THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:46

Khó quản lý chất lượng đào tạo không chính quy

Hoạt động đào tạo không chính quy hiện nay đang khá phổ biến với nhiều hình thức và nhiều cơ sở cùng tham gia đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của đông đảo người dân. Chất lượng đào tạo không chính quy đến đâu? Giải pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo ở hình thức đào tạo không chính quy vẫn luôn là câu hỏi lớn. 

Đào tạo không chính quy cần hướng tới nhu cầu của thị trường lao động. (Trong ảnh: Sinh viên đang đăng ký tìm việc tại chợ việc làm Đà Nẵng)

Thực tế trên thế giới, ở nhiều nước phát triển, hệ đào tạo không chính quy được phát triển mạnh mẽ và có những đóng góp đáng kể cho xã hội. Không có tên gọi là bằng tại chức hay chính sách nào phân biệt hệ đào tạo. Sinh viên được lựa chọn phương thức học tập, dù học toàn thời gian hay bán thời gian nhưng điểm chung vẫn là cùng một tiêu chuẩn học tập, giảng dạy và đánh giá. Do đó, cùng một nơi đào tạo, cùng một bằng cấp, sinh viên tốt nghiệp không có sự khác nhau về chất lượng đào tạo dù họ học theo phương thức nào.

Tuy nhiên, theo T.S Nguyễn Thị Thúy, giảng viên Đại học Luật Hà Nội, người học hệ không chính quy ở Việt Nam đa số là sinh viên vừa làm vừa học, bên cạnh mặt tích cực là bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ cho một bộ phận người học này, hình thức đào tạo không chính quy vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế nhất định. Có thể kể đến như “Trình độ không đồng đều dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa các sinh viên. Trong khi đó, do không được đào tạo liên tục về thời gian mà sắp xếp theo môn học và lịch trình nhất định nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của quá trình học”.

 Cũng theo T.S Nguyễn Thị Thúy, sinh viên hệ không chính quy phần nhiều chưa chủ động học tập, chưa có ý thức tự học cũng như phương pháp học chưa hiệu quả. Điều này đến từ hai phía, trên thực tế có không ít trường hợp người học có tâm lí học để có bằng cấp, còn người dạy vì thế cũng chỉ dạy qua loa... 

Theo ông Trần Văn Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa, sở dĩ việc dạy và học ở một số cơ sở đào tạo không chính quy hiện nay chất lượng đào tạo thấp bởi vẫn còn tồn tại khá nhiều cơ sở không có chức năng đào tạo, không đủ điều kiện cơ sở vật chất và không được phép vẫn tham gia đào tạo. Điều này đã góp phần không nhỏ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. “Thậm chí, một số cơ sở lấy việc mở được lớp học là mục đích cuối cùng nên tổ chức học chui, thu tiền vô tội vạ, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý bằng nhiều hình thức.”, ông Hạnh cho biết.  

Ngoài ra, theo nhiều đại biểu, những bất cập trong công tác quản lý cũng  ảnh hưởng không nhỏ đến hệ đào tạo không chính quy tại Việt Nam. “Các quy định, quy chế về chức năng, nhiệm vụ của nhà trường còn bị chồng chéo dẫn đến các đơn vị chưa thực sự chủ động thực hiện”, ThS. Nguyễn Thị Thúy Hồng, Phó phòng Khảo thí và bảo đảm chất lượng thuộc Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết. Theo ThS. Hồng, hiệu lực quản lý của nhà trường về chương trình, nội dung và chất lượng giáo dục đào tạo đối với hệ không chính quy còn chưa cao. Các quy chế, văn bản về quản lý bảo đảm chất lượng đào tạo đối với từng đơn vị cũng chưa được ban hành rõ ràng.

Chính từ sự không rõ ràng dẫn đến trên thực tế đã có sự chồng chéo như nhiều đơn vị chủ trì đào tạo cùng tham gia tuyển sinh cùng một ngành, một nghề. Hình thức tuyển sinh, mức thu học phí, lệ phí cũng mỗi đơn vị mỗi khác. Đáng nói, hình thức tổ chức đào tạo, kế hoạch đào tạo của một số đơn vị chủ trì cũng không ổn định và thay đổi liên tục, gây nên những khó khăn cho đơn vị liên kết và chính người học.

Ông Lê Anh Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, quản lý quá trình đào tạo, chú trọng quản lý chất lượng đầu ra trong các cơ sở đào tạo hệ không chính quy hiện nay là điều cần thiết. Bởi khi đã chú trọng đến chất lượng đầu ra, nắm được nhu cầu của thị trường lao động, đào tạo những gì xã hội cần thì sẽ thu hút được người học. Việc nâng cao chất lượng đào tạo từ đó cũng sẽ được thực hiện một cách hiệu quả hơn. 

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
2 năm trước