THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:08

Khi niềm tin bị cướp trắng

Từ rất lâu rồi, không thể tính chính xác nhưng có lẽ chừng 5 năm trở lại đây, người ta không còn quá ngạc nhiên khi nghe tin ai đó xấu số chết vì tai nạn đường sắt. Cùng lắm chỉ thấy ồ lên vài câu cảm thán rồi người ta nhanh chóng quên đi đồng loại chết thê thảm.

Từ lâu rồi, người ta quên mất trách nhiệm công dân khi gặp trường hợp tai nạn ngã xe trên đường thì phải dừng lại giúp đỡ, cấp cứu vì người ta ngại va chạm, ngại cả cái việc nhỡ đâu làm phúc phải tội, cứu người xong phải đi tù oan.

Từ lâu rồi, người ta chỉ biết đứng trông theo bọn cướp giật giữa đường tấn công nạn nhân mà đôi chân như đổ chì tại chỗ.

Từ lâu rồi, người ta không thể đứng về phía người lao động để bảo vệ họ bằng những quy định của pháp luật.

Từ lâu rồi, người ta không thể đứng về phía doanh nghiệp được điều hành bởi ông chủ có tài, giúp họ kinh doanh phát triển bằng những quy định linh hoạt, sáng suốt.

Ảnh minh họa                             (nguồn: Internet).

Từ lâu rồi, người ta giấu vẻ hoang mang tột độ sau những hùng hổ bặm trợn ngôn ngữ đao to, búa lớn trên các diễn đàn, trên mạng xã hội.

Người ta giằng co, mâu thuẫn ngay cả trong ý nghĩ “làm cách gì để thay đổi đi chứ và mackeno, tội ác quá nhiều lấn át hết tốt đẹp rồi”. Không trách được, bởi những vụ việc kể trên xảy ra như cơm bữa. Nỗi hoảng sợ cho cuộc sống bất an, nỗi ám ảnh kinh hoàng chưa kịp quên đi thì đã có tin vụ khác tới tấp ghi đè lên những nếp nhăn của não. Như thể vết thương này chưa kịp liền thì đã có thêm vết thương mới khác ngay tại chỗ đó luôn. Nó làm cho người ta "buộc phải" trơ đi với nỗi đau cứ ngày ngày day dứt.

Lý giải sao người ta lại như vậy ư?

Rất dễ hiểu, khi hệ thống pháp luật, tư pháp quá yếu ớt hoặc quá thờ ơ không bảo vệ nổi người dân thì người ta phải tự bảo vệ chính mình trước rủi ro. Mặc dù, tự bảo vệ chẳng phải là biện pháp tốt lành gì, thậm chí kết quả còn mong manh hơn người ta tưởng.

Rất dễ hiểu khi người ta không còn tin bất cứ một bài báo nào trên hệ thống truyền thông chính thống và quay sang tìm kiếm sự thật ở mạng xã hội. Người ta bàn tán quanh chén trà rằng hệ thống báo chí sẽ rơi vào tình trạng tự chôn sống mình và cướp trắng nồi cơm của dân làm báo trong tương lai gần nếu như tình trạng viết bài phản ánh xã hội cứ mù mịt câu view và có nhiều sai phạm như đang diễn ra/tiếp tục diễn ra…

Rất dễ hiểu khi người ta không còn tin vào những lời dối trá của một số ít lãnh đạo trơ trẽn phát biểu trên TV.

Rất dễ hiểu khi niềm tin của người ta bị cướp trắng không còn một chút xíu nào, ngay cả một hy vọng mơ hồ vào con người giữa con người với nhau cũng không có thì thử hỏi sao họ không bấu víu vào thần thánh mê tín dị đoan? Thử hỏi sao họ không lấn sâu vào những hành xử mông muội, không chà đạp nhau bằng mọi giá để ngoi lên thở giữa ngột ngạt cạm bẫy và tội ác?

Khi niềm tin bị cướp trắng, rất có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với những điều vô cùng tệ hại đi ngược với giá trị nhân bản của loài người. Sẽ không còn là hiện tượng dị bản của xã hội nữa mà sự hoang mang sẽ khiến người ta kết thành núi lửa phun trào vùi lấp nền văn minh.

Đừng chần chừ nữa hỡi chúng ta. Hãy trả lại niềm tin cho công dân của mình! 

Thủy Hướng Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh