THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:11

Khởi động dự án hỗ trợ trẻ em khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển

Các em học sinh bị khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển đến từ trường Chuyên biệt tương lai Huế biểu diễn tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khởi động dự án "Tôi lớn mạnh"

Đây là dự án được thực hiện tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam trong giai đoạn ba năm (từ 2018 đến 2021) với tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho trẻ có khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển. Hơn 60 đại biểu từ sở Y tế và các sở ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, các trường đại học y dược trong khu vực cũng như các bệnh viện tỉnh và trung tâm y tế huyện, các trung tâm hỗ trợ người khuyết tật tại địa phương đã cùng tham gia sự kiện này.

Theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật 2016-2017, 7,6% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Trong đó tỷ lệ khuyết tật trẻ em từ 2 đến 17 tuổi là 2,83%. Cho dù người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách BHYT nhưng rất ít người khuyết tật (2.3%) tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng. Điều tra cũng chỉ ra rằng cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật. Ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Đến cấp Trung học phổ thông chỉ có chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng tuổi. Khuyết tật ở trẻ em khó xác định hơn ở người lớn do trẻ em đang trong quá trình phát triển. Đồng thời do dịch vụ theo dõi phát triển sàng lọc sớm khuyết tật còn hạn chế, nên rất nhiều trẻ khuyết tật không được phát hiện sớm, can thiệp sớm.

Trẻ có khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển cần nhiều loại dịch vụ khác nhau. Trong khi đó, tại Việt Nam, các dịch vụ can thiệp, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật hiện vẫn còn hạn chế do tình trạng thiếu hụt về nguồn nhân lực như trị liệu viên hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và Vật lý trị liệu. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cán bộ phục hồi chức năng và các chuyên ngành khác như bác sỹ nhi và cán bộ tâm lý, còn hạn chế.

Dự án “Tôi lớn mạnh” sẽ góp phần khắc phục những thách thức trên thông qua các hoạt động tăng cường năng lực cho các cán bộ ngành phục hồi chức năng, phát triển dịch vụ liên ngành và triển khai thí điểm mô hình “can thiệp do cha mẹ thực hiện” cùng với việc xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật nhằm giúp trẻ khuyết tật phát triển tối đa tiềm năng của mình.

Chị Mai Anh (mẹ cháu Nguyễn Trung Hiếu - một trường hợp mắc hội chứng tự kỷ đến từ Hà Nội) chia sẻ, cách đây 20 năm vợ chồng chị sinh được một cháu trai đầu lòng vô cùng kháu khỉnh. Cả gia đình đã đặt hy vọng rất nhiều vào cháu. Tuy nhiên, khi Hiếu được 2 tuổi rưỡi (năm 2002) thì gia đình phát hiện con hội chứng tự kỷ. Hiếu không phát triển ngôn ngữ, không nhận biết người thân, không giao tiếp với ai, hoàn toàn rối loạn giấc ngủ và bài tiết. Tại thời điểm đó, ở Việt Nam lại không có nhiều người biết về hội chứng tự kỷ; thiếu các trường lớp dành cho các trường hợp như hiếu; các biện pháp can thiệp từ y tế cũng ít. Đó quả là những khó khăn, thách thức rất lớn dành cho các bậc cha mẹ.

“Để Hiếu đứng được trên sân khấu và thổi được kèn Saxophon như hôm nay là cả một quá trình gian nan, vất vả, có cả mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả đổ máu. Vì vậy, sự hỗ trợ của y tế, giáo dục là rất quan trọng đối với trẻ tự kỷ. Hiện nay, xã hội đã có nhiều người biết đến căn bệnh tự kỷ hơn, y tế đã có nhiều biện pháp can thiệp, có nhiều trường lớp dành cho trẻ em tự kỷ”, chị Mai Anh nói.

Đánh giá về dự án “Tôi lớn mạnh”, chị Mai Anh cho rằng, đây là 1 dự án tuyệt vời giúp trẻ em tự kỷ, cha ẹ các em có thể cải thiện hoàn cảnh cuộc sống được tốt hơn.

Các đại biểu tham dự Lễ công bố và khởi động dự án "Tôi lớn mạnh" chụp ảnh lưu niệm

Dự án "Tôi lớn mạnh" sẽ được thực hiện tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, với sự phối hợp cùng Bộ Y tế, MCNV, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, Trường Đại học Y Dược Huế, Đại học kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cùng các đối tác trong và ngoài nước khác. Tại hai tỉnh dự án, dự kiến 20,000 trẻ sẽ được sàng lọc để phát hiện sớm tình trạng chậm phát triển và khuyết tật. Khoảng 4000 bệnh nhân bao gồm 1,200 người khuyết tật sẽ được nhận dịch vụ phục hồi chức năng. Ít nhất 400 trẻ khuyết tật và gia đình của trẻ sẽ được hưởng lợi từ các dịch vụ can thiệp tại cơ sở y tế cũng như can thiệp tại gia đình. Hướng dẫn cấp quốc gia về Phát hiện sớm, và can thiệp cho trẻ tự kỷ sẽ được xây dựng và ban hành.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh