THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 10:19

Khổ sở vì mỗi năm phải nộp ...72 báo cáo

Luật nói không cần nhưng thực tế phải nộp

Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc pháp chế - đối ngoại của Trung tâm Apollo, nhận xét điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đã được sửa đổi nhưng vẫn rối rắm. “Chẳng hạn Nghị định 73 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2015 vẫn quy định về điều kiện thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư từ sở giáo dục là không đúng quy định trong Luật Đầu tư. Nghị định cũng yêu cầu một cơ sở đào tạo ngắn hạn khi mở trung tâm mới phải xin cấp giấy phép, đầu tư với quy trình mất rất nhiều thời gian, gây phiền hà cho nhà đầu tư” - bà Dung dẫn chứng và đề nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi quy định này.

Nhiều thủ tục vẫn làm khó DN. Trong ảnh: Người dân đang chờ làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: HTD

Tương tự, Giám đốc Ban Pháp chế Ngân hàng SHB Đinh Thị Kim Anh cho hay theo Luật DN mới, con dấu do DN tự khắc. Sau khi tự làm con dấu, DN gửi thông báo mẫu con dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, ba ngày sau con dấu có hiệu lực. Quy định này dẫn đến việc DN vẫn phải tiến hành thủ tục hành chính với cơ quan đăng ký kinh doanh, vẫn phải chờ đợi đến gần một tuần (cả thời gian đi làm dấu, đăng ký và chờ con dấu có hiệu lực) mới hoàn thành xong thủ tục để DN có thể hoạt động.

“Quy định này tưởng như giải thoát cho DN khỏi những rào cản về thủ tục nhưng thực tế vẫn vướng mắc, DN vẫn phải chạy thủ tục như trước đây” - bà Kim Anh nhấn mạnh.

Luật sư Trần Văn Trí, Giám đốc Công ty luật Fujilaw, nêu thực tế hiện vẫn còn nhiều vướng mắc mà DN hay gặp khi đăng ký kinh doanh, đầu tư. Cụ thể, Luật DN quy định rõ các loại giấy tờ cần thiết khi đăng ký DN và Nghị định 78/2015 quy định thêm “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập DN hoặc DN nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác”.

Thế nhưng khi đăng ký thành lập DN với một số ngành nghề kinh doanh thì cần có giấy phép riêng của các bộ chuyên ngành cấp trước đó. Ví dụ đăng ký sản xuất phim do Bộ VH-TT&DL cấp, đăng ký dịch vụ tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Từ đó ông Trí đề nghị cần sửa Luật DN theo hướng quy định rõ những trường hợp nào được yêu cầu thêm giấy tờ, yêu cầu những loại giấy gì. Không thể để tình trạng luật này “đá” luật kia, làm vô hiệu Luật DN.

Cần thông thoáng trong tư duy

Theo quy định, hồ sơ của nhà đầu tư nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự rồi mới dịch công chứng. Dù không có văn bản nào quy định về thời hạn giá trị công chứng nhưng các cơ quan đăng ký đầu tư thường yêu cầu công chứng lại nếu giấy tờ quá ba tháng. Việc này làm nhà đầu tư mất thời gian và tốn kém chi phí. “Do đó Luật Đầu tư, Luật DN cần quy định làm rõ vấn đề giá trị công chứng” - ông Trí góp ý.

Ông Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty luật Thế Giới Luật Pháp, đề nghị phải sửa quy định về vốn đầu tư nước ngoài. “Nếu đọc quy định thì sẽ thấy thông thoáng, dưới 49% vốn đầu tư nước ngoài thì xem như DN trong nước và trên 49% vốn đầu tư nước ngoài mới phải làm các thủ tục về đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế thì 1% vốn đầu tư nước ngoài cũng phải làm thủ tục đăng ký đầu tư nước ngoài” - ông Sơn kể.

Ông Sơn cũng đánh giá nhiều quy định trong luật đã có phần thông thoáng, tuy nhiên tư duy của công chức chưa thông thoáng mà vẫn còn nặng tính an toàn cho bản thân. “Không giỏi, không nắm bắt hết quy định, không dám tự quyết định xử lý, sợ trách nhiệm... dẫn đến tư duy thiếu thông thoáng. Công chức với kiểu tư duy an toàn cho mình thì dù luật có thoáng đến đâu cũng bất lực” - ông Sơn nói.

Cấm cài cắm “quyền anh, quyền tôi”

Trước các vướng mắc của DN, Trưởng ban Pháp chế  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng nhiều luật cần phải sửa đổi để đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch và tạo thuận lợi cho kinh doanh. Ví vụ Luật Đầu tư cần bổ sung nguyên tắc đặt ra điều kiện kinh doanh để tránh việc siết quản lý các mặt hàng như mũ bảo hiểm, dịch vụ mua bán nợ, hoạt động dạy nghề.

“Do vậy sáng kiến xây dựng một luật sửa nhiều luật rất quan trọng để thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam. Bởi nếu chờ “chu trình” của từng đạo luật thì sẽ rất chậm trong khi thực tế đầu tư kinh doanh lại đang tồn tại quá nhiều bất cập” - ông Tuấn nói.

Tại hội thảo “Đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cũng cho hay: “Cá nhân tôi nghe nhiều phản ánh của DN. Trong đó có DN phản ánh với tôi về những khó khăn khi đăng ký đầu tư, kinh doanh. Tôi suy nghĩ DN đem tiền ra đầu tư, sao nhiều cửa ải đến thế?”.

Theo ông Đông, có thể có hiện tượng các cơ quan nhà nước viết luật và cố gò các luật có lợi cho quản lý của mình. Nhưng Chính phủ và Thủ tướng không bao giờ có một chủ trương hay chỉ đạo như vậy. “Thủ tướng đã chỉ đạo cấm việc làm luật để cài cắm “quyền anh, quyền tôi” trong đó làm khó cho DN” - ông Đông nhấn mạnh.

Một năm làm 72 báo cáo

Bà Vũ Thị Minh Nguyệt, đại diện Công ty TNHH B.Braun Việt Nam, cho biết theo quy định hiện hành về báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với DN có yếu tố nước ngoài thì một tháng DN phải có tới sáu báo cáo cơ sở, chi tiết về hoạt động kinh doanh của mình. Báo cáo tháng, báo cáo quý, báo cáo sáu tháng một lần... Tính ra một năm công ty phải làm tới 72 báo cáo là ít.

Điều đáng nói, theo bà Nguyệt, đa phần các báo cáo này chỉ mang tính hình thức nhưng lại phải làm rất chi tiết, cụ thể theo biểu mẫu có sẵn. “Công ty của tôi phải cử một nhân viên chỉ để làm báo cáo” - bà Nguyệt thông tin và đề nghị cơ quan nhà nước chỉ cần báo cáo sáu tháng của DN chứ không cần báo cáo hằng tháng.

Tiêu điểm

Sửa đổi bất cập

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký ban hành văn bản yêu cầu các bộ, ngành rà soát những bất cập của Luật DN và Luật Đầu tư. Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, thực hiện liên tục việc lấy ý kiến người dân và cộng đồng DN, bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án luật.

Theo PLO.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh