Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp biểu dương những thành tích của Khoa trong suốt 20 năm qua.
Khoa duy nhất ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành kỹ thuật chỉnh hình
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Hải Thanh, Trưởng Khoa Kỹ thuật chỉnh hình đã ôn lại lịch sử 20 năm hình thành và phát triển của Khoa. Năm 1994, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Cơ quan hợp tác phát triển kỹ thuật CHLB Đức (GTZ) đã tiến hành khởi động dự án xây dựng Trung tâm đào tạo kỹ thuật viên chỉnh hình Việt Nam (viết tắt là VIETCOT). Sau 3 năm xây dựng cơ sở vật chất, lắp đặt thiết bị dạy học, ngày 10/10/1997, Khoa Kỹ thuật chỉnh hình thuộc Trường Cao đẳng Lao động – Xã hội (nay là Trường Đại học Lao động – Xã hội) đã khai giảng khóa học đầu tiên. Trong giai đoạn 1997 - 2003, Khoa tập trung đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên (KTV) cho các Trung tâm Chỉnh hỉnh và PHCN trong nước do đội ngũ giáo viên/chuyên gia GTZ thực hiện; đồng thời tiến hành xây dựng và đào tạo đội ngũ giáo viên trong nước. Từ tháng 9/2003, công tác giảng dạy bắt đầu chuyển giao cho các giáo viên Viêt Nam thực hiện. Tháng 9/2004 là một mốc thời gian ấn tượng của Khoa khi lần đầu tiên tiếp nhận và đào tạo sinh viên quốc tế. Đây là một quyết định đúng đắn của Lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH và Ban Giám hiệu nhà trường, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, tiên phong trong hội nhập quốc tế của Khoa.
NGƯT.TS. Hà Xuân Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Kỹ thuật chỉnh hình
Sau 12 năm hợp tác hỗ trợ, vào tháng 4/2006, Dự án Vietcot đã hoàn thành mục tiêu và kết thúc dự án, Khoa Kỹ thuật chỉnh hình chính thức đứng trên đôi chân của mình để tiếp bước trong việc đào tạo KTV chỉnh hình, nẹp chỉnh hình, Chân giả chỉnh hình và KTV Áo nẹp chỉnh hình. Năm 2014, Khoa mở thêm ngành mới: Đào tạo KTV Giầy chỉnh hình. Hiện Khoa có tổng số 20 cán bộ, viên chức và giảng viên, trong đó có 08 thạc sĩ, 03 kỹ sư, 05 KTV, được phiên chế trong 2 Bộ môn: Lâm sàng và Cận lâm sàng.
Ông Nguyễn Hải Thanh – Trưởng Khoa Kỹ thuật chỉnh hình ôn lại quá trình 20 năm xây dựng và phát triển của Khoa
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, tính đến năm 2017, Khoa Kỹ thuật chỉnh hình đã đào tạo được cho đất nước gần 400 KTV và trên 1.000 lượt tập huấn cho các KTV trên cả nước; tổ chức và tham gia thường xuyên các hội thảo, hội nghị, tập huấn chuyên môn trong nước và quốc tế. Năm 2014, Khoa hợp tác với tổ chức Phong Hà Lan, Quĩ Lilian và trường Đại học Fontys Hà Lan xây dựng chương trình vào đào tạo KTV giày chỉnh hình thông qua dự án “Những đôi giày được làm để đi”, đến nay đã đào tạo đến khóa thứ 4. Khoa Kỹ thuật chỉnh hình cũng đón nhận trên 200 học sinh quốc tế đến học tập, nghiên cứu theo nhiều chương trình khác nhau từ các nước: Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, Srilaka, Indonesia, Malaysia, Myamma, Namibia, Tajkistan, Lào, Campuchia.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chụp ảnh cùng lãnh đạo Trường Đại học LĐXH, Khoa Kỹ thuật Chỉnh hình và các đại biểu trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà Khoa Kỹ thuật chỉnh hình đã đạt được trong suốt 20 năm qua. Từ một dự án của cơ quan hợp tác phát triển kỹ thuật của CHLB Đức (GTZ) trước đây, đến nay đã phát triển thành Khoa Kỹ thuật chỉnh hình thuộc Trường Đại học LĐ-XH với sứ mệnh đào tạo kỹ thuật viên chỉnh hình cấp II, đáp ứng nhu cầu cung cấp KTV chỉnh hình cho các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng dụng cụ chỉnh hình, giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, Khoa Kỹ thuật chỉnh hình là khoa duy nhất ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành kỹ thuật chỉnh hình được Hiệp hội chân tay giả và nẹp chỉnh hình quốc tế (ISPO) công nhận là một trong ba cơ sở có chất lượng đào tạo bằng cấp II tốt nhất thế giới.
Ngài Fred Holtkamp, chuyên gia kỹ thuật chỉnh hình của Đức hợp tác cùng Khoa Kỹ thuật chỉnh hình (Trường Đại học Lao động – Xã hội) phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
"Tự hào vì học viên khoa Kỹ thuật chỉnh hình được các cơ sở kỹ thuật chỉnh hình trong nước cũng như nước ngoài đón nhận với đánh giá cao về chất lượng. Tự hào vì các học viên của khoa đang khẳng định chỗ đứng, khẳng định được chất lượng dịch vụ đem lại cho khách hàng trong nước và khu vực. Quan trọng hơn là Bộ tự hào về chất lượng đào tạo và dịch vụ mà VIETCOT đem lại cho khách hàng. Để có niềm tự hào đó, thay mặt Bộ tôi xin cảm ơn các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, học viên của Khoa trong những năm qua đã nỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng dịch vụ vì sự tiến bộ vì sự mong muốn đêm lại cuộc sống tốt hơn cho những người khuyết tật. Xin trân trọng cảm ơn bạn bè quốc tế, đối tác đã đồng hành và hỗ trợ Vietcot phát triển. Bộ sẽ tạo điều kiện tốt nhất để VIETCOT phát triển, góp phần đem lại những niềm vui và hạnh phúc cho những người thiệt thòi trong xã hội" – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Sản xuất, chế tạo dụng cụ chỉnh hình tại Xưởng thực tập, Khoa Kỹ thuật chỉnh hình.
Những dầu ấn đặc biệt của Khoa kỹ thuật Chỉnh hình
Nói về những dấu ấn của Khoa Kỹ thuật chỉnh hình trong suốt 20 năm qua, TS. Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội cho biết: Khoa Kỹ thuật chỉnh hình là một mô hình phát triển rất đặc biệt của Trường Đại học LĐXH. Từ một trung tâm với tên gọi VIETCOT, sau đó phát triển thành khoa của Trường Cao đẳng LĐXH và bây giờ là khoa Kỹ thuật chỉnh hình của Trường Đại học LĐXH. Và sau 10 năm đầu tiếp nhận các sự hỗ trợ về kỹ thuật và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, từ năm 2007 đến nay, Khoa đã đứng được trên đôi chân của mình.
"Trong Hội nghị của Hiệp hội chỉnh hình quốc tế tại Nam Phi vào tháng 5/2017, rất nhiều tổ chức và cá nhân quốc tế cho biết, học viên tốt nghiệp ở Vietcot thì đều được ưu tiên tuyển dụng trong các nước Đông Nam Á và khu vực. Đây có thể khẳng định cho mô hình chúng ta có thể đi tắt đón đầu, tiếp thu công nghệ cao của thế giới. Với năng lực, sự khéo léo và óc sáng tạo của người Việt Nam chúng ta có thể đưa hoạt động đó tiếp cận được với trình độ quốc tế và sản phẩm đào tạo của VIETCOT đã minh chứng cho điều đó" – TS. Hà Xuân Hùng nói.
Song song với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Khoa Kỹ thuật chỉnh hình đã xây dựng và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều Tổ chức quốc tế, cơ sở giảng dạy và nghiên cứu Kỹ thuật chỉnh hình trong và ngoài nước như: Hiệp hội chân tay giả và Nẹp chỉnh hình quốc tế (ISPO), Cơ quan hợp tác phát triển kỹ thuật CHLB Đức (GTZ), Tổ chức Chữ thập Xanh Thụy Sỹ (Green cross), Tổ chức Phong Hà Lan (NLR), Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Tổ chức chân giả ngoại tuyến POF, Trường Đại học Fontys Hà Lan, Trường Đại học Melbourne Úc và các Trung tâm, Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN tại Việt Nam...
Thay mặt cho các chuyên gia nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ và các trường đại học có quan hệ hợp tác với Khoa Kỹ thuật chình hình, Trưởng Khoa kỹ thuật chỉnh hỉnh Trường Đại học khoa học kỹ thuật y tế Fontys (Hà Lan) đã nhiệt liệt chúc mừng dấu ấn quan trọng của Khoa, đặc biệt là trong việc hợp tác Dự án “Những đôi giày được làm để đi”. Giờ đây, Vietcot đã trở thành một trong những trung tâm đào tạo kỹ thuật chỉnh hình chân trên toàn thế giới với kỹ thuật chỉnh hình chân, tay chân giả và nẹp chỉnh hình, cung ứng được dịch vụ đào tạo về lĩnh vực giầy chỉnh hình. "Tôi tin tưởng rằng với những tiến bộ về kỹ thuật giầy chỉnh hình sẽ là một ví dụ về con đường đầy chuyên nghiệp mà Vietcot đang hướng đến trong việc phát triển hơn nữa chương trình đào tạo kỹ thuật chỉnh hình" – Đại diện Trường Đại học khoa học kỹ thuật y tế Fontys nhấn mạnh.
Không chỉ đào tạo cho kỹ thuật viên trong nước, Khoa Kỹ thuật Chỉnh hình còn là nơi đào tạo cho các kỹ thuật viên quốc tế. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Định hướng phát triển thời gian tới
Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng Khoa Kỹ thuật chỉnh hình cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tích cực xây dựng môi trường làm việc thân thiện, năng động, kỷ luật, sáng tạo, lấy chất lượng đào tạo sinh viên làm tâm điểm, tiếp tục khẳng định chất lượng đào tạo để trở thành địa chỉ hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo kỹ thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng.
Còn TS. Hà Xuân Hùng thì mong rằng, Khoa Kỹ thuật chỉnh hình cần cần làm tốt ba nội dung sau:
Thứ nhất, lãnh đạo Khoa và tập thể sớm hoàn thiện hồ sơ đang trình với Tổng cục
Giáo dục nghề nghiệp để đưa việc đạo tạo kỹ thuật viên chỉnh hình ở trình độ cao đẳng. Điều này cũng hết sức quan trọng bởi vì với một khoa của trường đại học thì việc đào tạo trình độ cao đẳng và đại học là bắt buộc, phù hợp với khung trình đào tạo quốc gia mới được Thủ tướng chính phủ ban hành.
Thứ hai, Khoa Kỹ thuật chỉnh hình cần sớm tạo lập các quan hệ để đào tạo trình độ liên thông đại học với các trường đại học nước ngoài. Bởi vì Khoa hiện đang có nguồn học viên kỹ thuật chỉnh hình bằng chuyên khoa 2, đó là các kỹ thuật viên đang làm việc trong nước và cả các kỹ thuật viên học nâng cao để cấp bằng đại học.
Thứ ba, đề nghị Tổ chức GIZ tiếp tục hợp tác với Khoa trong việc nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu mới trong đào tạo.