THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:22

Khoảng cách giữa sân khấu Việt và thế giới

Sân khấu thế giới mới là thánh đường

Sau mỗi lần được thưởng thức kịch ngoại như “Romeo và Juliet” của Nhà hát TNT Britain (Anh), “Người tốt Tứ Xuyên” của đoàn kịch Tokyo Engeki Ensemble, “Vũ trụ” của đoàn Uppercut, “Chương cuối bản giao hưởng” của đoàn Batida đến từ Đan Mạch..., nhìn thấy sự phấn khích của khán giả, các nghệ sĩ Việt Nam không khỏi bồi hồi, NSND Lan Hương có lần tâm sự, đi dự một số liên hoan sân khấu thế giới thấy kịch của mình được tán thưởng nồng nhiệt, thậm chí được trao giải thưởng nên cũng thấy... tự hào. Sau này mới biết, những liên hoan như vậy thường mang tính quần chúng theo kiểu “đi dần xuống dân”, vui là chính, chứ sân khấu đích thực tại các nước lại ở một tầm khác, ta không dễ với tới.NSND Thế Anh, cựu diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam bày tỏ, khi xem “Romeo và Juliet” của Nhà hát TNT Britain, ông đã ngất ngây bởi cách bài trí sân khấu đơn giản mà gợi ý, gợi tứ. Đặc biệt, diễn xuất của diễn viên thật tự nhiên, chân thực. Toàn bộ vở diễn là sự hoà quyện, thống nhất của những tài năng, đúng với ý nghĩa sân khấu là thánh đường nghệ thuật.

NSND Thế Anh nhấn mạnh: “Đồng nghiệp nước bạn cho tôi hiểu câu nói của giới làm nghề “đạo diễn chết trong lòng diễn viên”, đó là khi ý tưởng của đạo diễn và sự thể hiện của diễn viên hoà làm một”.

 NSND Lan Hương nhận xét, sân khấu nước bạn thể hiện sự năng động trong phát triển với nhiều hình thức phong phú, bắt mắt. Đặc biệt, họ phát huy được ưu thế biểu diễn trực diện của sân khấu (khác với điện ảnh, truyền hình) tạo sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả. Ví như, vở “Vũ trụ” của đoàn Uppercut chỉ 3 ba diễn viên, 3 nhạc công nhưng sân khấu luôn sinh động và người xem như bị hút vào từng động tác, nét mặt của nhân vật. Và ở bất cứ đâu, nghệ sĩ luôn làm chủ sàn diễn. Trên các sàn diễn quốc tế, các nghệ sĩ không chỉ dừng lại ở hình thức kịch nói mà phát triển thêm nhiều cách thể hiện mới, khai thác tối đa sức hấp dẫn của âm nhạc, vũ đạo, trình diễn hình thể. Họ cũng phá vỡ tính tượng trưng cao của sân khấu và đưa vào những thử nghiệm mới lạ, gần với đời sống chân thực.

Khả năng sáng tạo của ta còn hạn chế

Theo đạo diễn Lê Hùng, những vở kịch của các đồng nghiệp quốc tế luôn hơn hẳn Việt Nam bởi tư duy sâu sắc, giàu tính sáng tạo. Vì thế, hầu hết các vở diễn đều thể hiện được “chất” của người nghệ sĩ, chứng tỏ họ đã lao động rất cật lực. Trong khi đó, sân khấu Việt lại rất nghèo nàn mà một trong những nguyên nhân là các nghệ sĩ chưa hình thành được tư duy đạo diễn. Các nghệ sĩ nước ngoài thì ngược lại, do được học hành bài bản và không ngừng tìm tòi khám phá nên mỗi chi tiết nhỏ của họ đều mang dấu ấn của sự sáng tạo. Nhưng trên hết đó là bản sắc văn hoá mà các tác phẩm mang lại. Cùng một tác phẩm nhưng mỗi đoàn dàn dựng theo cách riêng với nhiều nét khác biệt trong trang trí, miêu tả tính cách nhân vật và hình thức kể chuyện.

Nghệ sĩ Minh Hiếu, Nhà hát kịch Việt Nam nhận xét, cách thức thể hiện của nghệ sĩ nước bạn rất phong phú, lạ lẫm, thậm chí táo bạo khiến người xem luôn bất ngờ. Theo anh, các nghệ sĩ nước bạn thể hiện rõ nét sự phá cách trong sáng tạo, ngay cả trong những tác phẩm kinh điển thế giới, vốn rất quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả và vẫn được các Nhà hát Việt Nam dàn dựng theo cách rất... truyền thống.

Minh Hiếu may mắn hơn khi được trực tiếp làm việc và diễn cặp đôi với nghệ sĩ Tây Ban Nha Gabriela Flores trong vở “Em trao anh đôi mắt em”. Dưới bàn tay dàn dựng của nữ đạo diễn Carme Portaceli, các diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam được làm quen với cách biểu diễn khác hẳn. Một diễn viên có thể hoá thân vào hai, ba nhân vật, mỗi nhân vật chỉ mặc một bộ trang phục, cũng không có chuyện dừng lại giữa chừng để thay bối cảnh, “Em trao anh đôi mắt em” chỉ có bối cảnh duy nhất, ứng dụng trong nhiều hoàn cảnh. Đặc biệt, khi đóng cảnh “nóng”, phải bán khoả thân và âu yếm nhân vật nữ, đạo diễn yêu cầu diễn viên phải làm như thật, trong khi cảnh này trên sân khấu thường chỉ là được diễn tả bằng các động tác tượng trưng.

Để theo kịp nhiệt huyết và sức làm việc của đồng nghiệp nước ngoài, các nghệ sĩ Việt Nam phải gồng mình lên và lúc nào cũng thấy... mệt lả. Do thời gian tập luyện nhiều và liên tục nên khi công diễn, ít người trong số họ còn sung sức. Đó là một trong những biểu hiện sự yếu kém của chúng ta. Diễn viên Hoàng Tùng cho biết, anh rất thèm khi thấy các bạn ngoại quốc luôn tự giác và làm việc rất khoa học, trong khi nhiều diễn viên Việt Nam cứ chờ người khác thúc giục mới... khởi động. Hoàng Tùng cho rằng:  “Đó là do nhận thức của mỗi người. Diễn viên ở ta quan niệm, cứ tốt nghiệp ở một trường nào đó là chuyên nghiệp, song thực chất, khi bắt tay vào lao động nghệ thuật họ lại rất nghiệp dư”.

Kim Ngọc/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh