Trả giá cho niềm tin vu vơ
- Văn hóa - Giải trí
- 21:25 - 14/03/2015
Như chuyện ông Lê Minh Toàn, ở Hà Nội, sau 30 năm gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng nhà nước, từ số tiền đủ mua một căn hộ (thời điểm gửi tiền), nay ngân hàng thanh toán cho ông cả gốc lẫn lãi với số tiền chỉ mua được vài bát phở.
Rồi chuyện UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu cụ Trần Văn Tiệp, hơn trăm tuổi, ở TP Hồ Chí Minh, sau hơn 20 năm tìm kiếm “kho vàng 4000 tấn” tại núi Tàu (xã Phước Thế, huyện Tuy Phong, Ninh Thuận) phải chấm dứt toàn bộ việc tìm kiếm, đồng thời hoàn thổ tại nơi đã khoan thăm dò trước ngày 15/4/2015.
Cái lý mà ông Toàn gửi tiền vào ngân hàng là có tiền lãi và tin tưởng số tiền trên sẽ được ngân hàng đảm bảo giá trị cho dù thời giá thay đổi. Còn cụ Tiệp lại có niềm tin sắt đá, trong thế chiến thứ 2 (1939-1945) một viên tướng người Nhật đã cất giấu tại núi Tàu 4000 tấn vàng, nếu tìm thấy trừ các chi phí và chia theo luật, cụ sẽ có một khối tài sản đại khủng.
Cái lý và niềm tin trên gợi nhớ đến mấy câu của nhà thơ Việt Phương viết cách đây gần 50 năm: “Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ/Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào/Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”.Chắc vì “sự ngây thơ đẹp tuyệt vời” mà ông Toàn quên câu nói nổi tiếng cách đây gần 30 năm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, “Tự cứu mình trước khi trời cứu”.
“Nén bạc” có thể “đâm toạc tờ giấy”, nhưng tách khỏi con người nó là vật vô tri, vô tình lắm. Lòng người có thể đổi trắng thay đen, còn con số mãi mãi vẫn là con số. Và cụ Tiệp khi niền tin đã thành sự tự hào, thôi thúc cụ dù tuổi đã cao, sức có hạn vẫn bỏ công, bỏ của từ TP Hồ Chí Minh ra Ninh Thuận phá đá, mở rừng truy tìm kho báu 4000 tấn vàng.
Nay buộc phải dừng cuộc khai quật, truy tìm trong nỗi niềm day dứt không nguôi. Còn nhớ cách đây chưa lâu, ở miền Trung cũng có người sau 30 năm háo hức đi tìm kho báu của nhà Nguyễn, cũng trắng tay khi đi theo các vua Nguyễn (?)Tiền của ông Toàn gửi vào ngân hàng là thực, kho báu do vị tướng người Nhật giấu ở núi Tàu, hay của nhà Nguyễn là mơ hồ, là ảo.
Nhưng với niềm tin tiền gửi vào ngân hàng sẽ sinh sôi nẩy nở; kho báu khổng lồ trên vẫn còn nằm đâu đó dưới lòng đất tìm được sẽ đem về phú quý, vinh hoa cho muôn đời.
Cả thực và ảo ở hai trường hợp trên đều có kết cục cay đắng là do tin vào sự vu vơ, duy ý chí, bất chấp khoa học, không theo luật pháp, mơ hồ xa lạ thực tại đời sống.Bài học đắt giá của cụ Tiệp, ông Toàn chắc sẽ giúp mọi người sáng ra nhiều điều.