, từ ý tưởng đến hiện thực, đối với người trẻ tuổi khởi nghiệp cũng không hẳn dễ dàng, đặc biệt là đối với SV. Trong thời gian tới, Hội SV tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa giúp bạn trẻ mở chìa khóa cho những băn khoăn, giúp các bạn có thêm kiến thức, kinh nghiệm để vững tin hơn trên bước đường khởi nghiệp, biến ý tưởng lâu nay đang ấp ủ thành hiện thực”, anh Triết chia sẻ.
“Không thạo việc lặt vặt, khó có thể thành công”
Bạn Lê Bá Thành Đạt, SV ĐH Kinh tế quốc dân, bộc bạch: “Chúng em đang có kế hoạch xây dựng CLB start-up tại trường, tạo ra sân chơi cho các bạn SV. Chúng em muốn được chia sẻ và tạo cơ hội để hoạt động hiệu quả”.
Trả lời đề xuất này, anh Đỗ Hoài Nam cho hay, một trong những lý do VN có nhiều người tài nhưng khởi nghiệp thành công ít là bởi thiếu sự cọ xát, thiếu tiếp cận thông tin, nguồn vốn, kinh nghiệm. “Đa phần các bạn khởi nghiệp không nắm được hành lang pháp lý, nhiều khi vi phạm mà không biết. Dù có tài nhưng không thạo những việc lặt vặt đó, khó có thể thành công. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ địa điểm, kiến thức, trang bị kỹ thuật... tạo ra một môi trường thuận lợi nhất cho các bạn học hỏi kinh nghiệm, để khi ra đời quản lý, điều hành công ty thành công”, anh Nam nói.
Vấn đề tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp dành cho SV cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm. Bạn Đào Thanh Bình, ĐH Kinh tế quốc dân, đặt câu hỏi: “Chúng em muốn biết T.Ư Hội SV VN và các nhà tài trợ có hỗ trợ gì cho các cuộc thi khởi nghiệp để có những thành quả tích cực?”.
Anh Đỗ Hoài Nam cho biết thị trường start-up VN không thiếu tiền, chỉ thiếu ý tưởng. Thông qua các cuộc thi, các nhà đầu tư hy vọng tìm kiếm những gương mặt sáng giá để rót vốn, vì vậy cơ hội nhận được vốn đầu tư ở VN không khó. Mỗi bạn trẻ tự đặt câu hỏi cho mình thiếu cái gì, làm thế nào để có được, để tìm ra hướng đi riêng.
Anh Nguyễn Minh Triết thông tin: “Tới đây, hội sẽ cố gắng có những nội dung đồng hành hỗ trợ các bạn, chúng tôi sẽ bàn những chính sách sâu hơn, sát hơn với SV. Tuy nhiên, các bạn cũng đừng quá mong chờ vào sự hỗ trợ nào đó bởi sẽ triệt tiêu tính sáng tạo, dẫn đến sự ỷ lại. Để giữ được tinh thần khởi nghiệp trong SV, chúng tôi sẽ cân bằng sự đồng hành với sự hỗ trợ sáng tạo của SV, kích thích vừa đủ để SV khởi nghiệp. Qua theo dõi các nước phát triển, những nơi nào khởi nghiệp tốt nhất là nơi khắc nghiệt nhất, chứ không phải nơi đó có chính sách tốt nhất”.