THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:53

Cung - cầu lao động khó dự báo về thị trường

  

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại hội thảo.

 

Việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cung lao động được thực hiện thí điểm từ năm 2008 tại 4 tỉnh; năm 2009 mở rộng thí điểm thêm 11 tỉnh và đến năm 2010 triển khai trên toàn quốc. Năm 2011 cơ sở dữ liệu cầu lao động được triển khai thí điểm tại 16 tỉnh và đến năm 2012 triển khai trên toàn quốc. Qua 8 năm thực hiện (tính từ năm 2008), đã có được thông tin của các gia đình tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tính đến nay cơ sở dữ liệu cung lao động cao nhất là 20.289.336 hộ; lực lượng lao động là 45.823.308; năm 2016 số hộ là 15.468.757, giảm 23,76% số hộ so với năm 2015.

Về dữ liệu cầu lao động, được triển khai từ năm 2011, qua 5 năm thực hiện đã có được thông tin của toàn bộ doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tính đến năm 2016, số doanh nghiệp thu thập, cập nhật là 311.155, số lượng hợp tác xã phi nông nghiệp là 5.095.

Theo các sở LĐ-TB&XH, cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động điện tử giúp các địa phương quản lý khai thác được các chỉ số thông tin về việc làm, lao động tại các doanh nghiệp, HTX phi nông nghiệp đóng trên địa bàn, từ đó đưa ra các chính sách về kết nối cung - cầu lao động phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp...

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Từ kết quả thí điểm tại các địa phương, ngày 14/7/2009 Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 25/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thu thập và xử lý thông tin cung - cầu lao động (sau này được thay thế bằng Thông tư số 27/2015/TTBLĐTBXH ngày 24/7/2015 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH  hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động) để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động trở thành nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ hàng năm của sở LĐ-TB&XH.

 

Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại hội thảo.

 

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, trên cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động được thu thập, cập nhật hàng năm đã giúp ngành LĐ-TB&XH đã có được bộ số liệu cơ bản phục vụ quản lý lao động việc làm, xây dựng các báo cáo và đề xuất các chính sách, giải pháp để quản lý, điều chỉnh vấn đề cung - cầu lao động tại địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực tế như vấn đề về lực lượng điều tra viên, kinh phí, khai thác sử dụng dữ liệu...

Theo các đại biểu dự hội thảo, để góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, dự báo được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt những dự báo dài hơi là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc xây dựng được những kế hoạch dự báo dài hơi này lại phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu thực trạng: Dù hệ thống dịch vụ việc làm đã rất nỗ lực, song việc quản lý, rà soát, đánh giá các dữ liệu về thông tin thị trường vẫn còn nhiều lỗ hổng. “Không chỉ Bà Rịa - Vũng Tàu mà các địa phương khác việc kết nối cung cầu lao động đang được triển khai từ các hoạt động chính như tư vấn giới thiệu việc làm qua các sàn giao dịch, trang web, sàn giao dịch lưu động về các địa phương. Tuy nhiên, thực tế việc kết nối này vẫn mang tính chất cơ học, tức là để doanh nghiệp và người lao động tự tìm đến nhau nhiều hơn nên chưa thật sự hiệu quả”, bà Trang thẳng thắn.

Cũng theo bà Trang, trước thực trạng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở nhóm thanh niên thì cần xem xét có những dự báo “dài hơi” về thị trường lao động. “Việc dự báo cần phải được làm hết sức bài bản, có định hướng rõ ràng trong vòng từ 5 - 10 năm. Tuy nhiên, việc xây dựng được những kế hoạch dự báo này lại phụ thuộc rất lớn vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, vì Nhà nước không thể hoạch định hoặc giao chỉ tiêu việc làm cho doanh nghiệp”, bà Trang cho biết.

Đồng quan điểm trên, nhiều đại biểu cho rằng, sự phát triển của DN dựa vào nhiều yếu tố: Về cơ cấu lao động, lợi nhuận, chiến lược kinh doanh.., tương ứng với đó cần những định chế hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, từ đó mới có cơ hội mở rộng quy mô và xây dựng được phương án sử dụng lao động dài hơi hơn. Còn đối với những doanh nghiệp không có định hướng phát triển thì gần như việc tuyển dụng chỉ bù đắp cho sự thay đổi lao động trong chiến lược ngắn hạn. Do đó, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, trong đó các chính sách phải thông thoáng, có cơ chế ưu tiên. Bài toán đặt ra là việc có tạo được nhiều cơ hội việc làm cho người lao động hay không phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải mạnh thì mới tạo được nhiều việc làm.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác dự báo thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, thông qua việc dự báo sẽ làm giảm độ vênh giữa cung ứng lao động và nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời đây sẽ là cơ sở hoạch định chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát triển thị trường lao động trong thời gian tới.

THANH NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh