CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:54

Khát vọng hòa bình của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng

Thông điệp hòa bình

              Bây giờ, tuổi ngoài 70 mái tóc trắng quá nửa, mỗi ngày ông vẫn ngồi im trước những bức tượng như là để ngiền ngẫm, như là để hoài niệm. Rồi, ông trầm ngâm; làm nghệ thuật chân chính khắc nghiệt lắm, nhất là những người có khát vọng cống hiến”. Sau hơn nửa đời lăn lộn khắp nơi để làm những công trình kỳ vỹ, ông chọn số 2 Yên Thế (Đà Lạt, Lâm Đồng) để tĩnh lặng cùng vườn tượng của mình.

            Sinh ra từ một gia đình nghèo ở Đà Nẵng, từ nhỏ Phạm Văn Hạng đã đam mê nghề điêu khắc, hội họa. Ngày ngày chứng kiến cảnh đau thương, chia ly của chiến tranh luôn mong những ngày yên bình nên ngay từ những tác phẩm đầu tay ông đã định hình tư tưởng cho tác phẩm là chủ đề ngưỡng vọng hòa bình, khát khao gìn giữ hòa bình.

Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng.

          Từ những năm 1970 tác phẩm mỹ thuật: Chứng tích của ông (do Trịnh Công Sơn đặt tên) đã gây nên cơn trấn động trong dư luận khi nổi lên trong bức tranh là những khúc ruột, mảnh gan, máu của nạn nhân chiến tranh. Theo giáo sư mỹ thuật Nguyễn Quỳnh nhận xét: “Lối làm tác phẩm này táo bạo không thua gì một số họa sỹ Hoa Kỳ trong thập niên 1950, 1960, tạo ấn tượng cực độc đáo”. Những ngày tháng 8 năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam ông lại gây ấn tượng với hai tác phẩm điêu khắc là “Hòa bình trong tim” và “Đoàn tụ”, “Tình mẹ”, “Siềng xích”.  Từ đó và cho đến tận bây giờ tác phẩm nào của ông từ tranh cho đến điêu khắc cũng luôn hướng tới sự khao khát ngưỡng vọng và giữ gìn hòa bình. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Người mẹ dũng sỹ, Đài tưởng niệm Đà Nẵng, Đài tưởng niệm vô danh Hà Nội…Cho đến các vườn tượng như: Vườn tượng Đà Lạt, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…Chính những vườn tượng đó thể hiện tư tưởng của ông. Ví dụ như vườn tượng Đà Lạt chủ yếu là hình ảnh: Chim bồ câu, trẻ em, những bầu vú mẹ. Cho đến giờ một khát khao thầm kín và luôn mong muôn trong ông là một ngày nào đó thế giới hoặc đất nước sẽ có một bức tượng mang tên: Hòa bình.

          Nửa thế kỷ đất nước sống trong yên ấm, hòa bình nhưng gần đây thỉnh thoảng vẫn xảy ra những tranh chấp trên biển Đông, nỗi niềm của Phạm Văn Hạng như chất đầy hơn. Ông quyết định viết lá thư bày tỏ khao khát hòa bình để gửi cho Tổng thống Mỹ và nhiều học giả yêu chuộng hòa bình khác. Ông bảo; tôi muốn những cường quốc lớn hãy là người đầu tiên tham gia giữ gìn nền hòa bình của nhân loại”. Trong những chuyến rong ruổi đi tạc tượng, tạc các công trình điêu khắc tặng cho các địa phương, Phạm Văn Hạng được mời thỉnh giảng cho nhiều thế hệ điêu khắc gia trẻ. Ở lớp học hay cuộc tiếp xúc nào ông cũng truyền tải cho học sinh của mình ý thức đưa thông điệp hòa bình vào trong những tác phẩm của mình. Ông tâm sự; tôi chiêm nghiệm ra rằng một cái đau bằng chín cái vui. Những học trò cũng tôi cũng học cách đi đến tận cùng cái đau, nỗi đau để làm nên cái vui, ánh lên cái hy vọng”. 

Tác phẩm “Mẹ dũng sỹ” của Phạm Văn Hạng ở Đà Nẵng.

            Những điều ngại nói… 

           Bây giờ bước vào ngôi biệt thự trưng bày triển lãm Phạm Văn Hạng ấn tượng để lại cho tất cả mọi người là sự lộng lẫy, quyến rũ, độc đáo pha trộn nhiều gam màu mang kiểu dáng riêng chủ nhân đã chạm khắc lên nó. Đặc biệt trong ngôi biệt thự còn lưu giữ hàng trăm bức ảnh, bức tượng của các chính khách, các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ lớn trong ngoài nước như: Võ Văn Kiệt, Yersin, Trịnh Công Sơn, Cao Xuân Hạo…Bên cạnh đó là hàng loạt các giấy chứng nhận giải thưởng, chứng nhận tác giả các vườn tượng như: Giả thưởng 10 năm Điêu khắc Việt Nam (1984-1994), giải nhất tượng Yersin Đà Lạt, giải Hội họa Sài Gòn 1973, Bằng khen điêu khắc tượng Người mẹ dũng sỹ…Cùng với tập thơ bằng đồng độc nhất vô nhị Việt Nam nặng 250 kg. Trong tập thơ có nhiều dòng ngắn nhưng khá độc đáo;  “Những tấm gương/ luôn vỡ/ Sự/phản chiếu/ không/ mòn”, hay như “Những con rối/ được sống/ Nhờ bàn tay/ nghĩ suy/ Những con rối chỉ huy/ Chỉ còn đầy/nước mắt”…

Vài năm trở lại đây hầu hết du khách cũng như người dân Lâm Đồng xem đây như một địa chỉ du lịch văn hóa thú vị. Nhưng mới cách đây 7 năm ngôi biệt thự này còn nằm trong hoang phế. Bao nhiêu người đến nghiên cứu về Đà Lạt đều tìm đến vườn tượng của ông, ông lại cặm cụi lo lắng cơm nước và nhiều thứ khác.  Suốt đời rong ruổi qua nhiều vùng đất và ở đâu Phạm Văn Hạng cũng để lại những dấu ấn bằng nhiều tác phẩm điêu khắc nhưng khi bảo nhắc những thành quả cống hiến của mình thì ông cứ lãng đi hoặc ngại nói. Ông hay đùa với tôi rằng; Hơn chục vườn tượng và các bức tượng độc đáo do tôi điêu khắc đều tặng cho các tỉnh thành. Tặng xong là thôi chứ cũng không có bất cứ đòi hỏi nào, cũng không nhắc lại. Nhắc người ta lại bảo kể công…”. 

Vườn tượng của Phạm Văn Hạng ở Đà Lạt đều mang biểu tượng hòa bình.

        Không như những người nghệ sỹ lớn khác có vợ, con luôn kề canh lo chuyện bếp núc, Phạm Văn Hạng thích làm việc độc lập, trong một môi trường riêng biệt, thích tự tay nấu ăn, ăn khi nào thích. Thời gian của ông khi làm việc không đánh dấu bằng chiều quay, những con số của kim đồng hồ mà quyết định bằng thời gian của ý tưởng sáng tạo. Trong nhà ông luôn dự trữ đấy đủ từ cà phê, chè đến đồ ăn uống. Thịnh nhất là món trứng chiên. Ông luôn sẵn sàng vào bếp, tự tay chế biến và đãi khách  từ cà phê tự pha đến các món ăn. Món ăn ông làm cũng trả thua mấy bà nội trợ thành thục bao nhiêu.

          Có thể một ngày của ông bắt đầu từ 9 giờ sáng, ăn trưa lúc 2 giờ chiều, ăn tối lúc 20 giờ và kết thúc lúc 3 giờ sáng mai, cũng có thể bắt đầu lúc 1 giờ sáng và kết thúc 17 giờ chiều. Bạn bè thường gán cho ông những cái biệt danh như: “Con quỷ thánh thiện”, “nghệ sỹ trong đêm”. Ông giãi bầy: “Tôi thích cô độc làm việc trong đêm khuya, hạnh phúc khi được hết mình trong lao động sáng tạo và hòa đồng thân thiện với cuộc sống. Có đêm vừa nằm ngủ vài giờ thức giấc ba, bốn lần. Mình luôn khát khao làm một người lao động nghệ thuật chân chính”. Với Phạm Văn Hạng một người làm nghệ thuật chân chính là luôn đáu đáu, xả thân hết mình cho cái mình theo đuổi. Trong con người ông luôn tồn tại  hai điều đối nghịch- cái đối nghịch làm nên tài năng và sự độc đáo Phạm Văn Hạng. Trong cuộc sống, giao tiếp luôn vui tươi, hòa nhã, trong nghệ thuật sáng tạo luôn nghiêm khắc, tỉ mẫn đến từng mi li mét. 

HÀ VĂN ĐẠO/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh