CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:15

Thừa Thiên Huế: Khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng và gia đình

Kiểm tra công tác cai nghiện ma túy tại phường Thuận Hòa, TP. Huế

Số lượng đối tượng nghiện tăng 

Theo số liệu thống kê, số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay là 562 người; số người sử dụng trái phép chất ma túy (chưa có hồ sơ quản lý) là 582 người,  tăng 92 người nghiện (tăng 19,57%) so với cuối năm 2016. Nếu như khoảng 10 năm về trước, Thừa Thiên Huế từng được xem là địa phương “sạch” về ma túy thì đến nay số lượng người nghiện ma túy đã tăng lên rất nhiều. Nếu năm 2015, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 476 người, năm 2016 là 470 người, thì đến thời điểm này của năm 2017 con số là 562 người (tăng 86 người, tương ứng tăng 18,07 %)  so với cuối năm 2015.

Trong số 562 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý thì thường tập trung vào độ tuổi từ 18 đến trên 30 tuổi. Trên 80% số này không có nghề nghiệp ổn định và loại ma túy thường được dùng nhiều nhất là heroin với 365 đối tượng.

Việc số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy tại Thừa Thiên Huế ngày càng tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tế trên, trong những năm qua, công tác cai nghiện ma túy tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt từ các cấp và sự vào cuộc của các ngành chức năng. UBND tỉnh này đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch năm về công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra các địa phương trong công tác tổ chức cai nghiện ma túy cho người nghiện, đặc biệt chú trọng công tác rà soát đối tượng nghiện ma tuý trên địa bàn để đưa vào diện quản lý cũng như vận động tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, cai nghiện bắt buộc tại cơ sở theo quy định...

Cai nghiện tại cộng đồng chưa đạt hiệu quả cao

Hiện tại, công tác cai nghiện cho đối tượng nghiện tại Thừa Thiên Huế được thực hiện dưới ba hình thức: cai nghiện tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; cai nghiện tại cộng đồng và tại gia đình; điều trị bằng Methadone. 

Đối với công tác cai nghiện tại cộng đồng và tại gia đình, đến nay có 60/60 xã, phường, thị trấn có người nghiện đã thành lập và kiện toàn Tổ công tác cai nghiện (thành phố Huế 27, thị xã Hương Thủy 8, Phú Vang 6, Hương trà 6, huyện Phú Lộc 7, huyện Phong Điền 2, huyện Quảng Điền 4). Giai đoạn 2015 - 2017, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức 274 lượt người nghiện cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng.

Mới đây, Sở LĐ – TB&XH cùng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Đoàn kiểm tra về việc thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng đối với cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, 9/9 xã, phường, thị trấn được kiểm tra đã thành lập và kiện toàn Tổ công tác cai nghiện ma túy. Hầu hết Tổ công tác cai nghiện ở các địa phương đã có quy chế hoạt động để phân công trách nhiệm đối với từng thành viên trong việc thực hiện kế hoạch cai nghiện và kế hoạch giúp đỡ người cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng.

Tuy nhiên, việc điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện tại cấp xã, phường, thị trấn ở Thừa Thiên Huế chưa thể thực hiện. Các xã, phường, thị trấn được kiểm tra chưa có cơ sở điều trị cắt cơn nghiện riêng biệt theo quy định. Tình hình cơ sở vật chất và cán bộ phục vụ công tác cai nghiện tại Trạm Y tế các địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế, không có cơ số thuốc để tổ chức điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện. Đặc biệt Trạm Y tế phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) nhiều năm không bố trí thường xuyên bác sỹ nên vẫn còn khó khăn trong triển khai các hoạt động trong công tác cai nghiện ma túy.

Mặt khác, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do thiếu nguồn lực, thiếu kinh phí tổ chức triển khai. Trong khi đó, xã hội vẫn còn kì thị với người nghiện; hầu hết người nghiện có trình độ thấp, tay nghề chưa cao nên rất khó để xin được việc làm.

Theo ông Hồ Quang Minh, Chi cục Trưởng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù công tác tổ chức tuyên truyền đã được đẩy mạnh, sâu rộng đến các địa phương và đến cả đối tượng, nhưng do nhận thức và điều kiện thực tế, hiệu quả vẫn chưa cao. Những nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do quy định của pháp luật về công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng khi đưa vào thực tế khó khả thi, cơ sở vật chất và nhân lực chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Các đối tượng nghiện ma túy thường là các đối tượng có tiền án, tiền sự, không tự giác khai báo và thiếu tư tưởng hợp tác với lực lượng chức năng để thực hiện các hoạt động vận động, tư vấn cai nghiện, điều trị nghiện. Mặt khác, gia đình người nghiện vẫn còn mặc cảm, tự ti khi có con em vi phạm nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Việc theo dõi, quản lý và tiếp cận cảm hóa giáo dục người nghiện gặp khó khăn vì người nghiện thường đi làm ăn xa, thường xuyên đi lang thang, không có mặt tại nơi cư trú; người nghiện tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone luôn biến động, thất thường, vẫn còn tình trạng bỏ liều, bỏ điều trị hoặc đồng thời sử dụng các loại ma túy khác.

Không những thế, do thành viên Tổ công tác cai nghiện ma túy chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, nhiều việc nên khó khăn trong việc bố trí thời gian để tổ chức hiệu quả các hoạt động. Kinh phí ngân sách phân bổ cho công tác hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn cũng là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng như nêu trên.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh