THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:59

Khi nhà báo lên phim

Đưa nghề báo đến gần công chúng Việt

          Khó có thể thống kê hết những bộ phim về nghề báo đã và đang được các nhà làm phim dành nhiều tâm huyết sản xuất và đặt nhiều kỳ vọng khi đưa tới công chúng. Trong đó, nhà báo xuất hiện ở vai chính có, vai phụ có, chính diện có, phản diện cũng có. Dù ở vai diễn nào, nhà báo trong phim cũng được khắc họa một cách rõ nét và đưa đến cho công chúng cái nhìn toàn diện hơn về những khó khăn, gian nan, vất vả của công việc đặc thù này.

Cảnh trong phim “Nghề báo”.

          Trong số những bộ phim về nhà báo, có thể nói “Nghề báo” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là bộ phim đầu tiên đề cập khá toàn vẹn và trực diện về nghề báo với những diễn viên như: NSƯT Tạ Minh Tâm, Hồng Ánh, Diễm My, Đức Thịnh...  Nghề báo trong bộ phim này khá dày dặn trong cốt truyện và lớp lang nhân vật, đề cập trực tiếp đến những vấn đề nóng bỏng, thời sự như tệ tham nhũng, hối lộ, đạo đức nghề nghiệp... được đánh giá là đã thể hiện khá trọn vẹn cuộc sống và những ngóc ngách tâm tư, tình cảm của người làm báo. Đáng nói nhất trong phim là nhà báo Thúy Bình (diễn viên Hồng Ánh đóng) – một phóng viên mảng chính trị xã hội, làm việc trong một tòa soạn có tiếng. Thúy Bình là người năng nổ, nhiệt tình, thông minh và quyết liệt trong công việc. Chia sẻ về vai diễn này, Hồng Ánh cho rằng nghề báo có sự dũng cảm, nữ phóng viên thì thường đa đoan, vất vả, ít người hạnh phúc trong tình duyên và suôn sẻ trong tình cảm vì tính chất công việc giống như … tình báo. Cũng theo nữ diễn viên này, nhà báo phải có kiến thức, đưa ra thông tin chính xác, có trách nhiệm với bài viết, thông tin cùng khả năng hoà nhập với quần chúng.

Diễn viên Hồng Ánh trong phim "Nghề báo".

Cũng đề cập đến nghề báo, nhưng bộ phim “Đèn vàng” của đạo diễn Mai Hồng Phong lại đặt những vấn đề nhức nhối trong xã hội dưới cái nhìn của những người làm báo, từ đó làm bật lên những mảng tối của đời sống ấy. Hình ảnh các nhà báo trong phim cũng khá chân thực với sự quyết liệt trong việc thực hiện trách nhiệm "cảnh tỉnh xã hội" của mình. Bộ phim có thể nói đã bám sát vào thông điệp đặt ra: "Đèn vàng. Chuẩn bị dừng lại, đừng bước qua những ranh giới". Ngoài những diễn viên nổi tiếng như Trần Tiến, Lê Vy, Lê Mai, Thu Quế, “Đèn vàng” còn đánh dấu sự diễn xuất của NSƯT Phạm Cường trong vai nhà báo Vĩnh – đây là một nhà báo có lương tâm, có những quan sát, trắc nghiệm về cuộc sống cực kỳ lý thú, luôn nhìn đời với con mắt giàu lòng trắc ẩn, chứ không nặng về tác nghiệp. Có thể nói, đây không phải là cuộc đấu tranh của một phóng viên chống tham nhũng mà là những chiêm nghiệm của nhà báo với tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, đặc biệt là văn hóa. Đó là điều phóng viên ít có điều kiện quan tâm tới trong thời buổi kinh tế thị trường, người ta thường quan tâm tới những tiêu cực, tham nhũng chứ không phải là những hành vi ứng xử văn hóa trong cuộc sống… Và không chỉ những người trong nghề, đông đảo khán giả đều cho rằng “Đèn vàng” là một bộ phim chính luận đáng xem về nghề báo.

Cảnh trong phim “Đèn vàng”.

Đề cập trực diện về nghề báo, bộ phim “Phóng viên thử việc” của đạo diễn Quốc Trọng xoay quanh quá trình cố gắng, phấn đấu để có được chỗ đứng trong tòa soạn của các phóng viên tập sự. Không thể phủ nhận sự thành công của “Phóng viên thử việc” khi khắc họa được hình ảnh của những người mới bước vào nghề báo với nhiều cạm bẫy đón chờ.  Tuy được bình chọn là một trong những phim truyền hình được yêu thích nhất thông qua cuộc thi bình chọn "Phim truyền hình Việt Nam được yêu thích nhất năm 2007" do Tạp chí Truyền hình tổ chức nhưng bộ phim vẫn còn khá nhiều tình tiết cẩu thả, dễ dãi, thiếu thuyết phục. Thậm chí, nhiều người trong nghề còn nhận xét bộ phim chỉ mượn nghề báo để thể hiện tâm tư, tình cảm và những lựa chọn của một cô gái trẻ.

          Trong số những diễn viên từng đóng vai nhà báo, có lẽ Kiều Thanh là người đóng nhiều phim về nghề đặc thù này nhất. Các đạo diễn đều tìm thấy ở Kiều Thanh một gương mặt có nhiều nét hợp… nghề báo, đó là sự cá tính, sắc sảo. Vai phóng viên đầu tiên trong phim điện ảnh của Kiều Thanh là Sương trong “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng. Một nhà báo đi viết bài về vũ trường có phần ngô nghê, vụng về, tuy vai diễn này không gây được sự chú ý nhưng dường như là một sự mở đầu, khơi nguồn cho cái duyên với vai nhà báo tiếp theo của Kiều Thanh - phóng viên Hà Châu trong phim truyền hình “Khi đàn chim trở về” (đạo diễn Đỗ Chí Hướng - Nguyễn Danh Dũng) - một nhà báo trong trẻo và đã để lại dấu ấn cho người xem. Tiếp theo, Kiều Thanh vào vai nhà báo Quý trong “Nhật ký chiến trường”, vai nữ nhà báo trong phim nhựa “Tình biển” của đạo diễn Đới Xuân Việt và thậm chí là... Tổng biên tập báo Xì tin trong phim sitcom “Những phóng viên vui nhộn”. Hay như trong phim  “Đàn trời”, Kiều Thanh đóng vai Nhẫn - người tình của nhà báo Tuệ, một vai diễn luôn bị dày vò về thể xác và tinh thần khiến cuối cùng Nhẫn phải tự sát. Theo Kiều Thanh, vai nhà báo là một trong những vai yêu thích của chị vì tính cách đa dạng, tạo được bất ngờ, tươi mới cho khán giả.

Cảnh trong phim “Phóng viên thử việc”. 

Và những “hạt sạn” không đáng có

          Không thể phủ nhận, những bộ phim về nghề báo đã ít nhiều khắc họa những vất vả, hiểm nguy của những người làm nghề phóng viên hiện nay. Song cũng có không ít những bộ phim thiếu sự thuyết phục, hấp dẫn. Có thể nhà báo chỉ là một nhân vật gợi chuyện như trong “Gái nhảy”, hay được phản ánh tỉ mỉ, kỹ càng, cụ thể ở “Nghề báo”, “Đèn vàng”, “Tin vào điều không thể”...  thì điểm chung là hầu hết tác giả kịch bản, đạo diễn của các bộ phim đều là những người từng có thời gian hoạt động trong lĩnh vực báo chí hoặc thân quen với giới truyền thông nên có thể nắm được những nguyên tắc cơ bản trong tác nghiệp báo chí.  Song, theo đánh giá của  những người trong nghề và công chúng, tất cả chỉ dừng lại ở cái vỏ bề ngoài chứ chưa có bộ phim nào có thể đưa ra được một cái nhìn hoàn chỉnh, công bằng và thuyết phục về những người làm báo. Nếu không muốn nói, những phim này vẫn có nhiều hạt sạn.

Trên màn ảnh, gần như đã có một mô típ dành cho phóng viên, nhà báo như, nếu là nam giới thì phải khoác áo gi lê kaki với chi chít túi hộp và đeo máy ảnh lủng lẳng ở cổ, chạy lăng xăng bấm máy tanh tách, còn nếu là nữ phóng viên thì nếu không ngờ nghệch sẽ rất ''cáo già'', lẳng lơ để... moi tin từ các đại gia mà thiếu đi cái nhìn rất thực tế. Ấy là phóng viên, nhà báo thì cũng bình thường như bao nhiêu công việc khác trong xã hội. Có chăng sự khác biệt là công việc đặc thù, cần có máy ảnh, ghi âm hay những nghiệp vụ riêng của báo chí. Nhưng không có nghĩa đã là nhà báo thì như Sương trong phim "Gái nhảy" (đạo diễn Lê Hoàng) lỉnh kỉnh đem tất cả những thiết bị làm nghề ấy vào vũ trường để phỏng vấn những cô gái nhảy thì khán giả, đặc biệt là những người làm báo thấy nực cười bởi sự ngô nghê. Chính những điều vô lý tưởng như nho nhỏ ấy đã khiến các nhà báo trong phim Việt Nam hiện nay đều hiện ra thiếu kinh nghiệm, tác nghiệp một cách ngớ ngẩn, khó lòng chấp nhận. 

Vẫn biết giữa phim ảnh và đời thực là một khoảng cách và đã là tác phẩm điện ảnh hay truyền hình thì vẫn cần phải có thủ pháp ''cường điệu nghệ thuật''. Nhưng những người đã và đang làm nghề báo cũng như công chúng đều mong muốn các nhà làm phim hãy đề cập những nhà báo chịu lăn lộn, lao tâm khổ tứ với nghề, làm nghề một cách chân chính, chứ đừng miêu tả một cách hời hợt, nhợt nhạt, thiếu sức sống, sơ sài và thiếu độ thuyết phục. Dường như, các nhà làm phim về nghề báo hiện nay không thiếu tư liệu mà chỉ thiếu sự đầu tư, tìm hiểu về nghề báo một cách kỹ lưỡng. Hơn bao giờ hết, những người làm nghề báo vẫn mong muốn điện ảnh Việt Nam có được những bộ phim về nghề báo hấp dẫn như "Nghề nguy hiểm", "Paparazzi" (điện ảnh Mỹ)... đã chinh phục cả thế giới.

Minh Vũ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh