THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:00

Khánh Hòa: Khó quản lý lao động người nước ngoài là thành viên góp vốn

Phát sinh nhiều bất cập

Hiện nay, đối với lao động người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam phải được cơ quan chức năng cấp giấy phép một trong ba loại, đó là: cấp mới, cấp lại và không thuộc diện cấp giấy phép lao động (tức phải là thành viên góp vốn của doanh nghiệp). Đối với loại cấp mới và cấp lại thì thủ tục phải theo đúng trình tự thẩm định, phức tạp và tốn chi phí khoảng 30 triệu đồng cho một giấy phép. Còn đối với loại không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì thủ tục lại khá đơn giản, chỉ cần có hộ chiếu và giấy chứng nhận thành viên tham gia góp vốn là đã đủ điều kiện không phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động.

Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa cho biết, chính vì thủ tục dễ dàng, đơn giản và không phải mất chi phí nên nhiều người nước ngoài đã né tránh việc xin cấp mới hoặc cấp lại giấy phép lao động mà tham gia góp vốn để được xác nhận là lao động người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp không quy định mức góp vốn nên nhiều người nước ngoài đã tham gia góp vốn vào doanh nghiệp chỉ từ 1 triệu đồng trở lên. Và khi đã trở thành thành viên góp vốn thì đương nhiên họ không thuộc diện cấp giấy phép lao động. “Chính vì họ thực hiện theo đúng quy định nên chúng tôi không có cơ sở nào để bắt họ phải thực hiện xin cấp giấy phép được. Chẵng hạn, mới đây, qua kiểm tra chúng tôi phát hiện tại Công ty TNHH Shree Yashoda Investments (phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) có 3 người Ấn Độ là ông: Parmeet Singh, Divakaran Diveshmon và Melath Ratheesh đang làm việc. Cả 3 người này đều là thành viên góp vốn của công ty với mức góp chỉ có 3 triệu đồng/người”, ông Trí cho hay.  

Nhà hàng của Công ty TNHH Shree Yashoda Investments - nơi có 3 người Ấn Độ làm việc là thành viên góp vốn.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa, nếu như năm 2015 toàn tỉnh chỉ có 26 lao động người nước ngoài xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì năm 2016 tăng lên 166 người và từ đầu năm 2017 đến nay đã có 144 người. Những lao động người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động là người Nga, Ukraina, Ấn Độ, Trung Quốc. Đa số những người này làm việc ở các lĩnh vực: nhà hàng, khách sạn, lữ hàng, du lịch, cửa hàng buôn bán sản phẩm… Tình trạng người nước ngoài vào tỉnh Khánh Hòa làm việc và lách luật bằng cách tham gia góp vốn đang có chiều hướng gia tăng mạnh và ngày càng diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, phần lớn người nước ngoài có tên trong sổ đăng ký của doanh nghiệp với tư cách là thành viên góp vốn nhưng vẫn ở lại Khánh Hòa làm việc cho công ty khác hoặc làm việc cho chính công ty mình tham gia góp vốn. Đồng thời, những vị trí công việc họ đang làm thì đa phần người Việt Nam đều có thể đảm nhận được. Trong khi, theo pháp luật hiện hành, người nước ngoài tham gia làm việc tại Việt Nam phải từ trình độ cao đẳng trở lên và làm những công việc mà người Việt Nam không thể đảm nhận được. Điều này, dẫn đến thực trạng lao động Việt Nam tại Khánh Hòa bị mất đi nhiều cơ hội việc làm.

Cần giải pháp quản lý chặt chẽ

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa, với thực trạng đang diễn ra trên địa bàn tỉnh đã tạo ra sự mất công bằng giữa người cấp giấy phép với người không cấp giấy phép. Đã có không ít lao động người nước ngoài, doanh nghiệp đã đến các cơ quan chức năng phản ánh, so bì sự không công bằng này. Nhiều người cho rằng, cũng là người nước ngoài làm công việc giống họ, nhưng người kia lại không mất chi phí để làm thủ tục xin cấp giấy phép, còn họ lại mất nhiều chi phí để làm giấy phép. Bên cạnh đó, tình trạng này còn làm đảo lộn công tác quản lý, tạo nhiều biến tướng, khó quản lý. Đặc biệt, từ những bất cập đó sẽ tạo ra tiền lệ xấu về sau này sẽ có nhiều lao động người nước ngoài, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm cách lách luật để đưa người nước ngoài vào Việt Nam làm việc mà không có sự ràng buộc nào.

Ông Mai Xuân Trí cho biết, với những bất cập đó, UBND tỉnh và các ngành chức năng cần sớm đưa ra những giải pháp cụ thể để quản lý chặt chẽ hơn lao động người ngoài vào tỉnh Khánh Hòa làm việc. Tuy nhiên, để làm được điều này, UBND tỉnh cần kiến nghị với Trung ương sớm điều chỉnh Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng quy định cụ thể thời gian cho từng mức góp vốn. Chẵng hạn, người nước ngoài góp vốn 10 triệu thì nên quy định có thời hạn là 6 tháng. Cương quyết không cấp giấy chứng nhận góp vốn cho người nước ngoài vào tỉnh ta bằng con đường du lịch rồi ở lại làm việc; tăng cường hậu kiểm tra khi đã cấp giấy chúng nhận góp vốn cho người nước ngoài. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần thẩm định kỷ lưởng hơn về vị trí việc làm khi người lao động xin xác nhận không cấp giấy phép nhằm đảm bảo quyền lợi việc làm cho người lao động địa phương. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng để quản lý chặt chẽ hơn khi người ngoài đăng ký tạm trú, tạm vắng…

 Một lao động người nước ngoài bán hàng nông sản khô tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thiện Thuật.

Trước những bất cập đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt những nội dung như: thẩm định chặt chẽ hồ sơ của các doanh nghiệp có người nước ngoài tham gia góp vốn; tăng cường công tác hậu kiểm giữa các cơ quan liên ngành sau khi cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp có người lao động nước ngoài tham gia góp vốn nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý người lao động nước ngoài đang làm việc trên địa bàn tỉnh; thường xuyên thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đang sử dụng lao động người nước ngoài…

VĂN GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh