Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước từ hoạt động khởi nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:34 - 24/12/2020
Tại buổi lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhắc lại câu chuyện đất nước những năm đầu thực hiện đổi mới (năm 1986), Hà Nội có toà nhà lớn được chọn làm Đại sứ quán Mỹ, nay đã trở nên vô cùng nhỏ bé giữa lớp lớp cao ốc mới. Với những thay đổi dễ nhận thấy đó, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam đã có bước tiến rất dài, phát triển, lớn mạnh. Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình liên tục cao thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, trình độ phát triển kinh tế vẫn thua kém nhiều quốc gia do GDP bình quân trên đầu người trong nhiều năm vẫn ở mức trung bình là 130 thế giới, riêng năm nay với cách tính khác ở khoảng 100.
"Thế giới ngày nay giống như cuộc chạy đua việt dã, lơi lỏng một chút, bước sai một chút, có thể bị tụt lại, thậm chí là loại khỏi cuộc chơi, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ngừng phải đổi mới, sáng tạo, phát triển đất nước.
Báo cáo Việt Nam 2035 (công bố đầu năm 2016) nhận định, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, liên tục trong 20 năm tiếp theo thu nhập GDP của Việt Nam phải tăng khoảng 7,5%/năm. Đảng, Chính phủ đặt ra yêu cầu phát triển đất nước nhanh hơn, nhưng phải bền vững theo Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã cam kết tham gia. "Việt Nam không chấp nhận nghèo mãi nhưng cũng không mong về một xã hội có thu nhập rất cao mà không yên bình, không có tình yêu thương, không an toàn. Chúng ta phải phát triển nhanh hơn nhưng bền vững. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này vì tiềm lực đất nước còn rất lớn", Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, cần có sự tham gia, góp sức mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng đất nước. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, ưu tiên hơn là tập trung nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển; đặc biệt cần tìm ra, khơi dậy, tạo điều kiện để những cộng đồng doanh nghiệp start-up lớn mạnh thật nhanh, có sức bật lớn.
Chúng ta phải chú trọng thực hiện là đổi mới giáo dục đào tạo. Tất cả quốc gia đầu tư vào Việt Nam, tôn trọng Việt Nam đều vì tôn trọng nguồn nhân lực của đất nước ta. Các chỉ số của giáo dục tiểu học, THCS Việt Nam đều ở mức tiệm cận các nước OECD; giáo dục đại học năm qua cũng đạt nhiều thành tựu như 4 trường lọt top 1.000 cơ sở tốt nhất thế giới...
"Phải tiếp tục đổi mới giáo dục đào tạo, đưa sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp vào giáo dục phổ thông và trực tiếp nhất là giáo dục đại học… Chúng ta không kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp start-up thành công trong trường phổ thông, trường đại học, nhưng qua đó có thể khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển đất nước của người trẻ; giúp các em có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hữu ích cho việc học, việc làm về sau", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.