Khi tòa chỉ “xử” mà không “xét”!
- Pháp luật
- 18:10 - 18/08/2016
Từ việc xác định sai quan hệ tranh chấp
Theo khởi kiện của nguyên đơn, bà Ngô Thùy Dương yêu cầu TAND quận Gò Vấp giải quyết tranh chấp “tranh chấp quyền sử dụng đất về tường chung và bồi thường thiệt hại về xây dựng” đối với bị đơn là ông Nguyễn Trường Chinh. Tưởng chừng vụ việc khá đơn giản, nhưng TAND Gò Vấp lại có vẻ lúng túng khi không thể xác định chính xác mối quan hệ tranh chấp để làm rõ bản chất sự việc. Do đó, phản qua 3 lần xét xử, và cuối cùng bằng bản án số 839/2015/DS-ST ngày 11/12/2015, Hội đồng xét xử lại chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
Trong khi đó, bản án lần thứ nhất của TAND quận Gò Vấp tuyên xử: “Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Ngô Thùy Dương, buộc ông Nguyễn Trường Chinh, bà Đặng Thu Hồng phải có trách nhiệm tháo dỡ lớp hồ dầu đã được nhà 378/8 (số mới là 362/7) Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp trước đây xây dựng lấn sang không gian nhà 378/6 (số mới là 362/5) Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp.
Bác một phần yêu cầu khởi kiện của bà Ngô Thùy Dương, về việc bà Dương yêu cầu gia đình ông Nguyễn Trường Chinh, bà Đặng Thu Hồng phải tháo dỡ ba cây cột xây lấn không gian sang nhà bà Ngô Thùy Dương, trả lại tường chung từ trước nhà đến sau nhà và yêu cầu ông Nguyễn Trường Chinh phải bồi thường thiệt hại về xây dựng với chi phí sửa chửa theo kết quả giám định là 64.262.000 đồng và bồi thường thêm một số tiền là 20 triệu đồng để bà Ngô Thùy Dương xây dựng, sửa chửa lại nhà cũng như chi phí đo đạc kiểm định thiệt hại về xây dựng trong quá trình giải quyết vụ án…”
Do có kháng cáo nên TAND thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên xử bằng bản án số 186/2014/DSPT với nội dung: “Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 777/2013/DS-ST ngày 25/12/2013 của TAND quận Gò Vấp; chuyển giao hồ sơ vụ án về TAND quận Gò Vấp giải quyết sơ thẩm lại theo thủ tục chung…”
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Tưởng chừng sau khi bị hủy án, TAND quận Gò Vấp sẽ rút kinh nghiệm việc xét xử để ra bản án chính xác, đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự. Tuy nhiên, bản án số 839/2015/DS-ST vẫn xử cùng một nội dung vụ án, nhưng lại phán quyết: “...Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà Ngô Thùy Dương. Buộc ông Nguyễn Trường Chinh, bà Đặng Thu Hồng, trú tại 378/8 Nguyễn Thái Sơn, phường 5 quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, phải có trách nhiệm tháo dở lớp hồ dầu (có chiều dài 4mx25cm) đã xây dựng lấn sang không gian và phần tôn nhà 378/6 (số mới là 362/5) Nguyễn Thái Sơn, phường 5 quận Gò Vấp do bà Ngô Thùy Dương sở hữu. Đồng thời phải tháo dỡ một cây đà dài 8m và 3 cây cột (mỗi cây dài 3m) gát lên phần tường riêng của nhà bà Ngô Thùy Dương và ông Chinh bà Hồng phải dạt phần tôn đã gát qua nhà bà Ngô Thùy Dương có chiều dài (8mx25cm). Buộc ông Nguyễn Trường Chinh và bà Đặng Thu Hồng hoàn trả lại cho bà Ngô Thùy Dương các khoản chi phí cho bản vẽ nhà và chi phí kiểm định tổng cộng là 16.013.000 đồng và tiền thiệt hại do xây dựng nhà gây ra cho bà Ngô Thùy Dương là 67.003.000 đồng…”
Nhận thấy bản án mang tính đối phó’ và có vẻ ‘khiên cưỡng’ ông Chinh đã có đơn đề nghị Chánh án TAND thành phố Hồ Chí Minh và Viện Trưởng Viện KSND thành phố Hồ Chí Minh xem xét kháng nghị làm rõ các vấn đề:
Việc đánh giá chứng cứ ... khiên cưỡng
Việc xét xử không khách quan, đánh giá chứng cứ không đầy đủ, quyết án chưa đúng luật, theo chúng tôi như sau:
Theo bản án, TAND Gò Vấp không xác định rõ nguồn gốc, trong khi căn nhà và đất số 378/8 Nguyễn Thái Sơn, phường 5 quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, vợ chồng ông Chinh mua lại của ông Nguyễn Thanh Dũng và bà Nguyễn Thanh Mai, hợp đồng mua bán số 18793/HĐ-MBN ngày 31/12/2008, hợp đồng được xác lập tại Phòng Công chứng Số 7, thành phố Hồ Chí Minh. Người mua đã làm nghĩa vụ tài chính với nhà nước, ngày 20/1/2009 được đăng bộ.
Theo nội dung giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và sử dụng đất số 70125071298 do UBND quận Gò Vấp cấp ngày 31/12/2003, cho ông Nguyễn Thanh Dũng và bà Nguyễn Thanh Mai; đơn khởi kiện ngày 18/10/2010, bản tự khai ngày 12/11/2010 của bà Ngô Thùy Dương, thì bức tường giữa hai nhà là tường chung. Bản án số 839 xác định đây là tường riêng của bà Ngô Thùy Dương là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng nhà ở, đất ở.
Ông Dũng bà Mai sửa chữa nhà năm 1999, có sự đồng ý của bà Dương về việc xây cột chung để gia cố tường chung (giấy phép sửa chửa số 352/GPSC do UBND quận Gò Vấp cấp ngày 21/5/1999). Đến năm 2000, ông Dũng bà Mai làm thủ tục công nhận quyền sở hữu nhà và sử dụng đất bà Dương vẫn đồng ý ký tên và xác nhận vào biên bản xác định ranh mốc đất, xác định tường chung, cột chung. Việc bà Dương khai năm 2008, bà mới phát hiện ông Dũng, bà Mai chiếm tường chung là không có cơ sở. Từ năm 1999 đến năm 2008, bà Dương mới làm đơn khiếu nại gởi UBND phường, đến năm 2010 bà mới làm đơn khởi kiện tại Tòa án mà bản án sơ thẩm vẫn chấp nhận việc khởi kiện của bà là không phù hợp với Điều 607 Bộ luật Dân sự.
Vợ chồng ông Chinh mua nhà của ông Dũng, bà Mai, được Nhà nước công nhận. Gia đình ông Chinh không xây ba cây cột cũng như đà kiềng dọc bức tường chung; Mặt khác, nếu bản án sơ thẩm số 839 công nhận vách tường đang tranh chấp là “tường riêng” của bà Dương, cũng như bà Dương xác định đó là “tường chung” mà tuyên buộc phải tháo dở là vô lý và bất công.
Kết quả kiểm định công trình, nguyên nhân gây ra thiệt hại một phần là do việc xây dựng nâng tầng của nhà ông Dũng bà Mai, nhưng bản án sơ thẩm 839 buộc vợ chồng ông Chinh phải trả cho bà Dương số tiền 64.260.000 đồng, là không chính xác. Theo quy định của pháp luật về dân sự thì bên nào có lỗi thì phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả.
Vấn đề tố tụng, TAND quận Gò Vấp đã vi phạm thủ tục tố tụng trong trường hợp: “Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định sai quan hệ tranh chấp, trường hợp tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn như bản án đã nêu là quan hệ tranh chấp ‘yêu cầu thực hiện hành vi và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng,’ chứ không thuộc “tranh chấp quyền sử dụng đất về tường chung và bồi thường thiệt hại về xây dựng”. Trong toàn bộ nội dung tranh chấp không liên quan đến quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Bởi lẽ, quyền sử dụng đất đai của hai bên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.
Ngoài ra, Tòa án không cho triệu tập những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia vụ án là vi phạm thủ tục tố tụng, dẫn đến việc nhận định không chính xác trong bản án và không làm rõ được bản chất của sự việc.
Xét rằng, bản án của Tòa án phải dựa trên chứng cứ, mối quan hệ tranh chấp để làm rõ bản chất của sự việc, tránh việc tòa án chỉ ‘xử’ mà không ‘xét’, để sau đó các bên tranh chấp lại phát sinh mâu thuẫn sâu hơn, gay gắt hơn. Có như vậy, việc ‘nãy mực’ mới mang lại lẽ công bằng cho người dân. Yêu cầu xem xét kháng nghị của ông Chinh hoàn toàn chính đáng và phù hợp với pháp luật, mong rằng các cơ quan chức năng nên xem xét đánh giá lại để có một bản án phù hợp hơn, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho công dân.