CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:02

Khánh Hòa: Giải quyết kịp thời chính sách đối với người có công

Không để hồ sơ tồn đọng

Nổi bật trong công tác giải quyết hồ sơ chế độ chính sách trong năm 2015 là Sở đã tiếp nhận, thẩm định 106 hồ sơ chuyển Hội đồng giám định y khoa tỉnh Khánh Hòa để xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh, tật cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ. Kết quả có 89 trường hợp được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận bệnh, tật, Sở LĐ-TB&XH đã ký Quyết định trợ cấp hàng tháng, nâng tổng số đối tượng toàn tỉnh đang hưởng trợ cấp hàng tháng hiện nay là 1.835 người. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị định số 20/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về việc quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Hiện tổng số đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng của tỉnh là 8.521 người, với số tiền gần 11,3 tỷ đồng/tháng. Việc chi trả trợ cấp cho đối tượng người có công trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo thời gian quy định.

Ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trao Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Bộ LĐ-TB&XH cho ông Lê Hữu Thọ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

 Trong năm 2015, Sở cũng đã tiếp nhận, thẩm định, giải quyết trợ cấp cho 80 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày được hưởng trợ cấp theo quy định. Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa trình Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 203 bà mẹ trên địa bàn toàn tỉnh. “Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc đối với người có công nên đến cuối năm 2015, không còn hồ sơ người có công đủ điều kiện xem xét giải quyết tồn đọng tại Sở LĐ-TB&XH”- ông Lê Hữu Thọ cho biết. Đặc biệt là công tác quản lý hồ sơ người có công đã được “số hóa” 49.335 hồ sơ người có công cách mạng. Từ mô hình cải cách hành chính này, Sở đã đạt giải nhất cuộc thi Mô hình, sáng kiến cải cách hành chính của công chức, viên chức trẻ tỉnh Khánh Hòa” lần II/2015 với mô hình “Cải cách công tác quản lý hồ sơ người có công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Tiếp tục phát triển phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, bằng các việc làm cụ thể, thiết thực, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách. Nổi bật là huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt hiệu quả cao. Trong năm 2015, toàn tỉnh đã vận động được 4,6 tỷ đồng, đạt 306% kế hoạch. Từ nguồn Quỹ này đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 140 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh với số tiền 3,7 tỷ đồng và hỗ trợ xây dựng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 903 căn nhà cho người có công.

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tặng quà Bà mẹ VNAH Võ Thị Thiện ở phường Phước Long, TP.Nha Trang.

Ngoài các chế độ của Trung ương, ở tỉnh Khánh Hòa đã ban hành nhiều Nghị quyết để hỗ trợ đối tượng người có công với cách mạng như: Chế độ chính sách hàng tháng cho 890 người là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha, mẹ, vợ, chồng liệt sĩ từ 80 tuổi trở lên với số tiền 150.000 đồng/người/tháng. Nghị quyết về chế độ quà lễ, tết cho đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí, cán bộ công chức, viên chức hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp từ  ngân  sách vào dịp ngày Quốc tế Lao động 1/5, Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán và Nghị quyết về chế độ hỗ trợ cho đối tượng là thương binh, liệt sĩ nhân ngày 27/7 hàng năm. Trong năm ngành cũng tổ chức Đoàn người có công của tỉnh đi tham quan Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc theo chủ trương của UBND tỉnh với kinh phí cho các hoạt động trên hơn 15 tỷ đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà các đối tượng chính sách có công trong tỉnh với số tiền hơn 10,5 tỷ đồng. Trong đó, quà Chủ tịch nước là hơn 3,2 tỷ đồng và UBND tỉnh trích ngân sách thăm tặng quà gần 7,3 tỷ đồng

Theo đánh giá của ông Lê Hữu Thọ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ở tỉnh Khánh Hòa luôn không ngừng mở rộng xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực của toàn dân qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” mà cụ thể là  phong trào “Chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu con liệt sĩ và con thương - bệnh binh nặng”, phong trào “Xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa”... Nhờ vậy mà 100% hộ gia đình người có công trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú.

Ngọc Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh